(MTD) “Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện, vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn” (Steve Jobs).
Đó là cách gọi của Steve trong những năm tháng cuối đời ông sống cùng căn bệnh ung thư. Với Steve thì dù ông có thành công đến mấy, gia sản đồ sộ đến mấy, có thể mua được đủ thứ trên đời nhưng ông nhận ra sẽ chẳng ai tự nhiên bỏ tiền ra để mua giường bệnh cho mình cả, chẳng ai muốn rước bệnh vào thân hết.
Còn với tôi, giữa cảnh đại dịch đang bùng ra ở miền Nam, khi mà máy móc thiết bị, nhân lực lẫn vật lực đều thiếu thốn, quá tải y tế ở mức báo động thì việc tìm được một chiếc giường bệnh thật là điều quá nan giải. Dù là người chức cao vọng trọng hay tiền bạc rủng rỉnh thì để kiếm được một chiếc giường bệnh để nằm trong thời điểm này đều thực sự khó.
***
Bệnh nhân nữ, 14 tuổi, nhập viện vì ngộ độc Paraquat. Lúc em nhập viện tôi đón em trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, miệng họng nhiều mảng tổn thương loét. Em được lọc máu ngay sau đó (5 giờ sau uống) và điều trị tích cực.
Hàng ngày qua thăm bệnh thấy em vẫn ngồi cười nói, thi thoảng trầm ngâm tâm sự rằng em thấy hối hận thế nào vì đã uống chai thuốc ấy để tự tử sau lần tranh cãi với bố mẹ và bố em chỉ lỡ nặng lời nói rằng ông không cần có một đứa con như em sống trên đời.
Sáng hôm ấy đến viện thấy em đã vào đợt suy hô hấp cấp, được đặt nội khí quản thở máy, x-quang phổi trắng xoá vì các dải xơ, diễn tiến rất nhanh; đến chiều thì tôi ra ép tim cho em, suốt gần 1 giờ đồng hồ mới được nghỉ. Chị bác sĩ trực chính vỗ vai tôi: “Thôi được rồi em, để chị ra báo gia đình thời gian tử vong”. Ngay phía đầu giường em vẫn treo tấm phim X-quang phổi với hai phế trường trắng xoá.
***
Giường bệnh ngay tối hôm ấy nhận một ca bệnh nhân nam, 68 tuổi, nhập viện vì lý do ngừng tuần hoàn sau tai nạn đuối nước đã được cấp cứu kịp thời nhưng tiên lượng nặng.
Theo lời cháu của bệnh nhân kể lại: “Ông em cả đời ở quê làm ruộng, mơ ước một lần được đưa bà ra biển để coi biển hình dáng ra sao, mà bà đi trước ông cách đây 5 năm rồi nên ông không thiết tha nữa. Cả nhà ai cũng nghèo, cô bác cố gắng tích cóp mãi cũng đủ tiền, liền động viên ông để ông đi biển một lần này cùng cả nhà, nói mãi ông mới gật đầu. Ngày được đứng trước biển, ông gạt nước mắt gọi tên bà, thương lắm, em bảo ông cuối cùng thì bà cũng được nhìn thấy biển rồi ông ạ, qua đôi mắt của ông. Nào đâu chiều hôm ấy…”.
Bệnh nhân được hồi sức tích cực suốt đêm, đến sáng hôm sau gia đình kiên quyết xin về: “Toàn bộ gia sản dành dụm hết cho chuyến đi vừa rồi của ông rồi thưa bác sĩ”. Khi gia đình vào đón bệnh nhân về, tôi đang làm thủ thuật cho bệnh nhân giường bên cạnh, cậu cháu nước mắt ngắn dài vuốt tóc ông: “Về nhà thôi ông, về với bà ông nhỉ!”.
***
Sáng hôm sau đi làm, đã lại thấy vẫn cái giường ấy một bệnh nhân mới, nam, 40 tuổi, tỉnh táo hoàn toàn, da niêm hồng hào, ngồi hút sữa rùn rụt, nói chung là rất khác biệt so với 50 giường bệnh còn lại toàn những nhân vật “ngậm tẩu” trong im lặng. Hỏi ra mới biết bệnh nhân đang theo dõi nhồi máu cơ tim ngày thứ 5 mà trên khoa hồi sức tim mạch hết giường nên đành chuyển xuống đây nằm.
Lúc tôi đi khám, chú thủ thỉ: “Bác sĩ trên tim mạch nói rằng tôi sắp được ra viện rồi bác sĩ. Về nhà còn kịp sinh nhật con trai. Cháu nó học giỏi lắm! Vừa nhận được 2 học bổng toàn phần đi Mỹ đó”. Vừa nói, chú vừa lôi một tấm ảnh đặt dưới gối ra cho mình coi: “Tài sản lớn nhất đời tôi đó bác!”. Nhìn gương mặt tự hào của chú khi kể về con trai khiến tôi thấy rất xúc động.
Đêm hôm ấy nhà mất điện nên lại lò mò qua viện, vừa đến đã thấy chú nằm bất động, người lạnh ngắt, mồm đã “ngậm tẩu” như bao bệnh nhân khác, ngực đeo máy ép tim, monitor báo nhịp theo đúng nhịp của máy ép. Chưa kịp hỏi thì chị điều dưỡng đi qua đã thở dài: “Bệnh nhân vừa tử vong rồi bác! Cả tối cấp cứu rồi hồi sức tích cực mà không được. Bác Đạt đang giải thích cho người nhà rồi”. Lúc gia đình vào đưa chú về, chợt nhớ ra điều gì, tôi nhắc cậu con trai: “Dưới gối của chú có cất đồ, chú bảo là tài sản lớn nhất của đời chú, anh nhớ mang về!”. Cậu con trai gật đầu cảm ơn, khẽ nhấc gối lên rồi bật khóc.
Những câu chuyện cũ làm tôi chợt nhớ vẫn còn những người đồng nghiệp ở “hậu phương”, những người vẫn đang âm thầm tiếp tục điều trị cho các ca bệnh-không-phải-do-Covid, những người phải gánh thêm rất nhiều vất vả để tụi mình có thể yên tâm công tác chống dịch, thật sự biết ơn.
Giường bệnh dù ở đâu hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng là những chiếc giường đắt giá nhất trên đời, muốn có cũng không được, mà có được rồi, nằm trên đấy, đôi khi phải trả một cái giá còn đắt hơn – sinh mạng.
BS Dương Minh Tuấn
BS Dương Minh Tuấn công tác ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước khi vào Minh Hóa (Quảng Bình) theo “Chương trình đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo” của Bộ Y tế. Hiện tại, BS Tuấn đang tình nguyện chống dịch Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Q.10.
BS Dương Minh Tuấn được cư dân mạng yêu quý vì những chia sẻ hài hước, nhiều năng lượng. Facebook BS Tuấn có tick xanh với gần 60.000 người theo dõi, mỗi bài đăng đều có hàng ngàn lượt quan tâm, bình luận.