Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Hiểu về hệ thần kinh một cách đơn giản…

(MTD) Cho dù cấu trúc có tinh vi và phức tạp đến đâu thì hệ thần kinh cũng đều hướng đến 2 mục đích duy nhất là cảm giác và vận động.

Chính việc dạy và học giải phẫu theo vùng đã làm phức tạp thêm quá trình hiểu về hệ thần kinh một cách không cần thiết. Giải phẫu theo vùng rất quan trọng với các bác sĩ y khoa đang theo học chuyên ngành ngoại khoa (phẫu thuật viên), nhưng đối với sinh viên mới bước đi chập chững thì rất không phù hợp để ứng dụng cho sinh lý chức năng hay bệnh học lâm sàng.

Cảm giác và vận động là hai bộ phận không thể tách rời của một phản xạ. Khi mở rộng những khái niệm về cảm giác và vận động, chúng ta sẽ có nhận thức và hành vi. Nhận thức chính là hình thức cao cấp nhất của cảm giác, được tạo ra khi các cảm giác lặp đi lặp lại nhiều lần và tạo thành trí nhớ dài hạn, lưu trữ trong kho dữ liệu của hệ viền.

Hành vi chính là hình thức cao cấp nhất của vận động, được tạo ra khi các kích thích cảm giác được đưa vào đối chiếu với kho nhận thức phong phú đã hình thành trước đó trong quá khứ. Những hành vi lặp đi lặp lại lâu ngày được sự chỉnh sửa hoàn thiện từ các hạch nền và những bộ phận khác của hệ vận động ngoại tháp sẽ trở thành kỹ năng trong các lĩnh vực cụ thể, nếu nhiều cá thể đạt được những kỹ năng giống nhau sẽ trở thành tập tính. Chúng ta sẽ thấy vai trò di truyền của những hoạt động vận động như đàn hát, hội hoạ, ngôn ngữ… rất mơ hồ…, khả năng cao là vì được tiếp cận sớm với những hoạt động này trong các gia đình có bề dày truyền thống nên con người có cơ hội tập luyện kỹ năng và phát triển các đường dẫn truyền thần kinh tương ứng (như dây XII chi phối cho các cơ phát âm tại lưỡi, đám rối cánh tay chi phối cho các cơ lao động tinh vi tại bàn tay…). Những đường dẫn truyền hình thành sự cảm nhận và kỹ năng càng sớm thì khả năng điêu luyện trong các lĩnh vực càng cao…

Chúng ta sẽ trở lại với chức năng của bộ não. Nếu như tại tủy sống, sự phân chia vai trò của các neuron rất rõ ràng như: sừng trước đảm nhận vận động tự ý, sừng sau đảm nhận cảm giác, sừng bên đảm nhận vận động tự động… thì cấu trúc phức tạp của bộ não lại làm ta bối rối. Hãy xem xét bộ não từ thấp lên cao:

– Não sau và não giữa: hợp thành phần thấp của bộ não với thân não (trung não, hành não, cầu não) và tiểu não. Tiểu não là bộ phận chịu trách nhiệm xử lý tín hiệu từ cảm giác thoi cơ đưa về, thông qua đó điều chỉnh vỏ não vận động cho phù hợp với trương lực cơ và vị trí các cơ hiện tại. Thân não đảm nhận hai chức năng riêng biệt: (1) chức năng tiếp nối của tủy sống chi phối cho đầu mặt cổ và (2) chức năng điều hoà của cấu trúc trung ương cao hơn tủy sống.

Ở chức năng tiếp nối tủy sống, có các dây thần kinh sọ chi phối cho đầu mặt cổ (trừ các dây giác quan như I, II, VIII) tương ứng với 31 đôi dây thần kinh tủy chi phối  cho tay chân thân mình. Thay vì tổ chức thành các sừng xám như tủy, thân não tổ chức thành các nhân xám tách biệt chi phối vận động tự ý cho 4 nhóm cơ chính (dây VII vận động cơ mặt tạo cảm xúc, dây vận nhãn III-IV-VI và dây phụ XI vận động nhãn cầu và xoay đầu nhằm phục vụ cho thị giác, dây V3 vận động cơ nhai, dây XII vận động cho cơ phát âm tại lưỡi), chi phối cảm giác thân thể (dây V cho mặt, dây X cho các tạng), chi phối vận động tự động (dây III cho đồng tử và thủy tinh thể, dây VII-IX cho các tuyến lệ và nước bọt, dây X cho các tạng).

Ở chức năng điều hoà của trung ương, thân não đóng góp các cấu trúc: nhân đỏ, củ não, nhân tiền đình, hệ thống lưới. Các nhân này thường đóng vai trò là neuron trung gian cho các phản xạ thân não (phản xạ đồng tử ánh sáng, phản xạ tiền đình mắt, phản xạ tiền đình tủy…), đồng thời tham gia vào chức phận vận động ngoại tháp (điều chỉnh trương lực cơ và sự co cơ tự ý). Hiểu như vậy thì mới rõ tủy sống và thân não chính là sự tiếp nối, dễ dàng hiểu sâu hơn về hoạt động của thân não.

