Đi tới theo sự đi tới của xã hội, con người nhận thấy có an ninh và tương lai hơn khi mình có tài sản, danh tiếng và quyền thế.
Chưa dừng lại ở đó, con người còn thấy ăn uống và nhục cảm là những mật ngọt hạnh phúc. Từ đó, người chạy đua với người và người chạy đua với thiên nhiên để sở hữu càng nhiều càng tốt cái tài sản, danh tiếng, quyền thế, nhục cảm và ăn uống đó. Một cuộc chạy đua với nhau đầy ma lực không dừng lại được. Chạy và chạy.
Chạy từ sở hữu đến lệ thuộc, từ hạnh phúc đến khổ đau và từ an ninh đến chiến loạn. Cuối cùng, đứng trên những sở hữu mà mình chạy đua cả đời để có được, con người nhận ra mình quá khổ, quá mất mát và đôi khi còn quá tội lỗi. Những vị ngọt mà con người tưởng sẽ có khi mình có tài sản, danh tiếng, quyền thế, nhục cảm… hoá ra không là bao so với nguy hiểm và cay đắng.
Đặc biệt, khi con người chạy đến cuối đường của kiếp sống, con người, nghiêm túc nhìn lại, không thể không ngậm ngùi: Công danh cái thế màng sương sớm; phú quý kinh nhân giấc mộng dài. [1]
Tài sản, quyền thế, danh tiếng, nhục cảm… được Đức Phật Gotama gọi là các dục. Và trong một lần nói chuyện với Mahanama, Đức Phật Gotama cho biết: Các dục vui rất ít, khổ rất nhiều, vị ngọt rất ít, cay đắng rất nhiều và sự nguy hiểm bên trong còn nhiều hơn nữa. Người tham đắm các dục cũng sẽ như người khát nước mà uống nước mặn. Càng uống, càng khát. [2]
Thật vậy. Khi tĩnh lặng nhìn lại những trải nghiệm mà người ta có trong liên hệ với các dục, người ta sẽ thấy đời sống của mình và của nhau thật sự hao tốn rất nhiều trong đi tìm các dục. Hành trình đi tìm các dục là một hành trình đánh đổi quá lớn tài nguyên tinh thần và thể xác. Khổ và vui đan xen; mừng và lo đổi chỗ. Người ta bị các dục đẩy tới mà không biết chắc là sẽ tới đâu. Bị đẩy tới trong bị động và say sưa như những bạn kiến bị mật ngọt đẩy tới. Bị động và say sưa đến nỗi hiểm nguy của đau thương và chết chóc gần kề mà vẫn chưa thức tỉnh. Vẫn chạy và chạy tiếp phần đời còn lại theo sau các dục. Vẫn chưa có thể dừng lại để có được một cuộc hẹn hò lãng mạn và có hạnh phúc với thảnh thơi, với rừng xanh, mây trắng, người thương và phúc lành.
Đã đến lúc, nếu muốn có hạnh phúc và tương lai thật sự, người ta cần thấy và dừng lại.
Thấy các dục vui ít khổ nhiều, vị ngọt thì ít mà cay đắng thì nhiều, sự nguy hiểm bên trong còn nhiều hơn nữa. Thấy và dừng lại để không còn bị đẩy tới một cách bị động. Thấy và dừng lại để thưởng thức an bình, tĩnh lặng, thảnh thơi, cũng như để hẹn hò một lần thật sự với sự sống đang là có rừng xanh, mây trắng, người thương và phúc lạc.
Thấy và dừng lại để biết cách sử dụng thời gian và năng lượng quý giá một kiếp sống của mình cho những gì lớn hơn, kết nối hơn và có thể mang theo hơn xuyên qua những kiếp sống. Sự quý giá của kiếp sống vô giá, như Đức Phật Gotama nói, quý giá đến nổi cơ hội có lại chỉ như vài hạt cát dính trên móng tay so với số cát trên trái đất. [3]
Nếu người ta không thức tỉnh mà cứ mãi chạy theo các dục, chạy theo những gì sẽ phải bỏ lại bên ngoài nấm mộ, người ta nhất định sẽ hối tiếc một ngày rất gần. Một hối tiếc mà không ai có thể giúp được. Một hối tiếc có khi cần qua nhiều kiếp sống mới có thể sửa sai.
Nhuận Đạt
————–
[1] Thiền sư Minh Chánh.
[2] Trung Bộ Kinh, Tiểu Kinh Khổ Uẩn.
[3] Tạp A Hàm, Kinh số 442.
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn