Nếu bình chọn thời khắc đẹp nhất của đời người là gì, tôi sẽ chọn những năm tháng của tuổi trẻ; nếu hỏi về một bông hoa đẹp nhất, tôi sẽ nói đó là bông hoa giáo dục… Như những con ong bay khắp ngàn dặm tìm hương thơm của các loài hoa, tạo nên những giọt mật ngọt thiên nhiên thuần khiết, quý giá; thì những người giáo viên lại mang trong mình sứ mệnh cao cả là tạo nên những giọt mật của cuộc đời bằng cách gieo vào tâm hồn, trí tuệ của học sinh những tri thức cao quý, những phẩm chất tốt đẹp, tạo ra những thế hệ có ích cho cuộc đời… Vì vậy, những thế hệ học sinh dù làm gì, ở đâu, thì họ luôn nhớ đến những người thầy, người cô đáng kính, nhớ đến ngôi trường thân yêu mình đã học tập với một lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Trong những ngày tháng 7-2023, những học sinh khóa 2000 – 2003 của trường THPT Nông Sơn đang háo hức, mong chờ ngày trở về trường sau 20 năm xa cách. Trong thời khắc đầy hoài niệm này, mỗi một bạn mang một tâm trạng khác nhau, nhưng có lẽ, ai cũng mong được gặp lại những người thầy, người cô đã dìu dắt mình trong những năm tháng rực rỡ của thanh xuân năm ấy. Trong giây phút bùi ngùi sống lại những kỷ niệm ngày xưa, tôi lại dâng lên những cảm xúc yêu thương, biết ơn thầy cô của trường Nông Sơn đã đồng hành cho thế hệ trẻ bước vào ngưỡng cửa tương lai.
Những bông hoa đầu mùa
Ngôi trường THPT Nông Sơn yêu dấu của chúng tôi những ngày đầu mới thành lập thiếu thốn đủ điều, khó khăn trăm bề; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn như thiếu phòng học, trang thiết bị ít; địa hình giao thông cách trở; đặc biệt là đội ngũ giáo viên luôn biến động theo từng năm học do giáo viên muốn chuyển về công tác về gần gia đình.
Hơn nữa trong thời điểm những năm 80 – 90, để giữ cho được tấm lòng trọn vẹn với nghề thật không dễ dàng. Không ít người vì đồng lương quá thấp, không nuôi nổi bản thân và gia đình phải bỏ nghề tìm kế sinh nhai. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người thầy với trách nhiệm và lòng yêu nghề đã vượt qua tất cả để làm việc và cống hiến một cách thầm lặng – đó là những bông hoa giáo dục đầu mùa đặt những viên gạch đầu tiên, xây nền móng cho ngôi trường và gìn giữ, phát triển cho đến tận hôm nay. Đó là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Có, thầy Lê Duy Thông, cô Hồng Lài, Thầy Thanh Thu…, và còn biết bao thầy cô đã chuyển công tác khác nữa…
Ngày ấy, những thầy cô cũng là những sinh viên trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết, theo sự phân công của Bộ Giáo dục đã sẵn sàng đi đến nơi đâu theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngại chi một Đèo Ngang, Hải Vân ngăn cách, ngại chi một “Đèo Le dốc cong, cong cả nắng chiều”, ngại chi đường sá xa xôi, trắc trở; những con người ấy đã đến nơi “cần chữ”… Bao nhiêu khó khăn đè nặng trên đôi vai của người thầy năm ấy, tưởng chừng không thể vượt qua, ấy vậy mà những người thầy, người cô năm ấy vẫn giữ mãi tấm lòng son của mình, cùng học sinh của ngôi trường Nông Sơn đi qua những thời thời khắc khó khăn mà làm nên sự nghiệp “trăm năm trồng người” cao quý!
