Tháng Chạp về, Sài Gòn nắng hanh, gió nhẹ. Ở góc phố nào cũng rộn ràng hàng Tết.
Tháng Chạp, ở quê mình bắt đầu mùa chạp mả. Xóm thôn sẽ nhộn nhịp phát quang vườn tược, dọn dẹp cổng ngõ chờ Tết.
Ở quê mình chờ Tết có nghĩa là chờ những người đi xa về quê. Quê mình có Tết khi con cô Ba thím Bảy kéo vali về trên đường thôn, khi chuyến xe đường dài hay tàu đêm cập bến.
Tháng Chạp, mọi người hẹn nhau: gặp cà phê cuối năm nha! Và gặp cà phê cũng nói về Tết. “Bao giờ về á? Tết năm nay tàu xe mắc quá, chỉ có lương thưởng bèo nhèo”, ai đó than nhẹ!
“Làm sao để Tết nghèo vẫn vui?”, một người anh cà phê chung sáng nay đặt vấn đề.
Rồi cũng chính anh giải quyết vấn đề: tiết kiệm chi tiêu, dành thời gian chăm chút những giá trị tinh thần, bền vững.
“Đôi khi cái khó cũng hay, giúp ta thêm thời gian/ cơ hội chiêm nghiệm và trải nghiệm”, một người bạn chia sẻ và nhớ về thời dịch bệnh. Trong đại dịch – thời điểm nhiều người tỉnh thức, chậm lại.
Khó khăn là dịp sống chậm, anh kết luận.
Tháng Chạp, cạn cùng của năm, nhìn lại mười mấy tháng qua với lòng bao dung. Và nhận diện, chuyện gì cũng có hai mặt, quan trọng khi nó đến, đang diễn ra, ta nhìn về hướng nào. Nếu luôn nhìn về hướng tích cực ta sẽ thấy cuộc sống dù khó mấy vẫn có điểm sáng, vẫn còn đó hi vọng.
Thực ra, tích cực chính là đốm sáng ta nhen nhóm để thắp lửa lúc đêm đông, sưởi ấm lòng mình!
Cảm ơn tháng Chạp và những yêu thương!
Lưu Đình Long