Bài viết dưới đây, ThS Nguyễn Hiếu Tín, Trưởng bộ môn Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch) – Trường Đại học Tôn Đức Thắng gửi cho Mây Thong Dong chia sẻ với bạn đọc, như một gợi ý thực tập giúp tăng “đề kháng” trước lo lắng của dịch bệnh:
Câu nói này như lời trấn an về một tương lai tươi sáng bất kể những ngày khó khăn, đen tối của hiện tại. Đây là một ngạn ngữ của Ba Tư và đi kèm với nó là một giai thoại với nhiều dị bản.
Nhưng tựu trung là: Ngày xưa, có một vị vua nọ, một hôm gọi tất cả các nhà thông thái trong vương quốc và đánh đố họ hãy tìm một món quà gì mà có thể làm kẻ đang vui, nhìn vào nó sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn nhìn thấy nó sẽ vui. Nghĩa là trong bất kỳ cảnh huống nào dù khổ đau hay hạnh phúc cũng đều đúng.
Cuối cùng, một nhà thông thái đã tìm ra món quà kỳ diệu đó và tâu lên vua, trong lúc nhà vua đang say sưa, vui thú thì ông bất chợt u sầu, buồn bã vì món quà đó chính là tờ giấy với câu viết “Chuyện gì rồi cũng qua”.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan Covid-19 đang diễn ra khá phức tạp như hiện nay, không gian sống một quốc gia tạm thời bị “tối giản”, chật vật trong một hình tam giác với 3 đỉnh: nhà ở – siêu thị (ẩm thực) – bệnh viện.
Bệnh dịch này không chỉ thách thức hệ miễn dịch của con người sinh học, mà còn là chất thử nghiệt ngã đối với con người xã hội, phơi bày những tổn thương tức thì xảy đến đối với không ít giai tầng và người dân… Tuy vậy, chúng ta vẫn tin rằng “chuyện gì rồi cũng qua”, như là quy luật vận hành tự nhiên, tất cả mọi việc đều đến rồi đi, cho phép mình nhìn thấy triển vọng tương lai trong những giai đoạn đang thử thách nhất.
Có thể nói, sự thanh nhàn và hạnh phúc chân thật chỉ đến khi nhận ra được nguyên lý “Chuyện gì rồi cũng qua”, không chỉ bằng cách hồi tưởng lại, mà là ngay trong khi ta đang trải qua những khó khăn của thời cuộc. Nó có tác dụng như một sự nhắc nhở quan trọng rằng mọi thứ đều có một không gian, thời gian nhất định của nó và mang lại niềm tin mãnh liệt sẽ vượt qua điều này – mọi việc sẽ trôi qua, chắc chắn là như vậy.
Do vậy, có lẽ cách tốt nhất và hiệu quả nhất để duy trì một tâm hồn đẹp và giữ cho chính mình không rơi vào cảm giác quá sức chịu đựng, quân bình giữa sự lo âu, hỗn loạn là luôn nhớ rằng “chuyện gì rồi cũng qua” thôi mà!
ThS Nguyễn Hiếu Tín được biết đến là người có đóng góp cho thư pháp Việt. Ông đã tự nghiên cứu ra phương pháp dạy thư pháp bài bản và đề xuất mở “Phố ông đồ” ở TP.HCM mỗi dịp Tết Nguyên đán. ThS Tín đã được Thành đoàn TP.HCM bình chọn là Nhà giáo trẻ tiêu biểu ba năm liên tiếp. Bên cạnh đó, ông cũng là một nhà sưu tầm tem với rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; người nghiên cứu trà đạo và có lối sống thuần thành của một Phật tử hiểu đạo.