Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bạn muốn gặp ai trên Facebook?

Mây Thong Dong

(MTD) Đầu ngày, tôi đọc được bài viết của một nhà báo mà mình rất yêu thích trên Facebook của bạn ấy. Câu chuyện bạn kể về trải nghiệm cá nhân rất hay, tôi đang gật gù đồng ý cho đến khi đọc đến đoạn cuối, thấy một cái link quảng cáo về một công ty bảo hiểm. Cảm giác (rất cá nhân) của tôi là: hình như mình bị “phản bội” rồi.

Hiện giờ, chuyện một ai đó nổi tiếng trên Facebook được các nhãn hàng chào mời quảng cáo được xem là một việc kinh doanh, cũng rất bình thường (và cũng xứng đáng và chính danh). Tuy nhiên, những bài quảng cáo mà bắt đầu bằng một tâm tình rất cá nhân của người viết, để gắn sao cho khớp với sản phẩm chuẩn bị quảng cáo, như một cách đánh lừa người đọc, tôi không biết mọi người thấy sao chứ mình thì thấy hơi hụt hẫng khi đọc đến dòng cuối.

Có lẽ vì tôi đang nghĩ được đọc một cái gì đó chạm đến trái tim, nhưng cuối cùng thấy hoá ra không phải, nó được viết bởi chỉ vì muốn mình xem quảng cáo. Và dĩ nhiên, làm sao sản phẩm quảng cáo khớp nguyên vẹn với trải nghiệm vô tình nào đó trong quá khứ xưa lơ xưa lắc của người viết, mình có thể nghi ngờ bao nhiêu % trong câu chuyện đó là thật? Và sau đó thì với những bài viết khác “có vẻ” cũng chạm đến trái tim của người đó, tôi sẽ có thể kéo xuống cuối status để coi có một cái link hay hashtag hay không trước khi quyết định đọc tiếp.

Có một lần, tôi cùng follow hai người, đều nằm trong chiến dịch quảng cáo của một nhãn hàng sô-cô-la nọ. Và tôi đã đọc hai trải nghiệm rất chân tình hay ho liên quan đến sô-cô-la cùng một thời điểm. Cảm xúc rất khó diễn tả khi đọc hai bài viết ấy.

Cảm xúc này của mình, được tôi tự lý giải sau khi đọc quyển sách Tiền không mua được gì? của Michael Sandel (tác giả nổi tiếng với quyển Phải trái đúng sai). Trong đó ông có viết là, với xã hội chỉ quan trọng kinh tế như hiện nay thì bất kỳ chỗ nào con người có thể nhìn thấy được đều được đem đi bán để quảng cáo. Và dĩ nhiên là, có nhiều thứ, không thể bán được, nhất là nó chạm đến lòng tin/ý nghĩa/đạo đức. Ông ví dụ rằng, hoạt động hiến máu – một việc làm vô cùng ý nghĩa, sẽ bị giảm người đi hiến máu nếu người ta quyết định trả tiền cho những người đi hiến máu thay vì chỉ nhận miễn phí từ họ.

Tôi cũng có nhiều bạn bè nổi tiếng lắm, cũng hay giới thiệu những gì hay ho mà mọi người đã trải nghiệm cho những người khác. Nhưng những bài viết đó tôi không thấy hụt hẫng mà còn ủng hộ nữa, bởi vì ngay từ đầu mình đã đọc ra đây là một bài viết giới thiệu một cái gì hay đến người khác, chứ không phải là một bài viết chuẩn bị đánh lừa mình một cách tinh vi (và cũng rất tốn nhiều chất xám của họ).

Ước gì ngay từ đầu các bài viết đó ghi rõ: “Đây là một bài viết quảng cáo, các bạn cân nhắc trước khi xem tiếp”, biết đâu lại chân thành với nhau hơn (và cũng đỡ tốn chất xám ngồi nghĩ cái gì trong trải nghiệm của mình có thể lôi ra viết bài quảng cáo này).

Mây Thong Dong
ThS Tô Thị Hoàng Lan

Tôi cũng theo dõi một số Facebook người khác, đôi khi, vì sự ảnh hưởng quá lớn, và để duy trì lượng tương tác đó, họ phải đưa nhiều thông tin hấp dẫn khác để lôi kéo. Mà tin hấp dẫn thường giật gân, xấu xa và sai lệch. Sau rồi thì dù người đó có nói thiệt đi chăng nữa, giữa việc không có đủ thời gian kiểm tra lại tất cả nguồn tin, “vàng thau lẫn lộn”, tôi đành unfollow.

Tôi nghĩ rằng, Facebook của một người luôn có lượng vòng tròn giao tiếp riêng của người đó, không đem so sánh được. Như bạn cùng nhà tôi hay nói là: bài viết nào của em cũng dài nhìn hoa cả mắt. Tôi bảo: Thì em chỉ thu hút bạn nào thích đọc dài dài thôi (thật ra tôi hay chèn thêm một tấm hình hay ho để ai không thích đọc dài có thể xem hình cũng được). Và số người tiếp xúc với tôi trên Facebook, nhất là những ai chưa có một mối quan hệ giao tiếp với mình ngoài đời, thường đến từ việc họ thấy mình có gì kết nối với họ chứ không mong đợi rằng sẽ lên Facebook đọc những gì mình sẽ quảng cáo/tin giật gân. Tôi nghĩ đây cũng là một dạng lòng tin. Với tôi, lòng tin đó hấp dẫn hơn những điều khác (mà ai biết đâu được, do nhu cầu của mình hiện nay vậy, lỡ ở hoàn cảnh khác mình lại đổi nhu cầu thì sao).

Còn bạn, bạn muốn gặp ai trên Facebook?

ThS Tô Thị Hoàng Lan
(giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM)

Bảo Trầm
Bảo Trầm – Đơn vị đồng hành cuộc thi “Chuyện tử tế mùa Covid-19” đang diễn ra trên Mây Thong Dong
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!