(MTD) Sài Gòn trăm thứ lạ
Sài Gòn vạn nẻo xa
Như những mùa đã qua
Vẫn thấy mình rất cũ…
Một bức hình đẹp của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong. Người đàn ông lăn lộn với Sài Gòn suốt những mùa dịch. Nếu chọn một người hiểu và thương Sài Gòn từ những cũ càng cho đến hiện tại, thì có lẽ chỉ có thể là anh. Cuộc đời anh gắn trọn với thăng trầm của đất này. Máy ảnh của người nghệ sĩ này đã gom trọn một Sài Gòn từ cao vời sang chảnh đến dung dị đời thường nhất của Sài Gòn.
Trải bao dâu bể nhân sinh, biến thiên thời cuộc, có một thứ mà Sài Gòn lúc nào cũng cũ mèm, cũ xì, cũ đến mốc meo nhưng người ta vẫn cứ tự hào mỗi khi nhắc đến: đó chính là lòng thương. Xứ này ngộ lắm! Thiên hạ đến với nó canh cánh nội sợ sự ráo hoảnh, đãi bôi, bon chen, lọc lừa… Vậy mà người ta ở miết thành quen, ở miết đâm ra hiểu đằng sau những thứ xấu xa đó luôn là một câu chuyện dài của phận người hay cuộc ngã ngựa giữa buổi thời điêu ma. Người ta cũng hiểu luôn mặt phải của cái thói sống vồn vã hối hả lại là khắc giây lắng lòng và sống chậm một cách thấu đạt lý tình.
Cơn đại dịch đi qua mảnh đất này, gieo bao tang thương, mất mát. Nhưng cũng làm dậy lên lòng dân thị thành một lòng thương trọn vẹn nhất dành cho nhau. Thời khắc nguy biến luôn có những ứng chuyển để con người ta cứu nhau, giúp nhau, và dìu nhau với một suy nghĩ: Phải sống cho qua mùa dịch.
Phải sống và cùng nhau sống. Dẫu cái sự sống này nó lắt lay hoặc phải đùm túm năm ba đồng từ người này để tương trợ cho mảnh đời kia, thì dân thị thành cũng chẳng nề hà. Cùng chia nhau sự sống, cùng tin về một tương lai bình yên khép kín nỗi đau của thời khắc này.
Khâu vá lại nỗi đau, nuôi nấng niềm hy vọng cũng chính là những thứ mình suy nghĩ nhiều nhất khi mà đã 3 tháng qua, thành phố vẫn còn là tâm dịch. Nhưng như những gì mà nhóm dựng Quỹ Sài Gòn Nghĩa Tình suy nghĩ, lúc này sự khó khăn chính là thời điểm mà mọi người cần hiệp lực, lan tỏa đi những điều tử tế. Một người tử tế có thể nhỏ nhoi, nhưng trăm người, hay ngàn người thì điều tử tế sẽ làm nên một sức sống mới, sẵn sàng vươn mình giữa cằn cỗi của nguy nan (*).
Câu chuyện Thiên Ân và Đức Bảo sẽ luôn nhắc nhớ chúng ta về một vết sẹo của giai đoạn này. Nhưng, nó cũng khiến chúng ta in hằn một thời điểm mà lòng người rực sáng hơn bao giờ hết. Thành phố vẫn xanh nhờ những màu áo lính. Thành phố tinh khôi bởi những chiếc áo blouse trắng. Và thành phố luôn lung linh bởi trái tim của thị dân, những trái tim tử tế biết phát sáng đúng thời điểm.
Quỹ Sài Gòn Nghĩa Tình đang lan tỏa với nhiều tấm lòng đóng góp từ 50.000 đồng của một cô bé bán dạo đến tận 2 triệu đồng của một cô giáo đang trong khu vực dây giăng. Tất cả đều là do họ mang trong mình một trái tim rực sáng lẽ đời thiện lành và dòng máu nóng yêu thương. Nghĩa đồng bào trải dọc khắp Bắc Trung Nam cũng được lan tỏa. Từ miền núi phía Bắc, anh lính biên phòng gởi về 300.000 đồng. Một ca F0 vừa khỏi bệnh đã gởi về cho Quỹ 500.000 đồng. Vào thời khắc này, quả thật đó đúng là “Vàng” trong đời thực.
Quỹ Sài Gòn Nghĩa Tình chung tay lo cho em hai mồ côi cha mẹ, trong đó người anh bị bệnh down sẽ tiếp tục với dự tính là quãng đường dài một năm để giúp sức cho hai em bình ổn cuộc sống. Để làm được điều này, không chỉ Ban dựng quỹ, mà công sức lớn nhất chính là tấm lòng của những trái tim nhân nghĩa trên khắp dải đất hình chữ S này.
Nhà văn Tống Phước Bảo
Nhà văn 8x Tống Phước Bảo trong 4 năm qua đã sở hữu nhiều giải thưởng viết lách: Giải Khuyến khích Truyện ngắn hay năm 2018- báo Tiếp Thị Gia Đình, Giải Khuyến khích Truyện ngắn hay năm 2019- báo Người Lao Động, Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “Một nửa làm đầy Thế giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ năm 2019, Giải Ba cuộc thi Tạp bút “Kí ức Tết” – 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Thành phố tôi yêu” – báo Thanh Niên – 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Quê nhà dấu yêu” – Báo Áo Trắng – 2020, Tặng thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid”- 2021…
Tống Phước Bảo còn có cả trăm truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo: Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công An, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quảng Ngãi, Nghệ An, Đà Nẵng…
Anh vừa ra mắt tác phẩm Sài Gòn còn thương thì về! – tập tản văn và truyện ngắn do NXB Đà Nẵng ấn hành hồi tháng 5-2021
(*) Quỹ do một nhóm văn nghệ sĩ cùng các cô giáo thành lập. Tạm thời Ban đại diện khoảng 5 người, nhà văn Tống Phước Bảo sẽ chịu trách nhiệm chính dựng quỹ và điều phối quỹ.
Dự án đầu tiên mà Quỹ hướng đến là giúp 2 bé mồ côi Thiên Ân và Đức Bảo – có cha mẹ chết do Covid. Trong đó Thiên Ân sinh năm 1998 đang mắc bệnh down, còn Đức Bảo sinh năm 2005 hiện đang học lớp 11. Theo đó, Quỹ sẽ quyên góp liên tục để hỗ trợ chi phí học, sống cho 2 em.
Dự kiến, Quỹ sẽ chia nhỏ để hỗ trợ hàng tháng cho 2 em. Vì em Đức Bảo còn nhỏ (mới 16 tuổi) nên Quỹ sẽ điều phối nguồn tiền để giúp em đến năm 18 tuổi.