(MTD) Lễ trà tỳ của Thiền sư sẽ diễn ra vào lúc 9h00 ngày 29-1 tại Công viên Vĩnh Hằng, Vườn Địa Đàng Huế. Trước đó, lễ cung tiễn và phát hành sẽ bắt đầu lúc 6h00, ngày 29-1 tại Tổ đình Từ Hiếu. Mây Thong Dong đăng nguyên văn nội dung thông cáo báo chí của Làng Mai, phát đi hôm qua, 27-1.
Làng Mai, Pháp, ngày 27-1-2022
Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, vào lúc 01 giờ 30 phút ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thiền sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu, Khai Sơn Đạo Tràng Mai Thôn Quốc Tế đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây tám mươi năm, trụ thế 97 tuổi và 72 hạ lạp.
Ngày 26-1, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã thay mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng lễ tâm tang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế. Cùng đi có ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ và quý vị trong Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ. Thứ trưởng chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao chủ trương Phật giáo nhập thế của Sư Ông Làng Mai. Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ chia buồn, phân ưu đến Tăng thân Làng Mai, nhà nước mong Phật giáo Làng Mai tiếp tục đường hướng, tinh thần của Thiền sư trên tinh thần nhập thế Phật giáo vì đất nước, xã hội, là tác nhân cùng với Phật giáo nước nhà, Phật giáo thế giới xiển dương giá trị hòa bình theo tinh thần của Sư Ông”.
Được tin Thiền sư viên tịch, hàng triệu người trên thế giới đã gửi lời chia buồn cũng như thể hiện niềm thương kính và biết ơn đối với Thiền sư – người được xem là “cha đẻ của pháp môn chánh niệm” ở phương Tây. Những lời dạy và pháp môn thực tập mà Thiền sư dành cả cuộc đời mình để trao truyền đã giúp không biết bao nhiêu người tìm lại được sự bình an, chuyển hoá và trị liệu cũng như đem lại sự hàn gắn trong các gia đình và cộng đồng.
Trong những ngày qua, những lời tri ân từ các cá nhân, các nhà lãnh đạo trong và ngoài nước,cũng như các tổ chức tôn giáo trên khắp thế giới được gửi về Đạo tràng Mai Thôn, Pháp và đã được đăng tải trên trang web: https://plumvillage.org/gratitude-for-thich-nhat-hanh/
Dưới đây là lời chia buồn từ cộng đồng quốc tế:
Đức Đạt Lai Lạt Ma –“Thiền sư đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa. Ngài đã phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam bằng những phương tiện ôn hoà, ủng hộ nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King, cũng như nỗ lực hết sức để giúp cho mọi người thấy nếp sống chánh niệm và từ bi không những góp phần đem lại sự bình an nội tại cho từng cá nhân, mà còn đóng góp vào nền hòa bình cho thế giới”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In – “Là một nhà hoạt động, Thiền sư luôn thể hiện tình thương yêu đối với nhân loại qua hành động của mình. Những lời dạy về nghệ thuật sống hạnh phúc của Ngài đã chạm đến trái tim và trở thành ánh sáng soi đường của rất nhiều người. Bước chân chánh niệm và lời dạy của Thiền sư sẽ luôn được tiếp nối”.
Trong suốt cuộc đời tu tập của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh không ngừng góp phần làm mới đạo Bụt. Người không những chỉ làm cho danh từ “đạo Bụt dấn thân” được biết đến rộng rãi mà còn thực sự sống trong tinh thần ấy. Trong hơn nửa thế kỷ, trên bình diện quốc tế, Người đã vận động không mệt mỏi cho hòa bình dựa trên nền tảng bình đẳng và công bằng xã hội. Antonio Guterrres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành cả cuộc đời để nói lên tiếng nói cho hòa bình. Người dạy chúng ta vượt lên trên sự chia rẽ bằng cách nuôi dưỡng lòng cảm thông, bao dung và cái thấy về sự gắn kết sâu sắc giữa con người với nhau.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh không né tránh những thử thách mà toàn thế giới đang phải đối diện. Là tác giả của hơn 100 cuốn sách, là một trong những người tiên phong trong việc bảo vệ trái đất gắn liền với tâm linh, Thiền sư đã tổ chức các hội nghị quốc tế cũng như có những bài viết về sinh thái và biến đổi khí hậu từ đầu những năm 1970. Hơn nửa triệu người đã học hỏi và thực tập các pháp môn chánh niệm, cam kết thực tập Năm Giới tân tu – con đường đạo đức ứng dụng toàn cầu mà Thiền sư đã khởi xướng. Tác phẩm của Thiền sư được xuất bản chỉ vài tháng trước đây, “Zen and the Art of Saving the Planet” (Thiền và Nghệ thuật bảo vệ hành tinh), nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực tập chánh niệm nơi mỗi cá nhân và sự tỉnh thức tập thể, góp phần đem lại sự trị liệu mà cả hành tinh đang cần đến.
Christiana Figueres, cựu Thư ký Điều hành Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu và là đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ghi nhận những lời dạy của Thiền sư đã giúp cho bà có thể dẫn dắt vòng đàm phán Paris và đem lại bản thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu năm 2016: “Tôi đã học được rất nhiều điều từ Thầy nhưng có lẽ quan trọng nhất là kỹ năng lắng nghe sâu trong việc giải quyết xung đột, giúp tháo gỡ vô số rào cản chính trị trong các cuộc đàm phán. Những tuệ giác và phương pháp thực tập của Người đã giúp mở ra một không gian hợp tác giàu có mới mẻ, mà qua đó các chính phủ có thể đi đến thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử này. Những phương pháp thực tập chánh niệm đầy thực tiễn của Thầy sẽ là một kho tàng quý báu cho các thế hệ tương lai – những người muốn tạo nên những thay đổi cho xã hội trong tương lai”.
Cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore nói: “Di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tuệ giác, lòng từ bi và sự tôn trọng đối với hành tinh của chúng ta và sự tôn trọng lẫn nhau. Những lời dạy của Người sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động xã hội và môi trường trong cuộc đấu tranh bền bỉ để bảo vệ Trái đất và nhân loại”.
Ban Ki Moon, cựu Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc (2007-2016): “Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã và sẽ tiếp tục là bậc thầy có tầm nhìn xa trông rộng và là người góp phần kiến tạo một nền đạo đức toàn cầu dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau”.
Matthieu Ricard – vị tu sĩ Phật giáo Tây Tạng được mệnh danh là “Người hạnh phúc nhất thế giới”:“Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những nhân vật được kính ngưỡng nhất của thời đại chúng ta cả về mặt tâm linh và đạo hạnh. Thiền sư không chỉ trao truyền những giáo lý và phương phức thực tập của đạo Bụt một cách rõ ràng và đầy cảm hứng mà còn là ngọn hải đăng soi chiếu chân lý trong cuộc tranh đấu bất bạo động vì nhân quyền”.
Marc Benioff – Giám đốc điều hành của tập đoàn Salesforce: “Thầy Nhất Hạnh có ảnh hưởng sâu sắc tới tôi. Thầy từng hỏi tôi: Điều gì quan trọng hơn với anh, thành công hay hạnh phúc? Tôi đã trả lời : Cả hai, thưa Thầy. Nhưng Thầy nói : Anh phải lựa chọn – anh có thể là nạn nhân của thành công của chính mình nhưng sẽ không bao giờ có thể là nạn nhân của hạnh phúc”.
Joan Halifax, Viện trưởng của trung tâm thiền tập Upaya: “Thầy đã dạy tôi: là một nhà hoạt động xã hội không tách rời với việc là một người tu. Chính Thầy đã mở lối cho rất nhiều người trong chúng tôi đến với con đường của đạo Bụt dấn thân”
David Steindl-Rast, thầy tu Công giáo dòng Biển Đức, học giả và giảng viên: “Có một người huynh đệ, một bậc thiện tri thức như Thầy Nhất Hạnh là một trong những món quà lớn nhất trong cuộc đời tôi. Vào thời điểm buồn thương này, tôi muốn dang cánh tay mình tới vô số những người bạn đang cảm thấy mất mát trước sự ra đi của Người và nói với họ rằng: Chúng ta, từ khắp nơi trên thế giới, hãy cùng nhau tôn vinh di sản của Thầy – những lời Thầy trao truyền về Tương tức – bằng cách chung tay, sẵn sàng tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng hòa bình của Thầy”.
Jeff Wilson, Giáo sư về Tôn giáo và Đông Á tại Đại học Renison (Ontario, Canada), tác giả của Mindful America: The Mutual Transformation of Buddhist Zen and American Culture (tạm dịch: Nước Mỹ và pháp môn chánh niệm: Sự biến chuyển tương hỗ giữa Thiền Phật giáo và văn hóa Mỹ) : “Thích Nhất Hạnh là vị thầy Phật giáo có ảnh hưởng nhất trong năm mươi năm qua. Ngoài việc thúc đẩy thực tập chánh niệm, khả năng trình bày những tuệ giác và thực tập đạo Bụt bằng ngôn ngữ rõ ràng, dễ tiếp cận và chân thành của Thiền sư đã làm tăng đáng kể số lượng người tìm đến với đạo Bụt. Di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ tiếp tục tạo ảnh hưởng lớn cho nền Phật giáo hiện tại và tương lai”.
Alejandro González Iñárritu, đạo diễn đã từng đoạt giải Oscar: “Những lời chỉ dạy và phương pháp thực hành của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tuệ giác của Người đã đánh thức trái tim của hàng triệu người. Đối với tôi, năng lượng chánh niệm có công năng còn mạnh hơn năng lượng hạt nhân”.
Tiếp nối hạnh nguyện của Thiền sư đem pháp môn chánh niệm chia sẻ với mọi người trên khắp thế giới, các đệ tử của Người đồng thời bày tỏ ước mong các pháp môn thực tập chánh niệm như thiền thở, thiền đi, thiền ăn, ái ngữ và lắng nghe sâu được phổ biến rộng rãi trên quê hương Việt Nam: trong gia đình, trường học, công sở, doanh nghiệp, bệnh viện v.v. Thực tế cho thấy những khoá thực tập về chánh niệm do Thiền sư và tăng thân Làng Mai hướng dẫn ở nhiều nước trên thế giới đã mang lại nhiều lợi lạc, nhiều chuyển hoá và trị liệu cho cá nhân cũng như cho cả cộng đồng. Những pháp môn này được hình thành và phát triển từ chính di sản văn hóa và tâm linh của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, các đệ tử của Thiền sư mong muốn đem những hoa trái của bình an và trị liệu mà pháp môn chánh niệm đã mang lại cho xã hội Tây phương về hiến tặng trở lại cho người dân trên quê hương tâm linh Việt Nam.
Lễ trà tỳ của Thiền sư sẽ diễn ra vào lúc 9h00 ngày 29-1 tại Công viên Vĩnh Hằng, Vườn Địa Đàng Huế. Trước đó, lễ cung tiễn và phát hành sẽ bắt đầu lúc 6h00, ngày 29-1 tại Tổ đình Từ Hiếu. Buổi lễ cũng sẽ được truyền trực tuyến trên Youtube Làng Mai, TẠI ĐÂY.