Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Thạc sĩ bỏ phố về quê để “mát-xa” thu mật

(MTD) Trà Vinh là tỉnh thứ hai của Việt Nam có sản lượng dừa lớn sau Bến Tre nhưng ở đây có rất ít nhà máy chế biến sản phẩm từ dừa. Năm 2018, chứng kiến giá dừa ở quê mình – Trà Vinh – rớt thê thảm, bỏ mọc mầm cả năm, hai vợ chồng thạc sĩ Phạm Đình Ngãi quyết định về quê khởi nghiệp với ngành nghề mới tìm hướng đi cho cây dừa đó là “mát-xa hoa dừa” để thu mật.

Trong 6 tháng đầu tiên, do không nắm được kỹ thuật thu mật hoa nên vợ chồng anh Ngãi thất bại liên tục trong việc thu hoạch mật hoa dừa. Không bỏ cuộc, vợ chồng anh sang Thái Lan, Campuchia, An Giang để học hỏi kinh nghiệm thu mật từ cây thốt nốt.

Mật tiết ra từ hoa dừa

Thời gian đầu thử sai rất nhiều lần, nhiều mẻ sản phẩm phải bỏ đi. Song, với tình yêu mãnh liệt dành cho cây dừa quê hương mình, mong muốn tìm hướng đi mới cho dừa và tăng giá trị kinh tế cho nông sản, sau 1 năm 9 tháng, những chai mật hoa dừa đầu tiên từ vườn dừa nhà anh Ngãi đã được xuất ra thị trường để bán.

Trồng dừa chưa kịp ra trái đã “hái” được khối tiền

Mỗi năm cây dừa cho ra trung bình 13 hoa. Mỗi hoa dừa cứ cách 12 giờ lấy được hơn 0,5 lít mật và hết vòng đời thu được tổng cộng khoảng 25 lít mật tươi, ước tính trong vòng 25 ngày liên tục. Thu hết hoa này thì thu ở hoa kế tiếp.

Mỗi năm, thu mật trong 9 tháng và dưỡng cây 3 tháng. Với giá bán hiện tại thì trên mỗi hoa dừa người nông dân có thể thu được khoảng 250.000đ – 300.000đ. Đặc biệt hơn, với nguyên liệu là mật tươi từ hoa dừa thì chúng ta có thể chế biến và sản xuất hơn 30 sản phẩm giá trị gia tăng từ nó.

Thu mật hoa dừa thì sẽ thu trên cả bó hoa bằng cách như sau:

Khi dừa ra hoa cần đợi 30 ngày đến khi hoa đủ lớn, đảm bảo sản lượng thu hoạch thì mới uốn cổ hoa cong trở xuống rồi bó lại

Khi dừa ra hoa cần đợi đến khi hoa đủ lớn, đảm bảo sản lượng thu hoạch (hoa dừa sau khi mọc ra tầm 30 ngày hoặc hoa chuẩn bị nở ra là thời gian phù hợp nhất để lấy mật) thì người nông dân sẽ uốn cổ hoa cong trở xuống rồi bó lại để chúng không bung ra.

Tiếp đến, người thợ phải “mát-xa” hoa dừa, rồi dùng một cái chày gỗ đập chung quanh phát hoa khoảng 5cm về phía đỉnh, với một lực vừa phải và đều để kích thích mạch dẫn nhựa tiết mật ra ngoài. Việc làm này cần hai thợ cho mỗi cây và hoa dừa được “mát-xa” tận hai lần mỗi ngày.

Người thợ “mát-xa” hoa dừa

Lấy mật hoa dừa đòi hỏi người thợ phải tích lũy kinh nghiệm dần để hoàn thiện các kỹ thuật “mát-xa”, gõ vào hoa dừa, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu tác động quá mạnh sẽ làm cho các gié bên trong hoa bị dập, hoa sẽ bị hư sẽ không cho ra mật. Nhưng nếu đập quá nhẹ thì các gié hoa bên trong không bị tổn thương, mật sẽ không tiết ra được. Hơn nữa, kích thước các hoa của từng giống và từng cây cũng khác nhau, đòi hỏi người kỹ thuật viên phải rất có kinh nghiệm và quen tay để điều chỉnh lực đập đối với những hoa khác nhau.

Sau đó là cắt bỏ mặt hoa khoảng 3-5mm và dùng chai để hứng mật. Mỗi hoa dừa cứ cách 12 giờ lấy được hơn 0,5 lít mật. Cuối cùng, mật tươi sẽ được chuyển về xưởng sản xuất để cô đặc. Mật hoa dừa tươi sẽ được cô đặc trong 8h bằng công nghệ cô đặc chân không đến trên 73 độ brix và không dùng chất bảo quản, giúp mật giữ lại được nhiều khoáng chất và hương vị tự nhiên. Từ 8 lít nước mật tươi sẽ cho ra 1 lít mật cô đặc.

Cắt bỏ mặt hoa khoảng 3-5 mm và dùng chai để hứng mật

Lấy mật hoa thì có thu được trái?

Giống như thu mật thốt nốt, thu mật hoa dừa cũng là một ngành nghề truyền thống từ xa xưa và đã có nhiều ở các nước như Philippine, Malaysia và Nam Ấn Độ.

Cây dừa lúc thu mật thì không thu trái. Nhưng khi cây dừa cao, việc leo lên thu mật trở nên nguy hiểm, người thu mật sẽ ngưng, chỉ tiến hành thu trái lại. Lúc này trái ra nhiều vì cây dừa được chăm sóc kĩ trong quá trình thu mật, chất lượng trái dừa cũng tốt hơn.

Năm 2013, FAO đã báo cáo rằng đường hoa dừa là chất tạo ngọt bền vững nhất thế giới. Dựa trên 3 yếu tố là cải thiện kế sinh nhai, phù hợp với biến đổi khí hậu và tính bền vững của xu thế tiêu dùng. Từ một diện tích giống nhau, cây dừa có thể cho lượng đường cao hơn từ 50 -70% so với cây mía.

Người nông dân sẽ dùng bình sứ, ống tre hay bình nhựa… đặt trực tiếp vào hoa để hứng mật

Mô hình thu mật hoa dừa giúp tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 3-5 lần. Mật hoa dừa có thể thay thế đường tinh luyện và mật ong. Và đây là sản phẩm thuần thực vật 100% nên thích hợp cho những người ăn chay và cả thuần chay.

Mật hoa dừa lành tính, không kỵ với các món ăn khác, đặc biệt là giàu khoáng chất. Nhất là đối với những người bị đái tháo đường, ăn kiêng, dùng đường từ mật hoa dừa có thể an tâm hơn, vì chỉ số đường huyết của mật hoa dừa là rất thấp.

Lý Minh Khoa

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!