Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Ký ức hòa bình qua lời kể của ngoại

Thời chưa có tivi và các phương tiện truyền thông, giải trí, những đứa trẻ 8x như tôi đã được lớn lên trong vòng nôi, chiếc võng, cánh quạt của những người bà. Ngoại tôi là một trong những người bà như thế, đã giúp nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa trẻ được ắp đầy ký ức, từ những trang cổ tích dễ thương, đến những dấu ấn lịch sử sắc son đáng nhớ.

Miền cổ tích, miền hào hùng

Tôi thích phiêu lưu trong lời kể của ngoại. Bà chỉ là một nông dân nhưng luôn có nhiều câu chuyện tuyệt vời để kể khi đêm về. Ngoài cổ tích, tôi thích hơn hết là chuyện thời chiến tranh mà bà là một trong những chứng nhân.

“Hồi đó, vùng mình ở là vùng địch, nhưng buổi tối có các chú bộ đội, cán bộ nằm vùng ra hoạt động”, ngoại tôi kể. Thực tế, mảnh đất miền tây Quế Sơn (Quảng Nam), nơi thượng nguồn sông Thu Bồn êm đềm trong lời ru thuở bé của tôi là vùng chiến lược, gần căn cứ Đức Dục – An Hòa (huyện Duy Xuyên) đầy bi tráng.

Ngoại tôi bảo, ở xã mình sống – Quế Lộc, Quế Sơn – đồi núi, hầm đá nhiều nên nhiều cán bộ đã chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động bí mật. Chính ông cố tôi, rồi ngoại cũng là những người đã nuôi giấu cán bộ nằm vùng hoạt động cách mạng tại đây.

“Người dân mình yêu nước từ ngàn đời, nổi danh với câu nói “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, nên khi có ngoại xâm, toàn dân sẽ nổi dậy, cùng nhau tham gia kháng chiến cứu nước”, ngoại nói bằng giọng tự hào.

Hố Lù, nơi trở thành di tích, từng là địa bàn hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ địa phương – Ảnh: TẤN KHÔI

Sống trong chiến tranh, ngoại tôi hiểu hơn ai hết về nỗi khổ niềm đau của bom rơi, đạn lạc, của những trần càn quét kinh hồn bạc vía. “Ông ngoại con mất trong một trận càn, khi đó máy bay ném bom vào vùng núi mà Mỹ cho rằng có cán bộ, bộ đội ẩn nấp”, bà ngoại rưng rưng nhớ lại.

Chiến tranh đã làm nhiều cuộc chia ly là mãi mãi, có nhiều người không tìm thấy xác vì trúng phải bom, hay phải bỏ thây nơi chiến địa. Nước mắt ngoại chảy khiến một đứa trẻ 10 tuổi như tôi hiểu thấu hơn nỗi đau của thời chiến.

Tôi nhớ những hàng bia “Vô Danh” ở nghĩa trang liệt sĩ xã mình. Đó là những chiến sĩ ngã xuống cho độc lập mà họ không có một tuổi tên nhận diện. Ở quê tôi gần như xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ, điều đó nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến, đồng nghĩa với việc “Tổ quốc ghi công” nhưng cũng là dấu tích của những mất mát máu xương của lớp lớp cha anh.

Được hun đúc tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc từ những câu chuyện kể của ngoại, tôi nhớ mãi về những cột mốc của quê hương, đặc biệt là ngày giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng (23-9-1975). “Đó là ngày mà quê hương yên tiếng súng, khi người dân không phải sợ tiếng máy bay của những trận càn”, ngoại tôi nói.

Cuối tháng 3-1975, nhiều người được về lại quê hương, được nằm trong căn nhà phên, tranh nứa nhưng yên ổn. Ngày hòa bình má tôi đã 15 tuổi nên bà cũng đã cảm nhận được niềm hạnh phúc tuôn chảy của phút giây độc lập. “Hòa bình rồi, có khổ cỡ nào, ăn sắn ăn khoai chi cũng chịu được”, má và ngoại tôi nhắc hoài điệp khúc ấy.

Trân trọng hòa bình

Cái giá của hòa bình, theo ngoại tôi là quá lớn. Ngoại tôi kể, gia đình mình là “gia đình cách mạng”. Từ ông cố tôi đã có cảm tình với cách mạng, ông cũng là người có công nuôi giấu cán bộ khi các anh các chú chọn địa bàn này làm nơi hoạt động bí mật.

Người hoạt động bí mật nếu không dựa vào dân và không có người dân chở che, bảo bọc thì cũng khó. Do vậy, cuộc chiến tranh nhân dân chính là cuộc chiến tranh mà mỗi người dân đều trở thành chiến sĩ cách mạng theo cái cách mà họ ủng hộ các cán bộ làm nhiệm vụ ngay trong nhà mình. “Nhà mình hồi ấy có hầm bí mật, vừa để tránh đạn bom, vừa cũng là nơi để cán bộ lánh mặt khi cần”, ngoại tôi nhớ lại.

Hòa bình của đất nước thực sự đã đổi bằng máu xương rất nhiều. Như ông ngoại tôi đã mất trong trận càn, như ông ngoại chú tôi đi bộ đội rồi cụt hẳn một chân (là thương binh loại 1), và rất nhiều hàng bia mộ “Vô Danh” trong nghĩa trang liệt sĩ.

Tôi được nhắc nhở trân trọng hòa bình hôm nay bằng cách luôn nhớ lịch sử và cần phải xây dựng bản lĩnh, kiến tạo các giá trị sống để tiếp nối cha ông.

“Gia tài của ngoại” – Ảnh: ĐỖ THỊ HIỀN

Thời nay, yêu nước có thể không chỉ là cầm súng, mà còn là tô bồi phẩm chất và trí tuệ để làm cho đất nước mạnh giàu. Kinh tế vững vàng, tự chủ, sẽ giúp cho Việt Nam độc lập. Nhiệm vụ gìn giữ thành quả của cha ông đã để lại đối với thế hệ sinh sau ngày hòa bình chính là góp phần làm giàu cho quê hương: từ làm giàu tri thức, làm giàu kinh tế, bản lĩnh chính trị.

Tri ân, báo ân là truyền thống ngàn đời của dân tộc và đó cũng là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn mỗi thế hệ người Việt để luôn tỏa sáng, tiếp ngọn lửa hào hùng của con Lạc cháu Hồng.

Tôi biết ơn lịch sử và cảm ơn những lời kể đầy yêu thương của ngoại, một nhân chứng sống của chiến tranh và đã thấu cảm giá trị của hòa bình. Dù ngoại tôi đã theo ông ngoại, nhưng mỗi mùa tháng 4, khi khắp nẻo quê hương vang khúc “Ta đi trong muôn ánh sao vàng. Rừng cờ tung bay…”, lại thấy “đất nước trọn niềm vui”, tự hào về gia đình mình, với những tấm huy chương, huân chương của ông cố, bà ngoại dù cũ kỹ và bị hư nát do mối mọt, cùng đôi lần chạy lụt bị hư ướt. “Đó là gia tài, là kỷ vật của ngoại”, má tôi nói.

Lưu Đình Long

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!