Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Không phải đợi đến khi nếm trải rồi mới nhận ra

Tháng Bảy, mùa Vu lan – Báo hiếu. Tôi vẫn thường đi đến các chùa tham dự lễ cài hoa hồng trong dịp tháng Bảy Vu lan. Buổi lễ nào cũng vậy, hình ảnh dễ nhận thấy nhất chính là sự xúc động và nước mắt của những người tham dự.

Có những cụ già run run đôi tay, tóc trắng xóa với lưng còng, chân đi chậm, áo tràng xộc xệch vì gầy đét nhưng giây phút cài hoa hồng cũng rưng rưng, ép cho nước mắt (còn sót lại đâu đó) chảy ra. Và có những em bé, khi chưa vào lễ thì chạy nhảy, vô lo, cười tươi rói nhưng đến lúc nghe bài đọc cảm tưởng về ơn cha, nghĩa mẹ cũng không nén được lòng mình. Nước mắt cứ vậy tự chảy…

Thực ra, ngay cả con trai cũng không kiềm được lòng mình. Có khi tôi cũng khóc. Và những chàng trai khác, những bác Phật tử trung niên cũng rươm rướm khi nghe thầy giảng về tình mẹ trong những ngày mình ấu thơ… Hình như, tình thương dành cho đấng sinh thành có sức lay động sâu lắng nhất, khiến người già người trẻ, thanh niên, phụ nữ chi cũng dễ rơi nước mắt một cách chân thành.

Nước mắt mùa Vu lan vì thế không phải là bi lụy. Tháng Bảy vì thế trở thành tháng ôn nhắc yêu thương để ta tìm về hai người thân thương nhất, là ba là mẹ để khóc òa như trẻ nhỏ.

Sao cụ khóc khi dự lễ? Có lần tôi hỏi một cụ Phật tử ngoài 80. “Tại thương mẹ quá, giờ mẹ không còn, cha cũng đã thành người quá vãng. Nhưng ký ức về cha mẹ thì vẫn còn hoài, dẫu lúc nhớ lúc quên”, cụ kể trong khuôn diện móm, méo của tuổi già.

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Ai đó đã viết hai câu thơ đọc lên nghe tròn vành mà thấm thía. Lòng mẹ có bao giờ ngừng dõi theo con đâu?

Tôi biết, có những bà mẹ quê mình, gần 70 tuổi vẫn còn lo cho con bằng cách nhận về trách nhiệm giữ cháu. Có khi để nhà ở quê (không ai chăm) rồi lặn lội vào Sài Gòn hay ra Đà Nẵng để lo cho cháu nội, cháu ngoại còn nhỏ. “Tội nghiệp, tụi nó đi làm, không ai lo cho cháu. Gửi nhà trẻ thì không yên tâm”. Lo vậy nên theo vào dù “ở quê sướng hơn”.

Tôi từng nghe cô Ba, mợ Bảy, dì Hai… ở khắp các miền quê sẻ chia với mình: “Thiệt sự, không đâu sướng như ở quê. Tuy nghèo mà bình yên. Với lại ở quê có bà con lối xóm, sáng ra chạy qua nhà này nhà nọ chơi cũng đỡ buồn. Vào đây tuy ăn uống đầy đủ hơn, nhưng con cái sáng ra đi hết, ở nhà phải đóng cửa kín mít, chăm cháu cả ngày cũng mệt mỏi lắm”. Rồi thì: “Chừ chân đau, cái tay nhức chịu không nổi nhưng cũng ráng ẵm bồng cháu đi quanh quanh khu trọ, chạy theo canh khi cháu chạy dọc hành lang chung cư, nhiều lúc thở muốn hết hơi”…

Vậy đó, nhưng rồi cũng đi. Có một cuộc “di cư” mà người già phải tiếp tục “lựa chọn” vui vẻ vì con cháu mình – xa môi trường sống quen thuộc – nhưng đôi khi con cái không hề hay biết hoặc nghĩ như vậy là tốt hơn cho ba mẹ mình.

Đầu tháng Bảy, tôi có dịp trò chuyện với một vị thầy ở Đắk Lắk – Đại đức Thích Nguyên Huấn, trưởng ban trị sự Phật giáo TP.Buôn Mê Thuột, thầy có nói ý này. “Nhiều khi con cái muốn ba mẹ có điều kiện vật chất tốt hơn, gần gũi để dễ chăm sóc hay dễ chăm con mình rồi đón lên thành phố. Nhưng nào biết, ông bà đâu có vui thích bằng ở quê, đâu có hiểu nỗi cô đơn của ba mẹ khi ở một mình giữa những bức tường lạnh giá khi chờ đợi con cái đi làm về. Tất cả những sự lạ lẫm ấy người già khó thích nghi”, thầy nói như rút ruột.

Tôi nghe chạnh lòng và nghĩ cũng đúng quá. Có nhiều những mối mâu thuẫn trong đời sống hiện đại. Khoảng cách thế hệ ngày xưa nói dài nhưng cũng không dài bằng thời đại ngày nay. Có những người bạn của tôi, mới 40 tuổi đã cảm thấy hoang mang khi không hiểu con mình, không biết dạy con sao cho đúng. Hẳn, hồi xưa ba mẹ mình cũng hoang mang như vậy.

Hoa hồng nhắc nhớ hiếu-ân

Cũng trong cuộc trò chuyện dịp tháng Bảy, chị Hoàng Tuyết Mai, một chuyên gia trị liệu bằng chuông xoay, doanh nhân tại TP.HCM bày tỏ: “Khi là mẹ của ba đứa con, đặt mình vào vai ba mẹ của mình một cách trọn vẹn tôi mới hiểu hết lo lắng của ba mẹ ngày xưa, nhất là với con gái”. Hồi còn trẻ, chị Mai nghĩ ba mẹ mình khó tính, cái gì cũng không cho, cũng cấm. “Giờ mình có con gái rồi tự dưng lại thấy lo và phải khó để giữ cho con mình thật an toàn, an lành”, chị nói.

Hiểu và thương bố mẹ vì thế luôn là vấn đề mà những người con cần phải lắng nghe, đặt mình vào vị trí ba mẹ. Có khi, đó là việc phụng dưỡng, có lúc đó là khi đối diện với sự giáo dục nghiêm cẩn của gia đình. Có thể, ông bà không cần nhiều vật chất như mình tưởng, ông bà cần một môi trường sống thân thuộc, là quê hương, là bà con chòm xóm chứ không phải là chung cư hơn 70m2 nhưng đến 4-5 tỉ đồng đầy đủ tiện nghi của mình. Và, đó có thể là câu chuyện dạy con đừng quá buông lung, đừng có coi thường bản thân mình mà vội vàng trong các mối quan hệ… Những khó khăn của ba mẹ, nếu hiểu ta có thể thương rất nhiều.

Quan trọng, không phải đợi đến khi nếm trải rồi mới nhận ra. Tất nhiên, trải nghiệm là cơ hội tuyệt vời để thấy được bài học hay giá trị nào đó của cuộc sống. Nhưng, con người, ngoài trải nghiệm thì quan sát, tư duy cũng là một cách để có thể chạm vào tình thương có hiểu biết, để thương đúng, thương sâu, và để báo hiếu không sai lầm…

Lưu Đình Long

  • Xem bài đăng trên báo Phụ nữ TP.HCM tại đây

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn

Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!