Dạo gần đây, tôi thường xuyên được nghe những câu chuyện kèm những lời than phiền với những cảm xúc tiêu cực từ bạn bè, đồng nghiệp, và cả những học trò của mình.
“Vợ tôi dạo này hay càu nhàu lắm. Đi làm về đã mệt, mà cái gì tôi làm cũng không vừa ý cô ấy. Thật sự tôi thấy bế tắc.”
“Mẹ con khó chịu lắm cô ơi. Mẹ hay la mắng, cả nhà con ai cũng sợ mẹ. Không khí trong nhà lúc nào cũng căng hết”
Và cả những lời than thân, tự trách bản thân mình.
“Mình cũng không hiểu vì sao mình lại cư xử như vậy. Mình biết là mình làm mọi người khó chịu nhưng thật sự mình mệt quá. Không ai hiểu cho mình. Sao mọi thứ cứ dồn hết lên vai mình?”
Áp lực từ những lo toan trong cuộc sống, là nỗi mỏi mệt tích tụ qua năm tháng. Với những quan niệm “đảm đang”, “hy sinh”…về vai trò của người phụ nữ trong xã hội đã đặt lên vai họ gánh nặng kỳ vọng. Họ phải gánh vác và quán xuyến hết tất tần tật mọi việc từ trong ra ngoài: chi tiêu sinh hoạt, từ chuyện con cái đến cả chuyện hai bên gia đình nội – ngoại… Những lúc mệt mỏi, ngay cả khi thân thể rã rời vì bệnh, họ vẫn cố gắng đứng dậy.
Mệt không? Mệt chứ.
Muốn nghỉ không? Rất muốn. Nhưng nếu nghỉ thì… ai sẽ lo đây?
Vậy nên, họ gắt gỏng.
Nhưng không phải vì họ muốn vậy. Những lời cau có, những cái lườm, những tiếng thở dài không phải để làm tổn thương ai, mà là cách duy nhất để họ tự trút bớt gánh nặng trong lòng. Một chút bực bội để tự mình chống chọi với áp lực chất chồng. Nhiều người thường nói: “Ôm việc vào người làm gì để rồi bực bội, để rồi cáu gắt. Ôm đồm chi để rồi than.”
Nhưng bạn có hiểu không? Họ gắt gỏng vì muốn điều gì đó tốt hơn cho những người họ yêu thương. Họ sợ buông tay thì mọi thứ sẽ đổ vỡ.
Bạn nói:
“Hồi xưa cô ấy dịu dàng, hiền lành biết bao. Giờ sao khác quá…”
Rồi bạn lấy đó làm lý do để quay lưng, để lạnh nhạt, để nói rằng:
“Tôi không còn tình cảm nữa.”
Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi:
Vì sao cô ấy lại thay đổi?
Vì sao từ một người phụ nữ dịu dàng, cô ấy lại trở nên gắt gỏng, dễ cáu và hay than vãn như thế? Bạn đã chia sẻ được gì với cô ấy chưa? Hay chỉ là những lời phán xét?
“Có mấy việc cỏn con mà cũng than suốt ngày!”
Hoặc nặng nề hơn:
“Ở nhà nuôi con thôi mà cũng không xong nữa!”
Thường những người phụ nữ hay gắt gỏng lại là những người giàu tình cảm nhất. Họ ôm trọn việc nhà, việc con, việc họ hàng, việc xã hội. Họ không để sót điều gì, trừ chính bản thân mình. Họ không cần bạn làm thay tất cả. Họ chỉ cần một người lắng nghe. Một người đủ gần để thấy rằng họ đang quá tải. Vì phía sau mỗi lời cằn nhằn là một người phụ nữ đang cố gắng giữ cho gia đình này đủ ấm, đủ yên.
Hãy thấu hiểu và bao dung hơn với những “cơn gắt gỏng” ấy.
Tôi tin rằng, khi những người thân, người chồng, người con, những người bên cạnh họ nếu biết dừng lại để lắng nghe, để lắng nhìn thì bạn sẽ hiểu vì sao cô ấy trở nên như vậy.
Và chính sự thấu hiểu đó sẽ dạy bạn cách yêu thương, cách trân trọng họ.
Một hành động nhỏ.
Một lời nói nhẹ nhàng.
Một cái ôm bất ngờ.
Một lời cảm ơn vì những điều tưởng như rất bình thường
Chỉ vậy thôi… cũng đủ để xoa dịu bao nhiêu áp lực đang âm thầm đè nặng trên đôi vai họ mỗi ngày. Và bạn biết không, khi người phụ nữ cảm nhận được sự thấu hiểu và yêu thương, họ sẽ lại dịu dàng thôi.
ThS Nguyễn Thị Thanh Bình
(giảng viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)
- Bài đăng báo Phụ nữ TP.HCM, xem bài gốc tại đây.
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn.