Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Bố thí theo hạnh Bồ-tát

(MTD) Lấy gì để trang nghiêm Phật độ, hay trang hoàng cõi nước?

Kinh Pháp Hoa nói, gom nhiều đại thiên thế giới làm một cõi, rồi lại lấy cõi ấy nghiền ra làm hạt bụi, mỗi hạt bụi là một thế giới. Mỗi thế giới có một vị Phật ra đời.

Cõi nào có Phật ra đời cũng là cõi Phật. Vậy thì cõi Sa Bà hay cõi Tây phương cũng là cõi Phật cả, sao chúng sinh lại mong bỏ đây về kia.

Là vì thấy đây uế trược quá, nghe kia thanh tịnh quá, chứ mỗi cõi Phật đều tuỳ bản nguyện của Phật ấy mà trang nghiêm cõi nước. Trang nghiêm cõi nước bằng hình thức trang hoàng như thành quách, lầu gác, điện đài, nhà cửa, xe cộ, voi ngựa, vàng bạc, lụa là gấm vóc, cao lương mỹ vị thì tuỳ xứ tuỳ thời văn minh mà các vị quốc vương đại thần tạo ra. Người tu có tạo ra chùa to, Phật lớn, siêu xe cũng không bằng cái vị quốc vương, tể tướng, đại thần, trưởng giả kia đâu. Cho nên Phật không khuyến khích hàng xuất gia trang nghiêm theo cách này.

Bởi vậy trong thế giới Phật mới có Chuyển luân thánh vương, các Tiểu luân vương và các Tiểu vương. Do phước lực của mình mà họ xây dựng quốc độ to nhỏ khác nhau. Mỗi quốc độ theo phước lực mà căn tính chúng sinh không đồng. Nhưng tất cả đều nằm trong một Phật độ.

Thích Ca Phật độ chính là cõi Sa Bà. Ngũ trược ác thế cũng là cõi Sa Bà. Các vị luân vương, tiểu vương, trang nghiêm quốc độ của họ bằng thành ấp, cung các, điện lầu, voi ngựa, xe cộ… Điều này Phật Thích Ca cũng có thể tạo ra một quốc độ trang hoàng như vậy, nếu ngài nối ngôi vua cha và làm một ông vua tốt thương dân. Nhưng quốc độ ấy chỉ như hoá thành nghỉ chân khi mệt mỏi, nó vô thường và thay đổi luôn luôn.

Cho nên theo bản nguyện đi vào cõi ngũ trược ác thế, Ngài phải trang nghiêm Phật độ bằng các quả vị, từ Tứ quả Thanh văn đến Bích Chi, Bồ-tát… Phật xây dựng Phật độ, trang hoàng cõi Phật bằng việc tịnh hoá chúng sinh, làm sạch thế giới theo bản nguyện ấy.

Đương nhiên thực hành quả vị Thanh văn, Duyên giác, thì nơi Phật ngự trang nghiêm thanh tịnh rồi. Nhưng tất cả cạo đầu xuất gia và đi vào rừng sâu tu tập hết ư?

Không thể nào, cho nên Phật chủ yếu lấy hàng Bồ-tát để trang nghiêm Phật độ. Hàng Bồ-tát ấy hiện thân làm chuyển luân vương, quốc vương, tể tướng, Bà-la-môn, trưởng giả, đại tướng quân, cư sĩ, phụ nữ, đồng nam, đồng nữ… Như vậy, Phật lấy mọi địa vị, giới tính để trang nghiêm Phật độ.

Lấy hàng Bồ-tát trang nghiêm Phật độ thì đề cao hạnh Bồ-tát. Và chỉ có Bồ-tát mới dám dấn thân, xả thân vì chúng sinh.

Có 6 pháp tu gọi là lục độ ba la mật để xây dựng và trang hoàng Phật độ bao gồm: Bố thí ba la mật, Trì giới ba la mật, Nhẫn nhục ba la mật, Tinh tấn ba la mật, Thiền định ba la mật, Trí tuệ ba la mật. Thực hành 6 pháp trên một cách thâm sâu thì gọi là ba la mật. 6 pháp này cũng gọi là đưa người từ bờ bên này sang bờ bên kia.

Bồ-tát vẫn thường trang nghiêm cõi Phật bằng một trong 6 công hạnh ấy. Bố thí là hạnh hàng đầu của Bồ-tát.

Chẳng hạn trong đại dịch ở TP.HCM vừa qua, chúng ta thấy anh Vũ Quốc Cường (chủ quán cơm chay Cường Béo) được Chủ tịch nước gửi thư khen vì tấm gương xả thân trong khi thực hành pháp bố thí, được dân chúng xem như vị “Bồ-tát giữa đời thường”.

Trong 6 pháp tu của hàng Bồ-tát, ai hoàn thành cả 6 thì viên mãn quả vị. Ai đang trên con đường thực hành thì mỗi pháp đều là pháp trang nghiêm cõi Phật. Cõi Phật được trang nghiêm bằng các pháp ấy, thì cảnh giới Niết bàn đã hiện tiền, không phải cầu nguyện bỏ thế giới này sinh sang thế giới kia.

Khi việc bố thí (từ thiện) trong xã hội bị lung lay, làm suy giảm niềm tin nơi người thực hành pháp bố thí thì quốc độ này không được trang nghiêm bằng hạnh bố thí. Việc làm bố thí trở nên sai pháp và gây tai tiếng.

Và như vậy nó cũng tương quan mật thiết với chính sách của các vị quốc vương, tể tướng, đại thần, bởi nếu xây dựng quốc độ trên tinh thần bố thí thì phải lấy cứu trợ an dân và không tham nhũng làm đầu.

Do đó trang nghiêm quốc độ cũng là trang nghiêm Phật độ và trang nghiêm Phật độ cũng là trang nghiêm quốc độ. Nếu 6 pháp làm nhân quả cho trang nghiêm trên không thể bao phủ đạo cũng như đời, thì bao giờ quốc độ chúng ta đang sống mới trở nên đáng sống? 

Trong hoạn nạn của đại dịch, bố thí là pháp thực hành thiết thực hơn cả. Nếu có tinh tấn và trí tuệ nữa, thì việc bố thí càng đem lại nhiều lợi ích cho chúng sinh.

Thích Thanh Thắng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!