11h30 sáng 11-4-2025 là thời khắc lịch sử tên đường của New York (Hoa Kỳ) khi thành phố này chính thức có thêm tên đường một nhà sư, một trong những người có ảnh hưởng tâm linh nhất toàn cầu.
Sau lễ cắt băng khánh thành biển tên đường “Thích Nhất Hạnh Way” là hoạt động thiền hành từ đoạn đường mới được đặt tên đến Union Theological Seminary do quý thầy và quý sư cô từ Làng Mai hướng dẫn.
Chương trình được khép lại với tiệc trà và triển lãm sách, thư pháp của Thiền sư tại Union Theological Seminary.
“Thích Nhất Hạnh way” đã được thành phố New York đồng ý đặt tên đoạn đường West 109th Street (từ Riverside đến Broadway), nguồn tin lan tỏa trong tháng 3-2025.
Buổi lễ đặc biệt ngày 11-4-2025 nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một nhà lãnh đạo tâm linh, nhà thơ, nhà hoạt động hòa bình, và là người khai sáng pháp môn Đạo Bụt Dấn Thân của Làng Mai.
Buổi lễ gắn tên đường Thích Nhất Hạnh ở New York và tôn vinh các đóng góp của Ngài. Ảnh: Làng Mai
Được biết, vào đầu những năm 1960, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sống tại số 306 West 109th Street khi đang giảng dạy và học tập tại Union Theological Seminary và Đại học Columbia – một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Ngài với vai trò là một học giả, giáo thọ và nhà hoạt động xã hội.
“Việc đặt tên con đường này là sự ghi nhận những đóng góp sâu sắc của Thầy đối với sự thực tập chánh niệm, hòa bình, và chuyển hóa xã hội trên toàn thế giới”, tin từ New York cho biết.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy hòa bình.
Thiền sư sinh năm 1926 tại Thừa Thiên – Huế, thế danh Nguyễn Xuân Bảo. Ngài xuất gia năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu. Thiền sư tốt nghiệp viện Phật học Bảo Quốc, tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành Tỳ-kheo vào năm 23 tuổi. Ngài vừa là thiền sư vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật giáo Đại thừa, và một số phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận mới đối với thiền.
Thiền sư là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” trong cuốn “Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa”. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo John Malkin hơn một thập niên trước, Ngài giải thích về Phật giáo dấn thân: “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn”.
“Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền”, Thiền sư Nhất Hạnh nhấn mạnh.
“You can walk mindfully on the busiest street” (“Bạn có thể bước đi trong chánh niệm trên con phố đông đúc nhất”), câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được nhắc lại mạnh mẽ như một thông điệp về thực hành chánh niệm trong mọi hoàn cảnh, nhân dịp New York chính thức có tên “Thích Nhất Hạnh way”.
Chư Tăng Ni, Phật tử, người yêu mến Thiền sư Nhất Hạnh đi trên đường mang tên Ngài ở New York. Ảnh: Làng MaiTừ 11h30 ngày 11-4-2025, ở New York chính thức có tên đường Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Làng Mai
Lưu Đình Long
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn.