(MTD) Sau nhiều lần sửa đổi phần giới thiệu bản thân trên Facebook với tối đa 101 ký tự, tôi quyết định chọn an yên với năm chữ “con gái của Mẹ Anh”.
Tôi đã làm nhiều công việc để theo đuổi hoài bão, rồi đến bây giờ tôi nhận ra sự nghiệp lớn nhất trong cuộc đời mình hiện nay là cảm nhận niềm hạnh phúc được là con gái của Mẹ toàn thời gian. Trong những ngày dịch ở nhà, tôi ngẫm ra, nhiều ước mơ của tôi được đánh đổi bằng những hy sinh của Mẹ.
Ước mơ đầu tiên của tôi là được sinh ra trong cõi đời này, và Mẹ đã góp phần ban cho tôi cơ hội đó. Mang tôi trong bụng, Mẹ phải đối mặt với sự lựa chọn nghiệt ngã, hoặc chồng hoặc con; rồi cơn bệnh thủy đậu khi Mẹ mang thai sáu tháng và lần “vượt cạn” thập tử nhất sinh, tưởng rằng không cứu được Mẹ lẫn con. Sinh tôi ra, Mẹ bị hắt hủi, không có một đồng để nuôi tôi. Trong cơn bí bách, bị ruồng bỏ, bị sỉ nhục, may mà nhà trường, nơi Mẹ làm việc, cho Mẹ ứng trước lương.
Tôi ra đời bị khuyết tình thương của bên nội, chỉ có Mẹ một mình chào đón tôi trong sự túng thiếu đủ điều. Tôi vừa tròn ba tháng tuổi, Mẹ bị buộc ra toà ly hôn với lý do bên nội không thừa nhận con, cháu và sau đó không cấp dưỡng, nuôi con. Lúc đó Mẹ chỉ mới hai mươi sáu tuổi, có nhiều cơ hội tái giá, nhưng Mẹ vẫn chọn một mình bươn chải, chấp nhận làm Mẹ đơn thân, vừa làm giáo viên vừa làm thêm ngoài giờ, nuôi tôi nên người.
Những năm 2000, xóm tôi có nghề bóc vỏ lụa và cạo, cắt sâu hột điều, một kg được 500 đồng. Thời đó tôi học cấp hai, vào những tháng hè của mỗi năm học, tôi giúp Mẹ cạo hột điều, kiếm tiền bỏ ống heo để đầu năm học mua sách giáo khoa. Tôi làm thạo việc và có năng suất, nhưng Mẹ sợ tôi mê kiếm tiền sớm mà lơ là việc học nên vào học chính thức, không cho tôi làm nữa.
Năm tôi học lớp 12 ở trường chuyên của tỉnh, tôi được học bổng hai triệu đồng, một số tiền lớn vào thời điểm đó, tương đương hai chỉ rưỡi vàng. Mẹ giữ cho tôi, chia làm hai phần, một phần làm lộ phí thi đại học, còn một phần để dành vào đại học.
Mẹ không chỉ cho tôi có mặt trên cuộc đời này mà còn cho tôi sống cuộc đời mà tôi lựa chọn. Thi tốt nghiệp phổ thông và chọn trường đại học là cánh cửa quan trọng với nhiều bạn trẻ, trong đó có tôi của mười lăm năm về trước. Mẹ thích tôi theo ngành ngân hàng hay bác sĩ nhưng tôi lại chọn thi ngành báo chí, khi ấy ông ngoại còn sống cũng có ý khuyên can nhè nhẹ, vậy mà Mẹ lại ủng hộ và chiều theo ước mơ của tôi. Từ cái gật đầu của Mẹ, tôi đã tự tin bước đi trên hành trình trở thành biên tập viên – MC truyền hình và giảng viên đại học sau này.
Tôi vào đại học, niềm vui chưa kịp nếm trọn thì Mẹ mang bệnh sụt còn 35kg không đủ tiêu chuẩn giải phẫu, bệnh viện cho về để bồi bổ sức khoẻ. Bệnh Mẹ kéo dài nhiều năm đến khi tôi tốt nghiệp đại học, nhờ chị bạn giới thiệu, tôi tìm được bác sĩ trị khỏi cho Mẹ. Thật là phước chủ may thầy, Mẹ đã bình phục được tới nay.
Năm nay Vu lan về, mọi người không được đến chùa vì dịch bệnh, giãn cách xã hội, không được trực tiếp bùi ngùi cài Hoa Hồng hay bâng khuâng cài Hoa Trắng trên ngực áo. Vào tháng Bảy, mùa Vu lan và Xá tội vong nhân, ở nhà, mỗi tối, tôi cùng Mẹ mở YouTube đọc kinh Vu lan và Báo ân cha mẹ:
“[…] Mẹ sanh con cưu mang mười tháng,
Cực khổ dường gánh nặng trên vai,
Uống ăn chẳng đặng vì thai,
Cho nên thân thể hình hài kém suy.
Khi sanh sản hiểm nguy chi xiết,
Sanh đặng rồi tinh huyết dầm dề,
Ví như thọc huyết trâu dê;
Nhứt sanh thập tử nhiều bề gian nan.
Con còn nhỏ phải lo săn sóc
Ăn đắng cay, bùi ngọt phần con,
Phải tắm, phải giặt, rửa trôn,
Biết rằng dơ dáy Mẹ không ngại gì.
