Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Chuyện tử tế mùa Covid-19: Hãy sống những ngày tuổi trẻ đẹp nhất!

Bài dự thi  Một buổi sáng bận rộn như bao ngày của tuần cuối tháng 7, chúng tôi nhận thông tin một đồng nghiệp làm cùng khoa test nhanh có phản ứng nghi nhiễm Covid-19. Ngay lập tức “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khỏi khoa, cơ chế phòng chống dịch được kích hoạt ngay lập tức. Cả khoa chúng tôi được test nhanh và test PCR mẫu đơn mỗi người, lần đầu tiên một người bị lấy mẫu 3 chỗ: 2 bên mũi và họng.

Đến chiều hôm sau, khi có kết quả PCR chính thức xác nhận nhân viên đó dương tính với Covid-19, thì mọi người càng hoang mang hơn.

Trên đường đi cách li

Không phải tôi hay đồng nghiệp sợ đi cách ly, mà chính yếu chúng tôi đang trong thời gian quan trọng chống dịch vì bệnh viện tôi sẽ chuyển công năng thành bệnh viện tuyến đầu điều trị bệnh nhân Covid-19, mỗi ngày là một trận chiến thực sự, bây giờ sẽ phải tạm ngưng lại. Tôi lại là bác sĩ vừa làm vừa đang theo học chuyên khoa, nên việc cách li còn ảnh hưởng đến việc học tập nữa, nỗi lo lớn dần.

Tôi được ban phòng chống Covid của bệnh viện, trưởng khoa giải thích rõ hơn việc đi cách li theo yêu cầu của Bộ Y tế vì chúng tôi là những F1 gần, nguy cơ chuyển F0 sẽ rất cao, nếu còn tiếp tục ở đây sẽ có thể lây chéo cho nhân viên khác. Cùng với sự hỗ trợ động viên của lãnh đạo và các đồng nghiệp thì mọi thứ cũng ổn định, tất cả sẵn sàng đi cách li 21 ngày. Cả khoa chúng tôi đi cách li ở ký túc xá Đại học Tôn Đức Thắng, với hành trang gọn nhẹ nhất có thể.

Chiều tối ngày 11-7, một ngày dài hơn hẳn mọi ngày, trên đường đi đến nơi cách li, chúng tôi mỗi người một suy nghĩ, giờ này của mấy hôm trước còn đang tất tả nhóm đi lấy mẫu, nhập liệu, nhóm thì đi tiêm chủng cộng đồng thì bây giờ đi cách li mất tiêu rồi. Bao nhiêu suy nghĩ sợ hãi nổi lên, nào là đi xe cứu thương cảm giác muốn say xe vì chạy quá nhanh, mức độ lây nhiễm chéo trong khu cách ly quá cao, không biết mình có chuyển dương tính sau này không… Một chút buồn thoáng qua thì lời tếu táo của người đồng nghiệp làm mình thấy không khí khác hẳn: “Chúng ta ai cũng áp lực và mệt mỏi rất nhiều rồi. Hãy xem mấy ngày cách li là quãng thời gian nghỉ ngơi để có sức quay về chống dịch tiếp”.

Thực sự trong cùng hoàn cảnh, cùng làm nghề với nhau thì cái suy nghĩ tích cực rất quan trọng, tôi cũng tươi hẳn lên, xem như đi cách li, tuy bất đắc dĩ nhưng đó là cơ hội nghỉ ngơi, hợp lý đấy chứ!

Cũng như bao người đi cách li, thì tâm lí đến một nơi mới, lạ lẫm không dễ chịu chút nào, bù lại chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì không bị quần tơi tả bởi hàng đống việc, cảm giác như nhắm mắt lại thả lỏng đầu óc, mặc kệ sự thiếu thốn xung quanh. Không còn cái cảm giác theo vừa đặt lưng xuống, nhắm mắt được dăm phút thì có tin nhắn, hiệu lệnh: “30 phút nữa tất cả tập trung lên xe xuống địa phương lấy mẫu”, rồi bật dậy như robot để đi làm, làm quần quật không cần biết đến cái đói, cái khát, quên luôn cả giờ giấc.

Phòng tôi ở cùng 3 nhân viên bệnh viện, chúng tôi đều vô tình tiếp xúc gần với F0, nhưng cả 3 đều may mắn đã chích đủ 2 mũi vaccine Covid. Ngay từ khi mới đến, chúng tôi đã được cảnh báo phải vệ sinh nơi ở thật sạch vì tại đây mức độ lây chéo khá cao. Mỗi người một việc không cần ai nhắc nhở, tôi chà nhà vệ sinh, người thì quét lau chùi sàn nhà, người còn lại lau sạch mặt bàn, giường ngủ, kệ sách. Bình thường chúng tôi có thể là các bác sĩ trẻ, về nhà có thể là những đứa con được cha mẹ hay anh chị em làm cho mọi việc nhà, nhưng khi đến đây chúng tôi ai cũng nhận thấy trách nhiệm, đoàn kết không để ai dương tính và hoà đồng chung một mái nhà 21 ngày tới.

Tối đến tôi hơi mệt, sau khi viết ra lịch phân công chà vệ sinh, lau dọn phòng ngủ, đổ rác, lấy cơm, tôi vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, giờ thì ngả lưng một phát lên giường là ngủ không biết gì luôn. Thú thật với mọi người, lâu lắm rồi mới được đi ngủ sớm mà không lo tiếng chuông báo thức, tiếng loa hay chuông báo động làm phiền, cứ ngủ cho đã đi, giấc ngủ đến một cách an yên!

Chúng tôi làm việc tại địa phương – Ảnh: Ngọc Phú

Ấm lòng & vững tin

Tôi gọi về cho mẹ đang ở Đà Nẵng, ông ngoại mất nên mẹ phải về chịu tang, buồn nhất là mẹ chỉ có thể về một mình chứ không có con cháu đi kèm. Lo hậu sự cho ông xong thì dịch bùng mạnh, nên mẹ mắc kẹt luôn ở quê, lâu lắm rồi không được ăn cơm mẹ nấu, chỉ nhìn thấy mẹ qua video call mà khóe mắt cứ cay cay. Mẹ vẫn vậy, vẫn xem tôi là đứa trẻ như ngày nào. Mẹ dặn dò từng chút một, từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, đeo khẩu trang, rửa tay đến đi vệ sinh, xịt khuẩn tay nắm cửa, không được đụng cầu thang, giữ khoảng cách với mọi người. Tôi buồn cười vì hình như mẹ quên hẳn con mẹ là bác sĩ, nó còn sợ bệnh và kĩ tính hơn người bình thường nhiều. Song chính nỗi lo vô thức mà mẹ nói khiến tôi thấy ấm áp tim mình, tôi lúc nào cũng mong mẹ khỏe mạnh, tôi nhớ mẹ rất nhiều.

Bữa cơm ở nơi mới cũng lạ lắm, tuy cơm không nóng sốt nhưng cái bụng đói và trái tim nóng luôn dặn lòng “có cơm ăn là tốt rồi, mùa dịch không đòi hỏi nhiều được”. Ăn phần cơm hộp, tôi nhớ đến mấy suất ăn như mì, nước, đường, sữa, trái cây của mấy cô, dì, chú, bác ở địa phương mình làm gửi tặng, đó là thứ tình cảm chân thành, là thứ mà tôi luôn trân quý, luôn giữ lại trong tim mình nhiều nhất.

Tôi được bạn bè ở gần đó mua giúp vài thứ đồ, rồi được các bạn dân phòng mang lên vì chúng tôi không được bước ra khỏi phòng nên kệ đồ nơi tôi cách li hoành tráng, đầy đủ lắm. Có đủ nước muối, nước súc miệng, kem đánh răng, khăn giấy, vitamin C, nước rửa tay, mì gói, sữa uống và cả đồ ăn vặt nữa. Nếu so sánh với một số khu cách li tôi từng làm việc thì như vậy là hạnh phúc, là đủ đầy lắm rồi.

Thời gian ở đây trôi qua lâu hơn, việc cần làm là tranh thủ học bài, tập thể dục một mình và không quên cập nhật thông tin nơi tuyến đầu của các đồng nghiệp bên ngoài qua mạng xã hội, báo đài, tin nhắn giữa các group của bệnh viện.

Cái lưng đã bớt mụn nước, cảm giác háo nước cũng không còn, chỉ có thói quen giật mình nửa đêm chừng sáng vẫn còn. Tuy nhiên mọi thứ đi vào ổn định nhanh hơn tôi tưởng, nơi cách li vẫn có tiếng cười, vẫn có những hy vọng mới.

Chiều đầu tiên của chỉ thị 12 – “Mọi người dân không ra đường sau 18h nếu không thuộc các lực lượng được phép”, tôi đọc chỉ thị và nhìn số ca bệnh cộng đồng ngày càng giảm xuống, tâm trạng vui tươi lên hẳn. Chúng ta muốn chiến thắng đại dịch thì chúng ta phải cứng rắn, chấp nhận và lấy ý thức làm nền tảng cơ bản, ý thức còn mạnh hơn những mũi vaccine.

Tôi viết những dòng này khi ngoài trời những tia nắng đang dần tắt, một chút gợn buồn, một chút nao nao muốn được đi làm trở lại, muốn trở về lại nơi tuyến đầu đang cần mình nhất là thời điểm này.

Một ngày cách li trôi qua bằng việc hít đất, tập thể dục tại chỗ, đọc cuốn sách còn dở dang và thầm cầu nguyện những điều tốt đẹp. Tất cả chúng tôi xem đây như là quãng thời gian để nghỉ ngơi, sau đó sẽ khỏe mạnh, rồi quay lại với công việc, với thiên chức của mình.

BS Lê Ngọc Phú
(Q.Bình Tân, TP.HCM)

Nhằm góp sức lan tỏa những điều tích cực, kiến tạo năng lượng an vui trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong phối hợp cùng Công ty Cổ phần Rừng Xanh Mãi – đơn vị sở hữu thương hiệu nhang Bảo Trầm tổ chức cuộc thi viết “Chuyện tử tế mùa Covid-19”, với tổng giải thưởng 22 triệu đồng. Mời bạn xem thể lệ cuộc thi và cùng tham gia.

Bảo Trầm
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH CUỘC THI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!