Quên sao được hình ảnh thầy Hiệu trưởng của chúng tôi năm ấy – thầy Nguyễn Hữu Có – xuất thân từ người lính, cũng đã trải qua những năm tháng thăng trầm của thời cuộc, cũng có những ưu tư trăn trở giống như mọi người. Là người lãnh đạo đáng kính, thầy luôn lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp để điều chỉnh cách làm việc cho khoa học, không áp đặt lên giáo viên. Ở thầy vẫn còn đó con người luôn chí công vô tư, không so tính thiệt hơn. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất về thầy – ấy là sự dân dã, bình dị, hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, hết lòng vì công việc, sống vì đồng nghiệp và học trò thân yêu.
Hơn 30 năm công tác trong nghề, biết bao nhiêu cống hiến, bao nhiêu suy tư và trăn trở bởi trách nhiệm người đứng đầu nhà trường, trong lúc gặp khó khăn thầy là người đương đầu với trách nhiệm lớn lao, làm sao nâng cao chất lượng chất lượng giáo dục hai mặt của học sinh.
Luôn đồng hành cùng với thầy hiệu trưởng ngày ấy là những thầy cô cũng thế hệ như thầy Thông, thầy Hải, cô Lài, thầy Trung… có mặt từ những ngày đầu tiên thành lập Trường THPT Nông Sơn. Là những người đã đặt nền móng đầu tiên cho ngôi trường, cũng là người đã đóng góp, đã chứng kiến trọn vẹn từng bước trưởng thành của ngôi trường trong 38 năm kể từ ngày thành lập.
Nhắc thầy cô – những người giỏi về chuyên môn, tận tâm với từng học sinh, lặng lẽ âm thầm cống hiến, dù biết rằng phải xa quê hương, xa người thân của mình là điều không dễ dàng; nhưng họ đã tự nguyện gắn bó, tự nguyện ở lại, dành trọn tuổi thanh xuân, dành trọn cả cuộc đời của mình tại thung lũng nhiều nắng gió này… Thật đáng quý tấm lòng ấy biết bao nhiêu!
Tôi nghĩ, chỉ có xuất phát từ tình yêu thương những đứa học trò lấm lem bùn đất, những đứa học trò còn thiếu chữ mà thầy cô không nỡ rời xa, lâu dần đất và người đã níu bước chân của thầy cô ở lại. Nơi đây, ngôi trường và mảnh đất này trở thành quê hương thứ hai, hai chữ “tình yêu” đã làm “đất lạ hóa quê hương”.
Vẫn nhớ như in trong tâm trí là thầy Thông dạy Toán với sự dày dặn và năng khiếu đặc biệt, tấm lòng gửi trọn trong những bài giảng, các lớp học trò thường nói: không ai dạy “khảo sát hàm số” dễ hiểu và hay bằng thầy. Giọng Huế trầm ấm, pha vào tiếng “Quảng Nôm” đặc sệt, hay gọi học trò chúng tôi bằng những cái tên rất dễ thương như ba mẹ vẫn thường gọi tên con yêu của mình ở nhà là anh cu Tèo, chị bé Tí…
Quên sao được thầy Hải hiệu phó, dạy Lý đã vượt Đèo Ngang, từ vùng đất Hà Tĩnh hiếu học vào tận nơi đây, cùng với cô Lài nên duyên và đã dành sự nghiệp đời mình trọn niềm tin yêu cho ngôi trường.
Và một thầy Thanh Thu lúc nào cũng “giơ cao đánh khẽ”. Rồi, thầy Hữu Thu dạy Văn mà khi dạy “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” một lần sẽ khiến học trò nhớ mãi. Đó là một thầy Vinh – điềm đạm, phong cách giáo sư với giọng trầm ấm, nhẹ nhàng, bạn nào thích học Văn thì rất say mê, bạn nào lười học thì hay đổ lỗi do giọng thầy truyền cảm quá…
Những người thầy năm xưa có người đã về hưu, có người vẫn đang tiếp tục với bục giảng, dù ở cương vị nào thì những con người ấy thật sự là những bông hoa “đậm đà sắc hương” để tất cả mọi người hát lên khúc ca dạt dào về người giáo viên nhân dân.
