Trong ba ngày, từ 10 đến 12/9, “Thanh âm đại ngàn” do Hội VHNT Đắk Lắk phối hợp với Đường Sách TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra tại không gian văn hóa nổi bật nhất Sài Gòn.
Theo đó, chương trình đã giới thiệu các tác phẩm âm nhạc viết về Tây Nguyên của nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ người Ê đê Y Phôn Ksor, Nguyễn Hương Thành (NS Đắk Lắk sống và làm việc tại TP.HCM), Linh Nga Niê Kdăm…; Giới thiệu thơ của nhà thơ Lê Vĩnh Tài, Hữu Chỉnh, Văn Thảnh…
“Thanh âm đại ngàn” cũng trưng bày 100 bức ảnh nghệ thuật sáng tác về con người, văn hoá và cùng đất Tây nguyên, Đắk Lắk (gồm 50 bức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hội VHNT Đắk Lắk, 50 bức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hội Nhiếp ảnh TP.HCM); tranh của các hoạ sĩ Đắk Lắk; Trưng bày chữ thư pháp và tặng chữ; Giới thiệu nặn tò he dấu ấn Tây Nguyên…
Tại buổi khai mạc ngày hội, nhà văn Niê Thanh Mai, chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk, trưởng ban tổ chức cho biết, Đắk Lắk là một vùng đất của văn hóa, sử thi và âm nhạc. Bà Thanh Mai bày tỏ mong muốn văn nghệ sĩ và văn học nghệ thuật Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đến gần hơn với công chúng và văn nghệ sĩ trên cả nước.
Còn H’Ăng Niê – người mẫu trong vai trò đại sứ truyền thông của chương trình thì mời gọi mọi người sẽ đến Đắk Lắk khám phá phong cảnh, văn hóa, những lễ hội đặc trưng.
“Mọi người không chỉ đến một lần mà nhiều lần và yêu Đắk Lắk như quê hương của mình”, H’Ăng Niê nói.
Giám đốc Đường Sách TP.HCM Lê Hoàng nhận định, “Thanh âm đại ngàn” là dịp cho người dân thành phố được tiếp cận với văn hóa Tây nguyên. Theo ông Lê Hoàng, những chương trình văn hóa như “Thanh âm đại ngàn” rất hữu ích cho đời sống tinh thần của người dân thành phố. Chính vì vậy, chương trình không chỉ diễn ra trong một ngày một buổi mà cần kéo dài trong vài ba ngày để văn hóa Đắk Lắk nói riêng, Tây nguyên nói chung ngấm sâu hơn với công chúng tham quan Đường Sách.
Dịp này, ông Lê Hoàng mong muốn, Đường Sách TP.HCM sẽ được hợp tác với nhiều hội, đoàn, tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, mang đến đời sống văn hóa lành mạnh, năng lượng tích cực cho người dân.
Được biết, tỉnh Đắk Lắk ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của các dân tộc trên vùng đất này đa dạng, nhiều sắc màu. Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa như Ê-đê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc từ các tỉnh vùng Tây Bắc như Tày, Thái, Nùng, Mông, Dao…
Đắk Lắk cũng là vùng đất của lễ hội và các các nghề truyền thống của các dân tộc bản địa như đẽo tượng gỗ, đan lát mây tre, làm rượu cần, dệt thổ cẩm… các lễ hội đặc sắc như mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua voi,… nền âm nhạc truyền thống với nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng và kho tàng văn học, văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc khác trên địa bàn đã tạo được vốn văn hóa đồ sộ, đa dạng và phong phú.
Đặc biệt “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Tất cả những sự phong phú ấy tạo nên một Đắk Lắk trong Tây nguyên vô cùng đa dạng và phong phú về mọi yếu tố, từ các dân tộc đến văn hóa vô cùng thú vị và đặc sắc.
Bình Minh
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà