Đối với tôi, Tết bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp. Đó là những ngày rộn ràng chờ đón năm mới của tôi và mấy đứa trẻ trong xóm nghèo.
Đầu tháng Chạp, người dân quê tôi lục tục đi giẫy mả, phát quang bụi rậm ở những khu mộ của người thân. Từ nhỏ, tôi đã nghe ngoại kể – đó là truyền thống của tộc họ quê mình – gọi là “chạp mả”.
Mỗi tộc họ chọn một ngày để con cháu tề tựu lại trưởng chi, nhánh, hay trưởng tộc rồi đi thăm, giẫy từng ngôi mộ của ông bà xưa đến con cháu gần. Mộ hồi xưa chưa xây dựng bề thế, thậm chí không có điều kiện để lập bia ghi dấu nơi an nghỉ cuối cùng của một người nên giẫy mả, đắp mộ dịp cuối năm là cách để con cháu biết nơi ông bà mình đã nằm xuống ngàn thu.
Có những ngôi mộ chỉ có một cục đá to hơn bình thường được cắm xuống. Lớp thanh niên, con cháu trai sẽ được đi cùng ông bà lớn tuổi hơn. Tôi thích đi những buổi như thế này vì được nghe ông ngoại chú (em ngoại ruột) kể về “sự tích” từng ngôi mộ và người nằm dưới đất sâu. Từ đó, mình hình dung ra ông bà tổ tiên của mình đã từng… đẹp trai như thế nào và từng sống ra sao.
Khói nhang thơm cả một góc rừng – nơi được chọn để người quê có mất thì đem lên đó, “trở về cát bụi” – vào những tháng Chạp như vậy. Tôi nghĩ về những mùa chạp mả này với ý nghĩa thật nhân văn, một cách tri ân ông bà, tổ tiên.
Ngoại tôi thì bảo, đi giẫy mả, đắp mộ cho ông bà mình trước Tết cũng giống như cách mình dọn nhà mới cho các cụ chuẩn bị về vui xuân với con cháu. Tôi hiểu ý ngoại, chắc người chết cũng cần được trang hoàng nhà cửa – là ngôi mộ cỏ mỗi năm, trước Tết. Đắp mộ ông bà cuối năm thời đó còn là để cỏ cây khỏi biến mộ thành rừng cây, tội nghiệp. Ngoại tôi hay cảm thán vì những ngôi mộ vô danh, không còn con cháu đi đắp, giỗ chạp mỗi năm trở nên hoang lạnh.
Quê tôi còn có tục “giẫy mả âm linh” mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp. Cả làng sẽ cùng thực hiện việc này như một sinh hoạt truyền thống, nhân văn. Đàn ông trong thôn đến ngày này, nghe tiếng kẻng làng sẽ tập hợp tại nhà văn hóa thôn rồi được phân công đi đắp, giẫy những mộ hoang, không có ai chăm sóc. Cứ vậy, những người đã khuất có một ngày giỗ chạp chung gọi là “giẫy mả âm linh”, được cúng linh đình tại đình làng. Lễ vật cúng dịp này được quyên góp theo hình thức tùy hỉ từng nhà, sau khi cúng, ai tham gia đi giẫy mả thì cùng ăn uống, rồi nhà ai nấy về.
Trở lại với ngày chạp mả đầu tháng Chạp, các cô dì trong họ sẽ được giao nhiệm vụ nấu nướng. Các mâm cúng được dọn sẵn. Cánh đàn ông trong họ đi giẫy mả về sẽ nghỉ ngơi, người trưởng họ sẽ đại diện cúng, với áo dài khăn đóng nghiêm túc. Sau khi cúng, mọi người ăn uống, hỏi thăm nhau, rồi nhắc con cháu nhớ mộ ông cố, ông sơ hay bà nội, bà ngoại ở chỗ đó để “nhỡ năm sau tao không còn thì bây biết mà đi giẫy”.
Sự tiếp nối của con cái với tổ tiên từ những sinh hoạt như vậy ăn sâu vào tâm khảm để rồi những người trẻ như tôi đi tha hương, đến tháng Chạp hằng năm vẫn nghe người lớn trong tộc họ hỏi: chạp mả năm ni có về không?
Mộ cỏ của ông bà dần được khang trang hơn nhờ đời sống kinh tế của con cháu khá lên. Gia đình tôi đã xây được mộ, dựng được tấm bia đàng hoàng cho những người trong tộc. Đến tháng Chạp hàng năm, tuy không phải đi đắp, đi giẫy mả nữa nhưng cháu con vẫn tựu về nhà một người lớn trong tộc họ rồi đi thăm viếng, thắp nhang, cúng kiếng.
“Tết năm ni nhà con Ba ăn Tết lớn hông bây”, “Mấy đứa con thằng Bảy Hảo học giỏi, đi làm ở thành phố giàu có hết hỉ?”, “Chu choa, vợ chồng hắn cực khổ nuôi hai đứa con thành tài rứa mừng cho hắn”… Cứ vậy, những rôm rả yêu thương từ tháng Chạp khiến con cháu xa quê thôi thúc phải về, chờ Tết, đếm ngược về Tết để được thắp nén nhang thơm lên bàn thờ ông bà tổ tiên rồi thủ thỉ: con về rồi đây, năm ni con có sắm mâm cơm thỉnh ông bà về vui với con cháu ba ngày xuân, phù hộ cho con cháu được trên thuận dưới hòa, làm ăn khấm khá…
Có thể ông bà không nghe thấy nhưng cháu con cứ vậy khấn vái, như có thêm một chỗ để tựa nương như thuở ấu thơ vẫn tựa vào người lớn để trưởng thành.
Lưu Đình Long
(VietNamNet)
- Xem bài gốc tại đây