Những người tiếp lửa
Năm 2000, Trường THPT Nông Sơn đón nhận một sự sự kiện mới – ấy là khi những lớp học sinh đầu tiên của ngôi trường sau những năm tháng miệt mài đèn sách ở các Trường Đại học Sư phạm đã về công tác chính trên ngôi trường thân yêu của mình. Ngoài ra, từ các nơi xa xôi khác, thầy cô cũng lặn lội đến đây, cả một lớp thầy cô giáo tầm 20 người, mang trong lòng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã thắp sáng thêm ngọn đuốc mà những người đi trước đã thắp lên và gìn giữ.
Khi ấy khóa chúng tôi cũng bắt đầu đặt chân vào lớp 10 của ngôi trường, biết bao bỡ ngỡ, xa lạ… May mắn của chúng tôi là vừa được dạy dỗ bởi những thầy cô dày dạn kinh nghiệm, cũng được tiếp nhận bởi sự trẻ trung, nhiệt huyết của lớp lớp thầy cô giáo trẻ… Dù thời gian cứ thế trôi chảy, dù bao nhiêu sự bon chen, tấp nập trong cuộc sống thì hình ảnh những người thầy, người cô vẫn in sâu trong tâm trí của học sinh ngày ấy.
Quên sao được những trò nghịch dại, quên sao được những nông nổi của tuổi trẻ, quên sao được những rung động đầu đời… Và càng không thể quên những hình ảnh đã rất đỗi quen thuộc, rất đỗi kính yêu trong mỗi chúng ta. Chất giọng thanh ngọt, truyền cảm khi dạy Văn của cô Mai Hà; nét chữ tiếng Anh trên bảng đẹp tuyệt vời của cô Thư, cô Đỗ Hà; một thầy Đại dạy Hóa nghiêm túc nhưng tuyệt vời, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ khi học trò mắc lỗi; một thầy Tưởng thông minh và hóm hỉnh tự chế tạo thiết bị dạy Lý cho học sinh được học trực quan hơn, thầy cũng đã truyền cảm hứng của nghề dạy học cho rất nhiều học sinh; một thầy Sáng lúc nào nổi hứng trong bài giảng Văn thì làm học sinh nghiêng ngả theo, nhưng mà điểm số thì hỡi ơi, mắc quá!…
Và còn biết bao thầy cô khác, mỗi người là một phong cách, gọi lên những nỗi nhớ khác nhau trong mỗi học trò… Trong lớp người ấy, có người đang ở lại, gắn bó cả đời nơi đây; cũng có thầy cô đã chuyển công tác, về lại quê hương của mình; dù vậy, chúng tôi tin rằng ngôi trường Nông Sơn mãi là nơi để nhớ, để thương, để cống hiến.
Người ta hay ví người thầy như người lái đò, mỗi đợt khách sang sông là mỗi lứa học sinh trưởng thành từ dòng sông tri thức. Người giáo viên vẫn thầm lặng chứng kiến sự trưởng thành của mỗi em học sinh, dù có những chuyến đò “qua sông” không ngoảnh đầu nhìn lại, nhưng những người lái đò ấy rất vui và tự hào khi được thấy các em trưởng thành qua từng năm tháng và luôn thành đạt.
Thầy cô mãi mãi là những người vĩ đại như thế. Nói sao hết những công ơn của thầy cô; bao nhiêu lời muốn nói, bao nhiêu sự xúc động, bao nhiêu tấm lòng của chúng em trong ngày sắp gặp lại sau 20 năm, xin mượn lời bài thơ để tri ân thầy cô:
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi”!
MINH HẰNG
(lớp 12/3 khóa 2000 – 2003, đang là giáo viên Văn tại trường)
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà