Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Tầm quan trọng của “chỉ số cảm xúc” – EQ (P.2)

(MTD) Chỉ số EQ không chỉ quan trọng mà còn có nhiều tác động trong đời sống của trẻ con đến khi các con trưởng thành. Vậy, làm thế nào để rèn luyện “chỉ số thông minh cảm xúc – EQ” cho con? Cùng Mây tiếp tục tìm hiểu nhé!

Có thể thấy, chỉ số thông minh cảm xúc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định thành công và hạnh phúc của một người. Một điều đáng mừng là trí thông minh cảm xúc của một người có thể được rèn luyện và cải thiện theo thời gian.

Rèn luyện trí thông minh cảm xúc cho con cái không phải là một điều quá khó khăn, tuy nhiên, điều này đòi hỏi ở cha mẹ sự kiên nhẫn và hiểu biết nhất định về tâm lý hành vi.

Điều quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh phải hiểu rõ là sự hình thành nhân cách tâm lý của một đứa trẻ bắt đầu từ cách bé được đối xử bởi những người thân trong gia đình và cách những người xung quanh ứng xử với nhau chứ không phải do những bài học đạo đức mang nặng tính áp đặt và giáo điều được dạy trong nhà trường.

Nói một cách đơn giản nhất, khi cảm xúc của một đứa trẻ không được tôn trọng, bé sẽ không học được cách quản lý cảm xúc của mình và tôn trọng cảm xúc của người khác sau này. Để nâng cao trí thông minh cảm xúc của con cái các bậc làm cha làm mẹ nên kiên trì thực hiện những điều sau:

1. Kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân trước mặt con cái: Người Việt Nam ta có một tính xấu là bên ngoài thì giả lả lịch sự với người lạ thậm chí là có thể nhẫn nhịn rất tốt với những kẻ mình không ưa nhưng khi về nhà thì nói chuyện cộc cằn thô lỗ với những người thân trong gia đình như vợ, chồng hoặc với các con. Để lý giải cho thói quen xấu này, nhiều người đã ngụy biện rằng: “phải được sống thật với cảm xúc khi ở nhà” hoặc “đã là người nhà thì sao lại phải khách sáo với nhau”. Điều này chẳng khác nào tự thừa nhận rằng bản thân họ luôn mang đầy những cảm xúc tiêu cực nhưng rất giỏi đóng kịch để lừa người khác và đến khi không cần “diễn xuất” nữa, họ sẽ bộc lộ hết những cảm xúc thật và nạn nhân không ai khác chính là người thân của họ.

Nếu chúng ta thương yêu và coi trọng cảm xúc của những người thân trong gia đình thì không có lý do gì chúng ta bắt họ phải gánh chịu những thái độ và cảm xúc tiêu cực của mình nhất là đối với con cái. Nguyên tắc quan trọng trong cách ứng xử gia đình là “để lại tất cả những chuyện bực mình và cảm xúc tiêu cực bên ngoài cửa chứ đừng mang chúng vào nhà”. Đồng thời, bạn phải hiểu rằng con cái của bạn sẽ học cách cư xử với mọi người qua cách bạn đối xử với chúng và với những người khác trong gia đình. Bạn không thể bắt con bạn nói chuyện tử tế với em mình khi chính bạn thường hay cáu gắt và quát nạt con.

2. Hạn chế sử dụng những chất kích thích: Những người có thói quen nhậu nhẹt say xỉn hay nghiện thuốc lá thường khó có thể điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Làm sao khi bạn có thể dạy con cái khi bạn luôn ở trong trạng thái không tỉnh táo và không làm chủ được cảm xúc của mình? Đó là chưa kể việc bạn tạo ra một hình tượng rất xấu trước mặt con cái và tập cho chúng những thói quen xấu sau này. Hãy hạn chế việc sử dụng rượu bia thuốc lá và nếu được thì hãy bỏ hẳn.

3. Khen thưởng và kỷ luật công bằng và hợp lý: Một sai lầm lớn nữa trong việc nuôi dạy con cái là việc khen thưởng và phạt con tùy hứng thiếu nhất quán. Rất nhiều cha mẹ phạt hay thưởng con tùy thuộc vào tâm trạng và cảm xúc của bản thân chứ không phải tùy thuộc theo điều con làm. Cùng một vi phạm nhưng nếu hôm đó bố mẹ đang vui thì con có thể chỉ bị la rầy qua loa mấy câu nhưng nếu tâm trạng bố mẹ không tốt thì con cái sẽ lãnh đủ các kiểu thịnh nộ. Việc thiếu nhất quán trong cách thưởng phạt không những không giúp trẻ hiểu và sửa được sai hoặc phát huy cá tốt mà còn khiến trẻ bị rối loạn nhận thức về cảm xúc. Nếu bé có anh chị em thì hãy đảm bảo việc thưởng phạt phải công bằng với tất cả, không được thiên vị một ai.

4. Lắng nghe con trò chuyện và giải thích cho con hiểu: Cha mẹ Việt Nam hay có khuynh hướng bắt con cái phải nghe lời của mình nhưng ít khi chịu lắng nghe lời giải thích của con cái. Điều này gây ra những sự ức chế không hề nhỏ về mặt cảm xúc ở trẻ vì chúng cảm thấy bị thiếu tôn trọng và về lâu về dài, chúng sẽ có thói quen giấu cha mẹ những điều quan trọng lẫn cảm xúc thật của mình. Đến khi bạn biết được vấn đề thì đã quá muộn. Vì thế đừng bao giờ bỏ qua những “chuyện nhỏ” của con bạn mà hãy dành thời gian lắng nghe những gì con muốn nói đồng thời giải thích cho con hiểu tùy theo độ tuổi và trình độ nhận thức của con.

5. Hãy để con bộc lộ cảm xúc thật của mình và từ đó giúp bé điều chỉnh cảm xúc: Nếu con bạn òa khóc khi bị bố mẹ phạt thì đừng bắt con nín khóc ngay mà hãy để cho con khóc dứt cơn mặc dù điều đó có thể làm cho bạn khó chịu. Xét cho cùng, việc khóc khi bị phạt là chuyện hết sức bình thường về mặt tâm lý. Đổi lại là bạn, bạn có thể nín khóc ngay hay không nếu gặp chuyện ấm ức?
Nếu con gào toáng lên hoặc nổi giận vì một chuyện không đáng, cứ để điều đó xảy ra đừng tìm cách ngăn chặn hoặc gào to hơn để lấn át. Hãy đợi cho con bình tĩnh lại rồi phân tích cho con điều đó là không nên và đưa cho con những lựa chọn thể hiện cảm xúc khác thích hợp hơn đồng thời nhắc nhở con mình rằng lần sau nếu con tiếp tục cư xử như vậy, bạn sẽ không giúp bé giải quyết vấn đề.

6. Hãy tập cho con chịu trách nhiệm với những gì mình làm: Khi con bạn sơ ý vấp té hoặc làm điều gì đó sai, hãy phân tích những lý do khách quan và trách nhiệm của con mình cho bé hiểu, đừng dạy con cách đổ thừa cho điều kiện ngoại cảnh hoặc người khác. Thay vì “đánh cái bàn hư này, đánh cái đất hư làm bé té này” hãy dạy cho con cách đi đứng cẩn thận, không được hấp tấp. Thay vì đổ thừa cho việc kẹt xe hay trời mưa làm bé trễ học, hãy dạy con cách canh giờ dậy sớm hơn để đừng bị trễ lần sau. Những đứa trẻ được dạy cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình từ khi còn nhỏ sẽ kiềm chế và rút kinh nghiệm tốt hơn khi vấp ngã sau này vì chúng biết chúng không có những cái cớ để đổ thừa mà phải tự động giải quyết vấn đề của mình.

