(MTD) Bức ảnh này chụp mười năm trước, khi tôi đang là phóng viên báo Giác Ngộ. Khi đó, tôi viết bài “Chuyện đời như nước chảy hoa trôi…” – lấy ý thơ của cô để chia sẻ góc nhìn nhỏ của mình nhân “đại địa chấn” gây ra sóng thần ở Nhật (vào ngày 11-3-2011).
Cô đọc được bài và gọi lên tòa soạn, “cho cô gặp Mạnh Khôi” (bút danh của tôi), và cô đã chia sẻ về bài thơ, cô cảm ơn vì đã cảm mến ý thơ, trích dẫn vào bài hợp hoàn cảnh, gửi gắm ý pháp cho bạn đọc của báo.
Từ đó, cô hay gửi sách và thơ cho tôi, đôi lần kêu tôi đến nhà riêng để nói chuyện… thơ, chuyện tu, với những bậc chân tu ở Huế cô được gặp, cùng Vĩ Dạ yêu thương. Tôi nghe và rất thích.
Trong câu chuyện của mình, cô kể nhiều đến thân sinh là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị cùng thân thế hoàng gia triều Nguyễn mà cô là quận chúa.
Cô cũng kể và dành tình cảm đặc biệt cho người cô gọi bằng người anh quý mến của mình là GS Trần Văn Khê – người vừa được kỷ niệm 100 năm ngày sinh cách đây vài hôm. Thầy Khê đã về cõi an lành, nay cô cũng ra đi, khép lại hành trình một cuộc đời từ con cháu của hoàng thân quốc thích đến vị trí “nữ sĩ” mà nhiều người trân trọng gọi cô.
Cô sáng tác nhiều thơ và có nhiều bài trở thành bài học để bao người nghiệm suy, tụng đọc để răn nhắc chính mình, ví dụ như “Còn gặp nhau”. Cô viết:
“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời”.
Tất nhiên, để sống được vậy không phải là chuyện dễ, nhưng có lẽ, với quận chúa Hỷ Khương, sau những thăng trầm thời cuộc, cô đã làm được việc đó. Và vì đã để chuyện đời “như nước chảy hoa trôi” nên nữ sĩ ngộ “Lẽ vô thường”:
“Biến thiên là lẽ vô thường
Cuộc đời như giấc mộng trường đó thôi!
Quên buồn, đổi lấy niềm vui
Cho non sông ấm nụ cười tao nhân”
Ở tuổi xưa nay hiếm, xương khớp nhức đau, mọi thứ lão hóa theo thời gian, cô dặn mình và bạn bè:
“Đến tuổi này không đau mới lạ,
Chuyện ốm đau là chuyện bình thường,
Chỉ cầu mong Phật độ Trời thương,
Đau ít ít nhưng nhà thương đừng đến…”
Và rồi theo lẽ vô thường, cô Tôn Nữ Hỷ Khương cũng rời nhân gian để về với cõi an lành hơn, nhẹ nhàng như thơ và cốt cách của người làm thơ.
Con kính chào cô. Con kỉnh ơn cô đã kết nối, bắt đầu từ một bài báo của mười năm. Cô đi an lành ạ.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 4h sáng nay (24-12) vì tuổi cao sức yếu, nhiều bệnh nền và sau hơn một tháng nằm viện do xuất huyết dạ dày.
Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương tên đầy đủ là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1935 tại Vỹ Dạ – Huế, là ái nữ của nhà thơ nổi tiếng Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Trước năm 1975, nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương đã nổi tiếng trên văn đàn miền Nam với giọng thơ hoài cổ và tinh thần nhân ái phương Đông.
Lưu Đình Long