Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, từ đợt tiêm tiếp theo, TP sẽ thực hiện tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt đối tượng, có hộ khẩu thường trú hay tạm trú.
Chiều 30-7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Thông tin về kế hoạch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, ông Dương Anh Đức cho biết đến 18h ngày 29-7, TP đã tiêm hơn 452.000 liều. Hiện nay tốc độ tiêm vắc xin mỗi ngày đều trên 70.000 liều. TP đang đẩy nhanh tốc độ, đặt mục tiêu tiêm hết 930.000 liều tối đa trong 2 tuần.
Theo ông Đức, bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn số 6118 về tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Qua đó, Bộ Y tế đã cho phép TP tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc độ tiêm. TP sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức tiêm theo công văn của Bộ Y tế.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã định hướng mục tiêu tiêm vắc xin, cố gắng trong tháng 8 tiêm cho 2/3 dân số TP trên 18 tuổi. Theo đó, so với đợt 5 tiêm cho đối tượng ưu tiên, TP sẽ thực hiện tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt đối tượng. Chủ trương của TP sẽ không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú, chỉ cần cư trú trên địa bàn TP đều được tiêm.
Hiện nay, nguồn vắc xin chính của TP là do Bộ Y tế phân bổ, vắc xin về đến đâu tiêm đến đó. Ngoài ra, TP cũng có nguồn vắc xin tài trợ, ngày mai (31-7) sẽ có 1 triệu liều về TP.HCM. Nhiệm vụ của TP là tổ chức tiêm chủng sao cho quy củ và đảm bảo tiến độ.
Bộ Y tế cũng có yêu cầu huy động tối đa nguồn nhân lực, tổ chức tiêm linh động. Do đó, phó chủ tịch UBND TP cho biết bên cạnh tổ chức những đội tiêm cố định, TP cũng sẽ tổ chức các đội tiêm lưu động để đảm bảo đi từng ngóc ngách cộng đồng dân cư hoặc có thể tiêm chủng cho các công nhân tại doanh nghiệp thực hiện tổ chức “3 tại chỗ”.
TP cũng sẽ không giới hạn số lượng tiêm mỗi ngày, có thể tổ chức nhiều hơn 200 liều/ngày để đẩy nhanh tiến độ. TP sẽ tổ chức tiêm chủng vào buổi tối và cũng có quy định về việc người dân đi tiêm chủng được phép ra ngoài sau 18h với các giấy nhận diện cụ thể.
Theo ông Dương Anh Đức, từ đợt tiêm chủng thứ 5, TP đã giao vai trò chủ chốt trong tiêm vắc xin cho các quận huyện. Sở Y tế có nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực, có quy định cụ thể cho các đội tiêm, quản lý tiêm ở một số bệnh viện tuyến trên để tiêm cho người có nguy cơ cao.
Quy trình tiêm cũng sẽ được đơn giản hóa, sẽ không ràng buộc phải đợi sau tiêm 30 phút. Việc khai báo tầm soát hoặc cam kết tiêm chủng có thể làm trước tại nhà để hạn chế tối đa việc tập trung. Theo ông Đức, với kế hoạch này, kỳ vọng tốc độ tiêm sẽ tăng lên đáng kể, đảm bản an toàn phòng chống dịch.
Ngày 30-7, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn TP về việc đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.
Sở Y tế cho biết đến ngày 29-7 Sở Y tế nhận thấy một số đơn vị tổ chức tiêm còn rất chậm.
Nhằm đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm người có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi, Sở Y tế đề nghị các đơn vị (trừ các bệnh viện đã chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị COVID-19) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm.
Trong đó lưu ý đối với người trên 65 tuổi không có bệnh nền, có thể tổ chức tiêm tại Trạm Y tế hoặc điểm tiêm trên địa bàn đảm bảo đủ các điều kiện về cấp cứu.
Để công tác tổ chức tiêm chủng được thuận lợi, an toàn, kịp tiến độ đề ra, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, tổ chức điều phối người đến tiêm phù hợp, tuân thủ giãn cách nhưng không lãng phí thời gian.
Sở Y tế lưu ý không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.
Theo Tuổi Trẻ online