Nằm phía ướt, con nằm phía ráo,
Sợ cho con ướt áo, ướt chăn,
Hoặc khi ghẻ chóc khắp thân,
Ắt con phải chịu trăm phần thảm thương.
Trọn ba năm bú nương sữa Mẹ,
Thân gầy mòn nào nệ với con,
Đến khi vừa được lớn khôn,
Mẹ cha dạy bảo cho con vỡ lòng,
Cho đi học mở thông trí tuệ,
Dựng vợ chồng có thế làm ăn,
Ước mong con được nên thân,
Dầu cho cha mẹ cơ bần quản chi […]”
Dù chưa một lần gặp cha nhưng tôi không hận người đã bỏ rơi mẹ con tôi. Vì nhờ có cha mà tôi có Mẹ, đó cũng là triết lý Duyên khởi của Đạo Phật, mọi sự vật đều tương đối, giới hạn, và phụ thuộc lẫn nhau: “Cái này có thì cái kia có; Cái này sinh thì cái kia sinh; Cái này không thì cái kia không có, Cái này diệt thì cái kia diệt”.
Từ Tam Pháp Ấn của Phật dạy về Vô thường – Khổ – Vô ngã, tôi nghiệm được, mọi thứ đều có Nhân – Quả, Phước Duyên của nó nên chưa từng oán trách số phận, sao mình không được đầy đủ cha mẹ như người ta, mà biết ơn vì được hưởng trọn tình Mẹ như “suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một”. Vào lúc phục nguyện, hồi hướng công đức đọc kinh, tôi gửi niệm lành đến đấng sanh thành, ông bà tiên tổ nhiều đời với tâm thành không phân biệt. Vì Phật giảng lý do Phật lạy xương khô trong kinh:
“Đống xương dồn dập bấy lâu,
Cho nên trong đó biết bao cốt hài.
Chắc cũng có ông bà cha mẹ,
Hoặc thân ta, hoặc kẻ ta sanh,
Luân hồi sanh tử, tử sanh,
Lục thân đời trước, thi hài còn đây
Ta lễ bái kính người tiền bối,
Và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa”.
Lúc trước, tôi thắc mắc, liệu Mẹ đã chuyển hoá được nỗi đau bị ruồng bỏ lúc mang thai và sinh con như thế nào. Mẹ tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc về cơ duyên đặt tên tôi. Hạnh là Pháp danh – tên dành cho Phật tử – của Mẹ, Mẹ ghép thêm từ Hiếu, rồi lấy họ nội và họ ngoại kết hợp với nhau. “Nếu Mẹ oán hận đến mất lý trí thì làm sao con có được họ tên như hiện nay”, Mẹ bảo.
Còn tôi sở dĩ tịnh hoá được tâm oán giận, buồn khổ là nhờ vào sức mạnh từ tình yêu thương của Mẹ, tình Mẹ nâng đỡ tôi trong cuộc đời này. Mẹ vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa xây nhà, vừa xây tổ ấm. Ngôi nhà mẹ xây được có diện tích 75 mét vuông là nhà tình thương của ngành giáo dục cấp cho mẹ khi tôi lên lớp chín, còn miếng đất mẹ vay tiền ngân hàng, trừ lương hàng tháng mua được trước đó vài năm.
Tôi vẫn nhớ hoài những ngày tháng tuổi thơ, trong khi các chị em bà con cùng trang lứa ai cũng có cả cha lẫn mẹ, có nhà riêng, còn tôi với mẹ ở ké nhà bà ngoại rồi ra khu nhà tập thể của trường mẹ làm việc ở tạm. Một người phụ nữ với một đứa con gái nhỏ, không có sự che chở của đấng mày râu, mẹ chỉ có một con đường là phải mạnh mẽ, bỏ ngoài tai những lời phán xét của gia đình và xã hội để bước tiếp.
Mẹ và tôi đã hoà làm một, tương tức với nhau, hoá chuyển hạnh phúc trong nhau, như tuỳ bút “Bông hồng cài áo” (tháng 8-1962) của Thiền sư Nhất Hạnh: “Ngày Vu lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa Mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cho Mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho Mẹ được tiêu diêu nơi Cực lạc, nếu Mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương Mẹ như thế là đủ. Thương Mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước, con thì phải có Mẹ, phải thương Mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương Mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương Mẹ. Con cần Mẹ, Mẹ cần con”.
Câu nào, chữ nào trong tác phẩm “Bông hồng cài áo” cũng làm tôi tâm đắc, nhất là đoạn này, Thầy ví von “Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có Mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ Mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ Mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì Mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm Mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có Đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức Mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì Mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có Đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức Mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi”.
Hạnh phúc cho mỗi người con nào còn được gọi hai tiếng thiêng liêng “Mẹ ơi!” bởi vì ta còn Mẹ là còn tất cả, và đừng ngần ngại bày tỏ niềm biết ơn và trao gửi đến Mẹ cử chỉ âu yếm yêu thương, đừng để muộn màng nói câu “phải chi…”.
Trần Lê Hiếu Hạnh
Tác giả đã từng làm nhiều việc như: biên tập viên – MC truyền hình, giảng viên, nghiên cứu viên, người viết báo, người viết kịch bản – lời bình – đạo diễn phim tài liệu chân dung; hiện nay đang khởi nghiệp với sứ mệnh là người đồng hành chuyển hoá nhân hiệu