7. Cùng học với con: Hãy để ý những lĩnh vực mà con bạn có hứng thú để cùng tìm hiểu và nâng cao kiến thức bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau để khi con bạn hỏi, bạn có thể giải thích thấu đáo cho con hiểu. Những câu nói kiểu: “Lo học đi, đừng hỏi lung tung!” hay “con nít, đừng có nhiều chuyện” là những câu nói hết sức vô trách nhiệm và gây tổn thương về mặt cảm xúc của trẻ con. Nên nhớ khi một đứa trẻ thắc mắc một vấn đề và muốn tìm hiểu, bé đang học hỏi. Việc không trả lời những câu hỏi thích hợp của con sẽ khiến con bạn cảm thấy bị thiếu tôn trọng và đồng thời giết luôn sự tò mò vốn vô cùng cần thiết trong việc học hỏi của bé. Dần dần con bạn sẽ trở nên hời hợt và thờ ơ với những điều xảy ra xung quanh.

8. Làm phong phú đời sống tinh thần của bé: Cha mẹ có đời sống tinh thần nghèo nàn thường tạo ra những đứa con có chỉ số thông minh cảm xúc thấp. Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình cha mẹ không có thói quen đọc sách nhưng lại chỉ thích nghe nhạc sến hoặc xem những chương trình truyền hình hài nhảm nhí sẽ có một đời sống tinh thần đơn điệu dễ dãi và cảm xúc bộc phát thiếu chín chắn. Hãy chú trọng tạo cho con mình một môi trường văn hóa lành mạnh: giúp con lựa chọn sách vở, phim ảnh, âm nhạc hay những chương trình truyền hình có ý nghĩa và nội dung phong phú và cùng xem với bé để qua đó giáo dục bé về cả kiến thức lẫn cảm xúc.

Một trong những phương pháp rèn luyện EQ hiệu quả nhất cho con là đưa con bạn vào những tình huống của những nhân vật trong truyện hoặc phim bé xem và hỏi xem trong trường hợp như thế con sẽ ứng xử như thế nào và thông qua đó điều chỉnh các phản ứng thái quá của con mình.

9. Dạy cho con bạn yêu thiên nhiên: Những nhà trị liệu tâm lý trẻ em ở nước ngoài thường khuyến khích cha mẹ của những trẻ em tự kỷ nuôi thú cưng ở nhà và dạy con chăm sóc thú cưng như một cách để cải thiện năng lực cảm xúc của bé. Việc dạy con chăm sóc cây cảnh hoặc thú cưng ngoài tác dụng cung cấp cho trẻ những kiến thức bổ ích về đời sống tự nhiên còn có tác dụng dạy trẻ tính kiên nhẫn và tình yêu thương đối với động vật hoặc cây cỏ.

Nếu không có điều kiện, hãy chọn những chương trình thế giới động vật trên TV để cùng xem với bé. Mỗi tháng một lần, hãy dẫn con bạn ra ngoài thiên nhiên để dã ngoại vừa tốt cho sức khỏe vừa nâng cao nhận thức của con về thiên nhiên và môi trường sống.

10. Dạy cho con bạn cách hợp tác với bạn bè: Cha mẹ ngày nay quá quan trọng về mặt điểm số và thành tích nên chỉ chăm chăm dạy con ganh đua cạnh tranh với bạn từng điểm mà quên mất việc dạy con cách chia sẻ, giúp đỡ và hòa đồng với bạn bè. Nên nhớ, con bạn dù giỏi cách mấy khi ra đời làm việc cũng khó có thể một mình gánh vác mọi việc mà luôn cần có sự phối hợp giúp đỡ từ những người khác. Một đứa trẻ giỏi về kiến thức nhưng tự cao tự đại và không hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa sẽ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống hơn một đứa trẻ được bạn bè yêu mến.

Viễn Huỳnh

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!