Mọi người hay quở cậu già trước tuổi, mới sáu mấy mà ham hem như ngoài bảy mươi. Cậu cười cười, mình khổ quá không già sao được.
Cậu Bốn đúng là khổ thiệt. Khổ từ hồi chiến tranh, nhỏ thó mà bị ôm chạy giặc miết. Ngoại tôi hay kể chuyện đó, tôi nghe cứ như cổ tích. Nghe riết cái thấm trong đầu, hình dung ra được những năm tháng đó “vừa đói vừa sợ bom đạn, nơm nớp ngày đêm”.
Rồi cũng qua, ba người con của ngoại sống sót sau ngày hòa bình. Cậu Bốn được đi học đến lớp 9 rồi sau đó lập gia đình, mợ là người khác huyện. Sanh được ba mặt con, từ đó cậu quần quật với việc ruộng đồng, nương rẫy. Chữ nghĩa bay hết, chỉ còn nỗi lo làm sao kiếm cơm ngày ba bữa cho vợ con. Nhờ mợ tiện tặn nên “cậu không để con cái đói ngày nào”, cậu nói với niềm vui.
Tôi hiểu cái vui đó khi mình đã làm ba. Rồi hiểu cả những ngày lam lũ chốn quê, nhưng cậu cũng chắt chiu để con có cái áo cái quần lành lặn. Đặc biệt là chuyện học hành, nhất định phải kỷ cương. Hồi còn làm rừng làm rẫy, mỗi chuyến đi xa cả tuần trong núi, cậu về với bịch kẹo Nuga cho anh chị tôi, gọi là phần thưởng. Tôi thòm thèm và được sẻ chia như cách cậu dạy con biết nhín nhường. Thời đó ai cũng khổ, năm chín mấy, “ừ khổ thiệt, tụi bây đi học toàn đi bộ, tối học bài bằng đèn dầu chứ đâu có điện đóm sáng trưng như chừ”. Cậu hay kể lại như thế, sắp nhỏ gọi cậu bằng ông ngoại nghe như tôi nghe “cổ tích” năm nào.
Vậy đó, mà anh chị tôi, người cử nhân làm ở Đại học Nông lâm TP.HCM, người kỹ sư về quê công tác để ở gần ba má. Tết nhứt, lễ lạc tôi về quê, thấy nụ cười viên mãn của cậu và nghe anh chị mình nói nỗ lực của mình: “thấy ba làm lụng cực khổ quá, không nỡ để ba buồn vì lười học”.
Vậy đó, cậu không có triết lý làm ba kiểu gì cả, cũng không được học khóa nào để trở thành ông ba tốt, nhưng rồi cậu đã xuất sắc làm ba từ trong cái lam lũ của chính mình…
Cháu của cậu