(MTD) Ai cũng có khoảng thời gian cắp sách đến trường, chỉ ngoại trừ một số ít hiếm hoi. Cho nên, mỗi khi nhắc đến trường lớp, bạn bè thì mọi người đều mang chung một cảm xúc khó tả và hoài niệm không nguôi.
Hồi đó, nó là một em học sinh thuộc trường huyện. Để được học ở trên tỉnh, mẹ của nó phải nhờ cô hiệu phó trường khác tại thành phố viết cho tờ giấy giới thiệu. Nhờ vậy mà khi nộp hồ sơ đầu vào, bộ phận văn phòng liền nhận ngay, lại còn sắp cho nó vào lớp khối A, thay vì BC hoặc D chẳng hạn. Trường mà nó theo học mang tên là Trường Trung học Phổ thông Bán công Cà Mau.
Đâu phải một mình nó mới học trên trường tỉnh, ngoài ra người anh của nó cũng lên học chung nhưng khác trường. Anh nó nói: “Trường Hermann Gmeiner Cà Mau được người nước ngoài đầu tư, cho nên chi phí đóng hàng tháng nặng lắm, không giống như trường của nó đang theo học”. Nghe thì chỉ nghe thôi, chứ nó cũng chẳng cần phải so sánh, vì nó vẫn thích trường của mình hơn, bởi lẽ…
Học sinh có đồng phục rõ riêng, đặc biệt. Nam mặc quần tây xanh dương, áo sơ mi trắng tay dài; còn nữ thì đơn giản hơn, chỉ cần mặc áo dài trắng, vậy là thướt tha, gây thương nhớ!
Cả nam và nữ không được phép để móng tay dài, lúc nào cũng phải bấm cắt gọn gàng, sạch sẽ. Ngoài ra, học sinh nam phải cắt tóc ngắn đúng theo quy định của trường, chẳng cho dài lú qua khỏi hai hàng chân mày đen đậm.
Trường nào cũng có cái khó riêng, nhưng nó yêu trường của nó hơn, có lẽ bởi vì ai đó đã hát: “Trường Cà Mau với bao yêu thương. Trường Cà Mau với bao mến thương. Tà áo trắng tung bay sân trường. Hàng phượng nở ngát hương bên đường”. Mái trường không những chất chứa bao kỉ niệm của thời học sinh mà nó còn nuôi lớn rất nhiều hi vọng, ước mơ của các thế hệ trẻ.
Nhớ ngày nào, nó và các bạn trong lớp rủ nhau đi đến nhà của thầy chủ nhiệm để chúc mừng sinh nhật và gửi tặng những phần quà. Khi tìm tới đúng nơi, nhóm bắt đầu gõ cửa bấm chuông. Thầy liền đi ra mở cửa, lúc này cả lớp đồng thanh nói: “Tụi em đi lạc, Thầy ơi!”. Nghe xong Thầy cười một cái và nói: “Nhà nằm trên cửa miệng chớ đâu?”. Do dạy cả năm mà Thầy đâu đã cho địa chỉ chỗ ở, bởi vậy các bạn đi lạc gần chết. Nhớ thật!
Thầy chủ nhiệm tên là Trung Dũng, dạy bộ môn Lịch sử. Lần đi đó, các bạn trong lớp hơi bị mệt nhưng lại rất vui. Cái gì vui rồi cũng sẽ đến lúc phải buồn. Tuy khoá học cấp ba của chúng bạn kéo dài khoảng ba năm. Nhưng giờ đây có thể nói là giây phút chia xa cận kề sắp đến, mỗi người bắt đầu đi một nơi, chọn một hướng.
Nhớ lắm những kỉ niệm xưa, như là học chung trên lớp, các buổi chiều học thể dục hay giáo dục quốc phòng tại công viên Hùng Vương vào các ngày trong tuần, học thêm mỗi buổi tối, lúc làm báo tường, tổ chức đi chơi và cả cái lần đi đến nhà thầy chủ nhiệm.
Sau khi thi tốt nghiệp xong, bạn bè phân tán khắp nơi, đi theo ước vọng của riêng mình. Chính vì lẽ đó, có người chọn học lên cao, có người đâm đầu vào cuộc sống mưu sinh. Để rồi thời gian cuốn trôi, xoá nhoà hết thảy mọi thứ, kể cả mái trường xưa bạn bè cũ.
Sau mười lăm năm xa cách, mới hồi hôm qua này, nó tìm gặp lại những người bạn quý mến, thân thương. Những người bạn học chung mái trường, chung thầy cô giáo chủ nhiệm và chung lớp 12A2. Trong nó tự dưng trỗi dậy biết bao kỉ niệm của ngày xưa xa, trái tim dường như đập khẽ hồi hộp, kiểu giống như ngày đầu tựu trường, hoặc giả là ngày chia tay cuối cấp. Ngần ấy năm quên lãng, giờ chúng lại hiện về, tựa như mới bắt đầu…
Nó cảm thấy rất vui, nhớ lắm: trường xưa bạn cũ. Tuy giờ đây không còn học chung trên lớp nữa, nhưng có lẽ nó và những người bạn thân quen (khó quên) sẽ hỏi thăm nhau nhiều hơn trên trường đời.
Nó tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Bởi trái đất xoay tròn, trường xưa bạn cũ sẽ còn gặp nhau.
Việt An Khương
(từ Mỹ)