Có lẽ, Trung thu là thời điểm mà cả người lớn lẫn trẻ con đều mong chờ trong năm. Từ ngàn xưa, Trung thu đã mang ý nghĩa đẹp đẽ đáng mong chờ – là dịp để tri ân đối với thiên nhiên, với tổ tiên đã phù hộ cho mọi người được no ấm, là niềm mong ước sẽ được bội thu trong mùa sau.
Trung thu đối với người dân còn là sự tự thưởng cho mình sau những ngày lao động vất vả, tận hưởng niềm vui khi nhìn thấy thành quả lao động. Các nhà nghiên cứu cho rằng, người Việt đã có lễ hội trăng tròn mùa thu từ thời cổ đại, được khắc họa trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Trong cuốn Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính viết: “Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi…”. Như vậy, có thể nói, Trung thu – mùa Tết đoàn viên đầy hoan hỷ đã được người Việt thể hiện lòng tri ân, tinh thần hướng về đấng thiêng với nét văn hóa đặc biệt.
Ngày nay, Trung thu được biết đến là ngày Tết dành cho các bạn nhỏ. Có thể thấy, bánh trái, lồng đèn đủ kiểu được bày bán trong dịp này đều hướng về trẻ em. Bản thân người viết, vẫn không thể quên được những mùa Trung thu thời ấu thơ. Khi đó, ở quê không có bánh trung thu nhưng có các loại bánh kẹo khác như kẹo mè, bánh tai heo, kẹo đậu phộng… Đây cũng là những món vô cùng hấp dẫn đối với chúng tôi thời những năm chín mươi mấy. Thực sự, chỉ có Tết Trung thu mới được phần quà bánh đủ loại như vậy.
Tất nhiên, trước đó, các cô chú trưởng thôn, đại diện hội phụ nữ – gọi chung là ban tổ chức Trung thu – sẽ đi từng nhà để quyên góp tiền quỹ mua bánh kẹo cho các bạn nhỏ. Nhà nào có con đông sẽ góp 2-3kg lúa hoặc gạo, nhà ít hơn sẽ góp 1kg, tùy lòng hảo tâm. Số lúa, gạo ấy sẽ được các cô chú trong ban tổ chức bán ra, thêm quỹ từ xã “rót” về mỗi thôn, rồi mua bánh kẹo chia đều trong những bịch nhỏ.
Trung thu sẽ được tổ chức đúng vào ngày rằm tháng Tám, ở hội trường thôn. Các anh chị đoàn thanh niên thôn sẽ cho các bạn nhỏ chơi trò chơi, hát hò, kéo co… trước khi chính thức nhận quà bánh. Thật là dịp vui, nhộn nhịp trong cả thôn vì trẻ con từ 16 tuổi trở xuống đều được quà bánh. Riêng tôi, dịp này còn được má làm cho một chiếc lồng đèn hình ngôi sao để đi chơi trong xóm nhỏ. Có bạn còn được ba mẹ làm cho lồng đèn từ chiếc lon nước ngọt, trông mộc mạc nhưng thật đáng yêu.
Thời nay, trẻ con được chăm sóc tốt hơn do vật chất đầy đủ hơn. Bánh kẹo không còn là món khan hiếm như thời tôi – thế hệ 8x – nên mong chờ được ăn bánh kẹo dịp Trung thu không nhiều. Bây giờ, bánh trung thu cũng có mặt ở đều khắp, từ thành thị tới nông thôn, thậm chí từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch đã thấy nhiều cửa hàng bán bánh trung thu dựng lên khắp nơi. Vì vậy, hương vị trung thu có lẽ cũng không còn nồng như xưa nữa trong ý nghĩa của sự mong chờ, háo hức.
Thực tế, ở đâu đó vẫn có những nơi trẻ nghèo vẫn thiếu bánh trung thu, mơ có những chiếc lồng đèn thật đẹp trong mùa trăng tháng Tám. Lắng nghe tiếng nói này của cuộc sống, mùa Trung thu cũng là mùa yêu thương, mùa chia sẻ.
Ngày càng có nhiều chương trình hướng về trẻ nghèo, yếu thế của các cá nhân, tổ chức với những tên gọi ấm áp như “Vui hội trung thu”, “Mùa trăng yêu thương”, “Sẻ chia mùa Trung thu”…
Người viết từng có nhiều dịp tháp tùng các đoàn thiện nguyện, từ thiện của chùa, bạn trẻ… đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa dịp Trung thu. Những chiếc bánh trung thu, lồng đèn mang từ thành phố về được các em nhỏ đón nhận đầy biết ơn. Đi mới cảm hết, Trung thu còn là dịp để mở lòng và sự sẻ chia luôn cần thiết. Người Việt mình luôn có truyền thống “lá lành đùm lá rách” đầy nhân văn như vậy.
Trung thu còn là dịp để người lớn hân hoan, vui chơi cùng trẻ nhỏ. Những khu phố bán lồng đèn Trung thu được các bạn trẻ tìm tới chụp hình khoe lên mạng xã hội với những nụ cười rộn rã. Không khí thanh bình, an lành hiện rõ từ những mùa vui Trung thu nơi từng góc phố, từng quán xá trang trí riêng cho dịp này. Trẻ con cũng được ưu ái chở đi dạo phố, nghe kể chuyện chị Hằng, chú Cuội để nuôi trí tưởng tượng, cùng sống trong bầu cổ tích.
Bỏ qua những biến tướng trong mùa Tết Trung thu – là cơ hội để quà cáp, lấy lòng của những kẻ “cơ hội” – thì đây có thể nói là mùa vui, mùa hoan hỷ, mùa để trao cho nhau tình thương. Đó có thể là tình cảm gia đình, cơ hội kết nối người thân và đó, rộng hơn còn là tình người với sự thấu cảm dành cho trẻ còn nghèo khó ở đâu đó trên quê Việt.
Lưu Đình Long
* Bài viết đăng trên báo Thế giới & Việt Nam, xem bài gốc tại đây
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn