Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Tránh được 9 điều này bảo đảm bạn sẽ cải thiện hiệu quả công việc

mây thong dong

(MTD) Không gì phá hoại hiệu quả công việc của chúng ta nghiêm trọng như các thói quen xấu. Các thói quen này tiềm tàng bên trong, dần dần lớn lên cho đến khi có những hậu quả tiêu cực thì chúng ta mới nhận ra.

Các thói quen xấu trì níu chúng ta: làm giảm mức độ chính xác, thiếu tính sáng tạo và ảnh hưởng xấu đến năng lực làm việc và kết quả công việc. Kiểm soát những thói quen này là điều vô cùng quan trọng, không chỉ để cải thiện hiệu quả làm việc của bạn mà sự điều chỉnh này còn mang đến nhiều lợi ích khác.

Nghiên cứu của Đại học Minnesota cho thấy, người có mức tự kiểm soát cao có xu hướng hạnh phúc hơn người không thực hành kiểm soát bản thân, cả trong tức thì lẫn về lâu về dài.

Dưới dây là các thói quen xấu ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả và hiệu suất công việc của bạn, cần được kiểm soát và loại bỏ càng sớm càng tốt.

1 – Liên tục lướt Internet

Thông thường, cần 15 phút để tập trung trước khi bạn có thể chú tâm hoàn toàn vào một nhiệm vụ nào đó. Khi bắt đầu chú tâm, chúng ta đi vào trạng thái hưng phấn giúp làm tăng hiệu quả công việc.

Các nghiên cứu cho thấy người trong trạng thái chuyên tâm xuyên suốt và liên tục như một dòng chảy có hiệu quả công việc cao gấp 5 lần người bình thường.

Khi bạn truy cập vào các nội dung khác như xem tin tức hay lướt Facebook, bạn sẽ bị kéo ra khỏi dòng chảy công việc đó. Điều này có nghĩa bạn phải mất thêm 15 phút nữa để tập trung cho công việc.

2 – Chủ nghĩa hoàn hảo

Hầu hết các nhà văn dành hàng giờ để tư duy về nhân vật, cốt truyện và thậm chí họ có thể viết hết trang này sang trang khác dù bản thân biết rõ rằng sẽ không thể đưa chúng vào quyển sách của mình được. Họ làm điều này vì biết rằng các ý tưởng cần có thời gian để phát triển.

Chúng ta có xu hướng đóng băng mỗi khi bắt đầu vì không nhận thức rằng “các ý tưởng thường không hoàn hảo và những gì chúng ta tạo ra có thể không hay ho gì”. Nhưng làm sao có thể tạo ra gì đó tuyệt vời mà không bắt đầu và để cho các ý tưởng có thời gian được định nghĩa?

Hãy tránh sự cầu toàn quá mức bằng suy nghĩ: Bạn có thể biên tập một trang sách chưa hay nhưng bạn không thể biên tập một trang sách không có chữ nào.

3 – Các cuộc họp không cần thiết

Họp hành tiêu tốn thời gian của bạn nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Người có hiệu quả làm việc cao luôn tránh các cuộc họp ngoài kế hoạch và không thật sự cần thiết. Bởi các cuộc họp sẽ kéo dài mãi nếu chúng được phép diễn ra, vì thế họ phải luôn kiên định với lịch hẹn trong thời gian biểu được sắp xếp trước.

Điều này giúp hình thành một giới hạn rõ ràng, tạo động lực để mọi người được tập trung hơn và làm việc hiệu quả hơn.

4 – Trả lời email khi đang làm việc

Người làm việc hiệu quả không cho phép việc trả lời email trong hộp thư đến làm gián đoạn mình.

Ngoài việc kiểm tra email theo một khung giờ cố định, họ còn tận dụng chức năng ưu tiên người gửi email.

Họ mở thông báo ưu tiên cho khách hàng quan trọng và tiềm năng nhất và chỉ giải quyết các email đến từ những đối tượng khác sau khi dừng công việc đang làm. Một số người còn thiết lập chế độ trả lời tự động để người gửi thư biết khi nào họ sẽ kiểm tra lại hộp thư của mình.

5 – Dập báo thức để ngủ tiếp

Khi ngủ, não chúng ta dịch chuyển qua một chuỗi các chu kỳ độc lập, trong đó chu kỳ cuối cùng là chuẩn bị báo động vào giờ bạn thức giấc. Đây là lý do vì sao đôi khi bạn thức giấc trước khi đồng hồ báo thức reo lên – não bộ của chúng ta biết giờ thức giấc và sẵn sàng thức giấc.

Khi dập báo thức để ngủ tiếp, bạn sẽ mất đi sự tỉnh táo và thức dậy muộn hơn, mệt mỏi, uể oải hơn. Và tệ hơn là bạn mất nhiều giờ đồng hồ sau đó để thoát khỏi trạng thái mệt mỏi này.

Do đó, dù có mệt thế nào đi nữa bạn cũng nên cố gắng thức dậy khi đồng hồ báo thức reo lên nếu muốn có một buổi sáng làm việc năng suất.

6 – Đa tác vụ

Đa tác vụ (thực hiện nhiều nhiệm vụ một lúc) là “kẻ giết chết năng suất làm việc”.

Nghiên cứu của trường Đại học Stanford khẳng định: Đa tác vụ kém năng suất hơn chỉ thực hiện một nhiệm vụ riêng lẻ trong một thời điểm nhất định.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng tiếp nhận cùng lúc và liên tục nhiều dòng thông tin điện tử làm bạn không thể tập trung, khó xử lý thông tin khi dịch chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác cũng như hoàn thành một nhiệm vụ nào đó đang tiến hành.

Khi cố làm hai việc cùng một lúc, não của bạn sẽ thiếu khả năng hoàn thành thành công cả hai việc này.

7 – Trì hoãn các nhiệm vụ khó

Mỗi người đều có sự giới hạn về mức năng lượng tinh thần và khi nguồn năng lượng này cạn dần, khả năng đưa ra quyết định và hiệu quả công công việc sẽ giảm xuống nhanh chóng.

Vì vậy, nếu trì hoãn các nhiệm vụ khó đến cuối ngày, bạn sẽ không thể xử lý tốt chúng; thay vào đó chúng ta nên giải quyết các công việc khó vào buổi sáng, khi đầu óc còn tươi mới nhất trong ngày.

8 – Sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ

Sử dụng điện thoại, máy tính bảng, máy tính trên giường ngủ là mối nguy hại mà nhiều người không nhận ra vì chúng ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, hiệu quả làm việc.

Các bước sóng ngắn của ánh sáng xanh đóng vai trò quan trọng với trạng thái tinh thần, mức năng lượng và chất lượng giấc ngủ của chúng ta.

Vào buổi sáng, ánh sáng tự nhiên chứa mức tập trung cao các ánh sáng xanh này. Khi mắt chúng ta tiếp xúc trực tiếp, ánh sáng xanh này làm giảm sự sản xuất melatonin (hormone gây buồn ngủ) và làm cho chúng ta tỉnh táo hơn.

Buổi trưa, các tia sáng mặt trời đánh mất ánh sáng xanh và cho phép cơ thể sản xuất melatonin nên chúng ta bắt đầu có cảm giác buồn ngủ.

Đặc biệt vào buổi tối, cơ thể chúng ta không mong đợi và rất nhạy cảm với ánh sáng này. Sự tiếp xúc ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trước giờ ngủ ảnh hưởng đến việc sản xuất melatonin, gây xáo trộn cảm giác buồn ngủ và chất lượng giấc ngủ của bạn.

Tốt nhất là bạn nên tắt các thiết bị này sau giờ ăn tối để đảm bảo cho một giấc ngủ ngon và buổi sáng ngày mới tràn đầy năng lượng và tinh thần làm việc.

9 – Ăn quá nhiều đường

Chúng ta cần glucose để tập trung cho các nhiệm vụ thử thách. Quá ít glucose, bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu tập trung và chậm chạp; quá nhiều glucose gây ra sự bồn chồn, khó tập trung.

Các loại bánh ngọt, bánh donut, soda và các dạng đường tinh luyện trong thức ăn và đồ uống khác giúp thúc đẩy năng lượng trong 20 phút; các thực phẩm khác như yến mạch, gạo lứt và những loại chứa carbohydrate phức hợp giải phóng năng lượng chậm hơn, giúp duy trì sự tập trung tốt hơn.

Trần Trọng Hiếu
(Theo World Economic Forum)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!