Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Dành cho người học Phật: Quên hay xả cũng là tướng của vô ngã

mây thong dong

(MTD) Có những ngày sống quên cả thời gian. Nhưng nghĩ kỹ lại thời gian cũng không thật, nhớ quên cái không thật chẳng phải ngớ ngẩn lắm sao.

Nhìn một đám mây bay ngang, nghe một tiếng chim hót, cũng là khoảnh khắc “phải lòng nhau”, rồi tất cả ý nghĩ lại nhẹ nhàng thư thả trôi đi.

Như Lai là “như thị”, là “đương thời”, “đương xứ”, nên cả đến và đi đều không chủ không khách.

Đám mây mời gọi ta trôi hay ta mời gọi đám mây đến, ai phân chủ khách được khi bầu trời vốn vô ngã, trong khi không gian ta đang sống lại chật hẹp tù túng bởi ngã.

Bởi thế “ăn cơm Như Lai”, “mặc áo Như Lai”, “ngồi toà nhất thiết pháp không”, không phải cái ăn cái mặc cái ngồi chật hẹp luẩn quẩn thường ngày, mà “cơm áo Như Lai” chính là duyên sinh – vô ngã. Nhìn ra pháp duyên sinh vô ngã để mỗi ngày đều có những khoảnh khắc tự do bay bổng với mây trời, cát bụi…

Thường ngày ta ít khi ấn tượng bởi điều gì. Bởi ta chỉ muốn thể hiện cái tôi cũ mèm trong các thói quen khó bỏ của mình thôi. Cho nên những điều cái tôi thôi thúc luôn muốn mọi việc phải diễn ra như ý thức đã sắp đặt. Cái tôi ấy thực chất khá ồn ào nhưng lại rất cô đơn, bởi cái cô đơn nằm sẵn trong giới hạn của ý thức. Ý thức và thói quen như cái lồng sắt giam cầm tự do.

Vô ngã là mối tình thiên nhiên giàu có. Vì vô ngã mà bước ra khỏi thói quen của những công thức quan niệm được pha chế sẵn hàng ngày. Nên cảnh vẫn thế, lời vẫn vậy, mà chẳng ai hỏi tuổi ai theo mùa. Cứ như vậy, đời ta như giọt nước chia đôi, chia ba, chia năm, chia bảy rồi lại bất chợt tìm về với mây trời.

Luân hồi là sự trở lại, sống lại, nhưng chúng ta vẫn chẳng học được cách quên mình đi, nên nếu con ốc sên nói được, bông hoa nói được chắc chúng ta cũng muốn nó thể hiện một sắc thái ngôn ngữ giống như mình. Sao có thể như vậy được nhỉ?

Ta là một sinh thể, một khối năng lượng, nhưng ánh nắng va mình vào gai nhọn không tổn thương gì. Trong khi ta va mình vào ngôn ngữ thị phi đôi khi tổn thương tâm hồn trầm trọng. Một lời nói vốn không thể cân đong đo đếm nhưng đem đến sức nặng rất lớn trong tâm hồn. Thực ra lời nói cũng như âm thanh tiếng gió thoảng qua, nhưng cái ngã níu giữ nó lại, làm cho nó trở nên đa nghĩa, đa sự…

Âm thanh không gây phiền muộn là âm thanh vô ngã, là âm thanh không cắt nghĩa được nó là gì cả. Thần chú cũng như vậy, là bí mật chân ngôn, nên thần chú cũng không cần ai phải cắt nghĩa. Người ta không thể bàn tán cái không có nghĩa, nhưng cái gì có nghĩa ắt có khen chê, vui khổ…

Cụ Nguyễn Du đọc kinh Kim Cương hàng nghìn lượt, cho đến một lúc nhận ra kinh không chữ mới là chân kinh.

Thực tập thần chú đơn giản là cách đi vào từng không gian âm thanh, đến nơi sâu thẳm của tánh nghe thường trụ, để không chỉ thư thái thả mình theo tiếng gió lên mà con nghe thấy “bước chân” cuối cùng khi con ốc sên kiệt sức nằm giữa vườn cỏ xanh, tịch lặng và tiếp nối…

Đức Phật nói với Trưởng lão Thiện Hiện: “Trưởng lão Thiện Hiện, Bồ tát thì phải sửa chữa tâm mình bằng tuệ giác này: Bao nhiêu chúng sinh, hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, sinh bằng ẩm thấp, sinh bằng biến hoá, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không tư tưởng, có không tư tưởng, Ta làm cho hết thảy đều nhập vào Niết bàn toàn hảo mà giải thoát cả…”.

Quên hay xả cũng là tướng của vô ngã, mà vô ngã cũng chính là Niết bàn…

Thích Thanh Thắng

maythongdong.vn
Bảo Trầm – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!