Nguồn ảnh: Ths.BS Lê Quốc Tuấn cung cấp

– Não trước: bao gồm đại não và gian não. Gian não gồm đồi thị và các cấu trúc xung quanh (như hạ đồi, dưới đồi, sau đồi). Rõ ràng đồi thị được cấu tạo chính yếu bởi các nhân chuyển tiếp, bao gồm nhóm nhân trước đảm nhận vận động (VA, VL) và nhóm nhân sau đảm nhận cảm giác (VP cảm giác thân thể, thể gối trong cảm giác thính giác, pulvinar và thể gối ngoài cảm giác thị giác). Nguyên tắc vận động phía trước và cảm giác phía sau luôn hiện diện phổ biến tại các cấu trúc trung ương.

Trong não trước, đồi thị và vỏ não như là bộ phận nhất thể đồng tâm, thường xuyên đối ẩm cùng nhau qua các dải đường truyền tương ứng. Việc này được coi như là vỏ não đang trò chuyện cùng chính nó thường xuyên để đưa ra sự xử lý hoàn chỉnh nhất có thể. Đại não gồm vỏ não và các cấu trúc dưới vỏ. Bề mặt vỏ não có 2 rãnh lớn là rãnh ngang và rãnh dọc để tách vỏ não ra 2 phần tương ứng là phần vận động và hành vi ở phía trước (thùy trán), phần cảm giác và nhận thức ở phía sau và phía dưới (thùy đính, thùy chẩm, thùy thái dương, thùy đảo, hành khứu).

Các phần cảm giác quan trọng nhất ở người là vùng cảm giác thân thể tại thùy đính, vùng cảm giác thị giác tại thùy chẩm, vùng cảm giác thính giác tại thùy thái dương. Giữa 3 vùng này là vùng cảm giác liên hợp để xử lý các tín hiệu đưa về theo 2 con đường “WHERE” và “WHAT”. Đường “WHERE” đi từ cảm giác liên hợp ra phía trước về phía thùy trán (dorsal stream) để xử lý cảm nhận không gian về đối tượng kích thích và kết nối vận động tương ứng với kích thích cảm nhận được.

Đường “WHAT” là đường hội tụ các cảm giác phía dưới và vào trong (ventral stream) để về hệ viền cùng với cảm giác vị giác ở thùy đảo và cảm giác khứu giác ở hành khứu. Chính đường “WHAT” đã đưa cảm giác tức thời vào hệ viền để hình thành trí nhớ, nếu lặp lại nhiều lần sẽ tạo trí nhớ dài hạn và kho dữ liệu nhận thức phong phú. Một điều dễ hiểu về vùng cảm giác liên hợp này là nó bao gồm cả vùng “Wernicke” để hiểu ngôn ngữ trong đó, nghĩa là ngôn ngữ cũng là một loại cảm giác cao cấp được cảm nhận bằng đa giác quan (thị, thính, sờ tinh vi).

Đối trọng với vùng hiểu ngôn ngữ là vùng “Broca” hay vùng phát âm để điều phối nhân XII chi phối vận động cơ lưỡi. Hiểu một cách giản đơn nhất thì Broca chính là vùng vận động ngôn ngữ nằm trong thùy trán (cạnh bên vùng vận động chính cho đầu mặt), còn Wernicke chính là vùng cảm giác ngôn ngữ nằm trong phần sau của vỏ não. Khi tổn thương 2 vùng này sẽ có tình trạng thất ngôn biểu đạt (đối với Broca) và thất ngôn tiếp nhận (đối với Wernicke).

Bên dưới vỏ não sẽ có các hạch nền dưới vỏ (bèo sẫm, cầu nhạt, nhân đuôi, chất đen…) đảm nhận chức năng vận động ngoại tháp, chỉnh sửa và lập kế hoạch cho lệnh vận động ở vỏ não vận động tại thùy trán, giúp vận động chính xác (không sai hướng, sai tầm) và hình thành các vận động kỹ năng. Các hạch nền dưới vỏ thường xuyên liên lạc với hệ viền để hình thành phức hợp nhận thức-hành vi theo những công thức, giúp vỏ não xử lý cảm giác và vận động theo kinh nghiệm một cách nhanh nhất và hoàn hảo nhất…

Thế đó, thần kinh vẫn chỉ gồm cảm giác và vận động ở tất cả các cấp độ cấu trúc và hoạt động. Dù có tinh vi thế nào thì mục đích đầu tiên, mãi mãi và duy nhất của hệ thần kinh trong sinh giới vẫn là cảm giác và vận động, nâng lên vô hạn sẽ thành nhận thức và hành vi… Luôn bám vào đây để tìm hiểu về chức năng sinh lý và hoạt động bệnh lý thần kinh thì sẽ không bao giờ bị lệch hướng và sai đường…

ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

maythongdong.vn
Bảo Trầm – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!