Mây Thong Dong – Chúng ta mất một thời gian khá lâu để nhận ra được mấu chốt của câu chuyện Covid-19 nằm ở những ca bệnh nặng. Thay vì mất sức để huy động nhân lực cho hành trình cách ly, truy vết, thu dung một số lượng đông đảo F1 và F0 không triệu chứng, chúng ta nên tập trung cho bài toán làm sao để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của ca F0 nặng.
Ngay lúc này, hoạt động chống dịch phải rẽ sang một bước ngoặt mới hợp lý hơn.
Bài toán có nan giải?
Sự nguy hiểm của Covid-19 nằm ở những cá thể có đáp ứng miễn dịch quá mức với virus SARS-CoV-2, đưa đến một cơn bão cytokine nghiêm trọng, kéo theo đáp ứng viêm hệ thống và tổn thương đa tạng bởi chính các cytokine này. Một khi đã vào tổn thương tim, phổi do Covid-19, bệnh nhân phải có được sự hỗ trợ từ máy thở, thậm chí là hệ thống ECMO để thay thế tim, phổi và CRRT để lọc bỏ cytokine.
Bài toán nan giải ở chỗ số lượng ECMO và CRRT là có hạn, số ca nặng thì không lường trước được, do đó sự quá tải và thương vong là tất yếu.
Trong khi chờ đợi sự quá tải xảy ra, corticosteroid sẽ là một cứu cánh quan trọng để dập tắt đáp ứng viêm gây ra bởi bão cytokine. Đây là một hoạt chất luôn có sẵn, ức chế diện rộng đáp ứng viêm, nhưng cũng kèm theo nhiều tác dụng phụ khó lường. Nhiều người lo ngại về thời gian kéo dài đáp ứng thanh thải virus khỏi cơ thể, đưa đến nguy cơ vẫn còn virus lây lan ra cộng đồng sau khi điều trị. Tuy nhiên, nếu cân nhắc kỹ giữa lợi và hại thì chúng ta vẫn sẽ tìm ra được đúng đối tượng và đúng thời điểm sử dụng.
– Thời điểm sử dụng corticosteroid cho Covid-19 được WHO khuyến cáo là khi các bệnh nhân bắt đầu có nhu cầu cần cung cấp oxy nhân tạo, nghĩa là bệnh vẫn còn khu trú tại phổi nhưng sắp tạo ra đáp ứng viêm toàn thân. Khi đó, corticosteroid cần đi trước cơn bão cytokine một bước, trước khi nó bùng lên mạnh mẽ tại các tạng. Thời gian này cực kỳ ngắn, những ngày đầu tiên kể từ lúc nhiễm SARS-CoV-2 là những ngày sẽ xuất hiện dấu hiệu trở nặng, do đó cần theo dõi chặt chẽ. Nếu qua thời gian này (theo Bộ Y tế là 10 ngày) mà F0 vẫn ổn định thì đó là những F0 có tiên lượng tốt và không còn khả năng lây lan. Hãy nhớ số F0 tốt này là hơn 80%. Và thời gian cần theo dõi chặt là những ngày đầu tiên ủ bệnh sau khi nhiễm virus.
– Đối tượng để theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng đưa vào điều trị với corticosteroid là những bệnh nhân F0 có nguy cơ cao trở nặng. Vấn đề của bài toán nằm ở đây, vậy họ là ai?
Họ là những người lớn tuổi hoặc có các bệnh mạn tính sẵn như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, bệnh mạch vành… Vì sao? Thứ nhất, đây là những đối tượng đã có sẵn một lượng cytokine viêm trong cơ thể của họ do chính bệnh mạn tính gây ra. Thứ hai, chức năng của các cơ quan nội tạng đã hao mòn sẵn vì bệnh mạn tính, nên nếu các cơ quan này bị tấn công thêm chỉ một ít thôi thì cũng giống như giọt nước đã tràn ly.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân hút thuốc lá hoặc có nguy cơ cao mắc tổn thương phổi (làm nghề phun thuốc bảo vệ thực vật, hen, COPD, có tiền căn lao…) – cũng là nhóm đối tượng cần theo dõi thường xuyên trong những ngày đầu. Béo phì cũng là một đầu mối quan trọng của câu chuyện tổn thương tạng trên người không có bệnh nền.
Do vậy, việc theo dõi các bệnh nhân F0 lớn tuổi và có bệnh nền chặt chẽ trong những ngày đầu tiên là việc rất cần thiết để giúp xác định đúng thời điểm trở nặng và cân nhắc liệu pháp cortiosteroid. Nếu đánh mạnh vào hướng này, chúng ta có thể làm nhẹ gánh bớt cho sự chăm sóc ICU bằng ECMO và CRRT ở tuyến cuối. Bài toán cân bằng giữa số ca F0 nặng và số thương vong kết cục sẽ được phần nào tìm ra lời giải.
Làm gì khi chưa có vắc xin hiệu quả và thuốc đặc trị?
Dễ dàng nhận ra được, để phòng chống sự lây lan cộng đồng thì một vắc xin hiệu quả là không gì thay thế, còn để điều trị các ca nặng tránh tử vong thì thuốc đặc trị virus là số một. Nhưng cả 2 chúng ta đều chưa có.
Trong hiện tại, chúng ta phải cúi đầu chấp nhận sự thật rằng thế giới chưa có trong tay một vắc xin hiệu quả như ý muốn hay một thuốc đặc trị ức chế virus SARS-CoV-2 đúng nghĩa. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có lối thoát. Chúng ta đúc kết kinh nghiệm xương máu từ những người anh em trên thế giới để tập trung nhanh chóng vào 2 vấn đề mũi nhọn:
(1) Để phòng lây lan hiệu quả thì sử dụng khẩu trang y tế và 5K. Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản, và sự thất bại trong thời gian qua đã chứng minh cho điều đó. Chúng ta cần dốc sức hơn nữa, nhất là về mặt truyền thông để đẩy cao ý thức của toàn dân. Thay vì chạy những quảng cáo như nhà tôi ba đời bán thuốc chuột, hãy thay bằng nhà tôi ba đời bán khẩu trang y tế chất lượng cũng được. Đó mới là truyền thông chân chính.
(2) Để giảm số ca nặng cần chăm sóc y tế chuyên sâu thì theo dõi chặt chẽ những đối tượng nguy cơ cao trong những ngày đầu sau nhiễm virus, lựa chọn đúng thời điểm và lợi ích để sử dụng liệu pháp corticosteroid. Về lâu dài cần đầu tư phát triển thêm phương tiện và nhân lực chăm sóc chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối. Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của ngành y tế, của các nhân viên đang chăm sóc bệnh nhân F0 tại các cơ sở điều trị.
Trong khi chờ đợi vắc xin và thuốc đặc trị thật sự ra đời, hãy tự đứng lên bằng những phương tiện vô cùng hiệu quả mà chúng ta có sẵn. Có như vậy thì phương châm vừa chống dịch vừa làm kinh tế mới có thể xúc tiến thuận lợi, an định được lòng người, và sớm bước chân ra khỏi sự mù mịt hiện tại.
ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM)