Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Covid-19: Từ nỗi sợ đến niềm tin vào những gì chúng ta đang có…

Những ngày qua, Covid-19 đã phủ trùm một màn đêm u ám lên khắp Sài Gòn và miền Nam. Một số kênh truyền thông và sự chuyền tay nhau những thông tin vô thức của người dân lại càng tô đậm thêm sự u ám ấy.

Ngay từ đầu đã có những người rất sợ, kể cả một bộ phận không nhỏ người trong ngành y. Lý do, vì những gì chúng ta biết về Covid-19 còn quá mù mờ, ít ỏi…

Trong mọi trường hợp của cuộc sống, nỗi sợ không giúp gì được cho chúng ta, ngoài việc nó làm ta thêm khủng hoảng. Cho dù có sợ, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt cùng nó, không chạy đi đâu được, không lúc này thì lúc khác.

Nhận diện một con đường

Tất cả các nước ở Châu Á hầu như đều đang trong tình trạng giống Việt Nam, bởi lẽ từ đầu, tất cả đã chọn giải pháp giống nhau, muốn làm sạch sẽ mọi thứ như chưa từng có virus Corona hiện diện trên đời…

Thực ra, chúng ta có thể né trong một giai đoạn nào đó, nhưng chúng ta đâu thể cứ bế quan toả cảng, dừng lại sự giao thương với các nước bạn, đâu thể sống giữa thế giới hiện nay mà cô độc một mình mãi được.

Xã hội này, trái đất này cũng giống như một cơ thể thống nhất, từng tế bào sống trong đó đều tương tác lẫn nhau, nếu sự tương tác dừng lại thì cơ thể ấy sẽ tan rã dần dần về nhiều mặt như kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học… Như vậy, có nghĩa rằng, dù có sợ hay không sợ, chúng ta vẫn phải dũng cảm thừa nhận rằng đã tới lúc chúng ta buộc phải đối mặt cùng virus, không có lựa chọn khác.

Thay vì ngồi đó sợ hãi, chúng ta hãy nghĩ cách để làm sao cho cuộc chạm trán ấy ít thương vong nhất. Và tất nhiên những gì chính phủ kêu gọi trong thời gian vừa qua như khẩu trang, rửa tay, 5K… phải tuyệt đối tuân thủ để giảm thiểu lây lan và gánh nặng cho ngành y tế.

Sau những gì đã làm những ngày qua cùng những con số dịch tễ đang có, có thể nhận thấy virus lây lan nhanh, nhưng độc lực vẫn được xếp vào nhóm thấp. Rải rác vẫn có những ca tử vong tại các cơ sở điều trị, theo số liệu thống kê công khai là khoảng 110 ca, có thể có những ca còn chưa kịp báo cáo. Tuy nhiên, con số này trong thời gian qua vẫn là quá thấp so với tai nạn giao thông hoặc các bệnh lý khác ngoài cộng đồng.

Con số từ Bộ Y tế cho thấy khoảng 70% số ca mắc Covid-19 đều thuộc nhóm nhẹ không triệu chứng và các ca tái dương tính sau điều trị hầu như không có khả năng lây nhiễm. Nguyên nhân, có thể lý giải một phần do tỉ lệ dương giả của test, một phần nằm ở tải lượng virus quá ít nên không lây lan.

Nếu bước tiếp theo con đường an toàn tuyệt đối như cũ, cách ly truy vết các F hàng loạt (gồm cả F0, F1, F2), chúng ta sẽ đạt được gì? Chúng ta thanh lọc virus tương đối triệt để nhưng:

– Chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn, khi số ca còn quá ít, kiến thức y học và thống kê dịch tễ về Covid-19 còn mơ hồ.

– Đưa quá nhiều người vào bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly tập trung không cần thiết, dễ lây nhiễm chéo, đình trệ cuộc sống xã hội, tổn thương tâm lý về lâu dài cho người bị cách ly.

– Quá tải nhân lực y tế, trong khi các bệnh nguy hiểm khác trong cộng đồng vẫn cần được quan tâm chăm sóc (đừng quên đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy thận mạn, ung thư, các bệnh cần can thiệp ngoại khoa…)

– Tổn thương sâu sắc và nghiêm trọng nền kinh tế, ví như một cỗ xe lớn đang chạy nhanh mà thắng gấp đột ngột thì hậu quả sẽ khôn lường.

– Về lâu dài, xã hội sẽ lùi lại nhiều năm so với những gì đang phát triển.

Như vậy, chọn cách này cũng giống như kiểu cơ thể ta đang phản ứng quá mức với virus, cho dù có lọc sạch virus thì cuối cùng cơ thể cũng thoi thóp và có thể tử vong nhanh chóng.

Cuốn chiến với Covid-19. Ảnh: Hải An

Nếu đổi chiến lược, cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà, nghĩa là chúng ta sẽ lên kế hoạch sống cùng virus, chúng ta đạt được điều gì?

– Những ca F1, F0 không triệu chứng ở nhà sẽ giảm thiểu gánh nặng kinh tế cho chính họ so với khi cách ly tập trung, giảm tổn thương tâm lý và đình trệ xã hội.

– Giảm quá tải nhân lực y tế cho một bài toán không mang lại hiệu quả cao.

– Phục hồi dần nền kinh tế và các mặt khác của xã hội.

Như vậy, nếu vượt qua được sợ hãi, chúng ta mới đủ bình tĩnh để đối mặt virus. Nếu ai không thể vượt qua sợ hãi, hãy yên tâm đóng cửa ở nhà trọn vẹn, vẫn là một đóng góp đáng kể cho quá trình kiểm soát dịch tại Sài Gòn và miền Nam.

Ánh sáng trong cuộc chiến

Chúng ta có gì để tự tin trong cuộc chiến này cùng virus Covid-19? Cái chúng ta có khá nhiều cho cuộc chiến này:

– Thứ nhất, mỗi người luôn có sẵn một cơ thể khoẻ mạnh với sự kiện toàn của hệ thống miễn dịch. Cái này giúp ta đạt được con số hơn 70% ca nhiễm là không triệu chứng, và chỉ một số rất ít tử vong (< 5% ca nhiễm). Cũng nên lưu ý một điều quan trọng, hầu hết các ca tử vong không phải vì sự tấn công trực tiếp của virus, mà vì cái cách phản ứng thái quá của hệ miễn dịch đưa đến tăng hoạt lympho CD8, thực bào và cơn bão cytokine. Như vậy, ta có quyền tự tin rằng cơ thể mỗi người chính là một pháo đài vững chắc.

– Thứ hai, về mặt xã hội, ta có đầy đủ khẩu trang, sát khuẩn, bảo hộ… Chỉ là dân ta còn nhiều người ý thức không tốt, nhất là môi trường sinh hoạt của công nhân và chợ búa. Mong rằng bài học lần này sẽ nâng cao ý thức toàn dân. Hãy nhớ, dụng cụ bảo hộ không thiếu trong cuộc chiến, cái thiếu là một ý thức tốt vì mình và vì mọi người.

– Thứ ba, về mặt chăm sóc y tế, chúng ta không thiếu những nhân lực tinh nhuệ và y đức. Các nhân viên y tế chưa bao giờ ngại xông pha, tất nhiên họ cũng là con người, cũng có gia đình, cũng có nỗi sợ, cũng lo âu đời sống vật chất… Những gì họ làm không phải như là người chiến sĩ cầm súng, nhưng đó vẫn là sự hy sinh vô cùng to lớn. Ở các bệnh viện dã chiến, họ phải đối mặt với nhiều thành phần cách ly hết sức phức tạp. Ở các tuyến cuối cùng, họ phải đối mặt với sự sinh tử của các bệnh nhân trở nặng. Hãy cảm ơn họ vì tất cả những gì họ đã làm cho xã hội.

 – Thứ tư, về mặt liệu pháp điều trị, ta đã có nhiều trung tâm điều trị ca nặng là khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện lớn của Sài Gòn. Những ca nặng đưa về chủ yếu là do sự phản ứng quá mạnh của cơ thể, gây tổn thương đa tạng do bão cytokine nghiêm trọng. Lúc đó, họ cần thở máy và lọc máu liên tục CRRT để thải loại cytokine. Những thiết bị này, ta đều có sẵn. Vấn đề quan ngại là nếu số ca tăng nhanh, kéo theo ca nặng bùng phát nhiều hơn sẽ dẫn đến quá tải cho khoa hồi sức các tuyến cuối.

Do vậy, 5K và giãn cách triệt để một số khu nguy cơ cao lúc này sẽ là phương án tốt nhất để giảm thiểu quá tải tuyến cuối.

Xét về mặt cơ chế bệnh, bất kỳ yếu tố nào đưa đến sự quá phát của hệ miễn dịch (như lupus đợt cấp, nhiễm trùng huyết, covid-19 nặng, viêm cơ tim cấp…) đều đưa đến hậu quả giống nhau là cơn bão cytokine, do đó cách điều trị trong những hoàn cảnh này là tương tự nhau.

Cơ chế bệnh sinh của hội chứng viêm cấp sau nhiễm, kích hoạt hệ thống miễn dịch, hệ thống đông máu và bão cytokine
Khuyến cáo điều trị thuốc corticoid cho bệnh nhân covid-19 nặng từ WHO

Và cũng không nên bỏ qua vai trò của corticoid – thuốc luôn có sẵn bất cứ lúc nào để chặn cơn bão cytokine trong điều kiện giới hạn về máy thở và lọc máu. Theo khuyến cáo của WHO, corticoid nên bắt đầu cho những ca nặng. Đây sẽ là vai trò và tầm nhìn của chính các nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

– Thứ năm, ta có sự chuyển hướng chỉ đạo kịp thời theo tình hình của lãnh đạo, sự chung tay đóng góp về lương thực và vật lực từ các tỉnh anh em, sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân… Chưa khi nào, chúng ta cảm nhận và trải nghiệm được sự đoàn kết dân tộc như hiện nay. Tất nhiên cũng sẽ có những thiếu sót trong cách làm, nhưng đây không phải là giờ phút để soi mói và chửi rủa nhau, hãy trân quý nhau bằng tất cả tấm lòng.

Hãy nuôi dưỡng phần người

Ta có mọi thứ để vượt qua đại dịch, chỉ là chúng ta có đủ bình tĩnh và tấm lòng rộng mở để sẵn sàng cho cuộc chiến hay chưa. Nếu có thể, trong lúc này, hãy nuôi dưỡng phần người trỗi dậy và hạ bớt phần con trong mỗi người.

Hãy học hỏi những quốc gia Âu Mỹ đi trước, hãy học hỏi ý thức và tình đoàn kết yêu thương lẫn nhau.

Cuộc chiến nào rồi cũng sẽ qua, đau thương nào rồi cũng sẽ lãng quên, nhưng đừng để những vết thương tinh thần cứ mãi hằn lên máu thịt. Niềm tin và ý thức của mỗi cá nhân sẽ giúp tất cả ta giành lấy chiến thắng trong cuộc chiến này!

Ths.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM)

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!