Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Làm từ thiện cần có quy trình?

Từ thiện là hoạt động, ý niệm sẻ chia, nghĩa cử đẹp ngàn đời của con người nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng.

Minh chứng cho tinh thần ấy, cha ông ta đã đúc kết thành lẽ sống “lá lành đùm lá rách”, hay “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Giúp người đang khổ là từ tâm, tự nguyện. Nhưng sâu xa, thực ra cũng là đang giúp mình trên một vài phương diện. Thực tế, ta sẽ rất khó an ổn để sống ích kỷ cho bản thân khi đồng loại, đồng bào, hàng xóm, người thân của mình gặp nạn tai, khó ngặt, nhất là trong tình cảnh bệnh tật ập đến bất ngờ.

“Của ít lòng nhiều” là tinh thần “góp gió thành bão” trong những cuộc vận động từ thiện, nhất là khi đất nước của mình vốn nhiều thiên tai, lũ lụt, người dân của mình còn nghèo.

Tinh thần sẻ chia trong dòng chảy cuộc sống khiến con người ta cảm thấy ấm lòng hơn khi cả xã hội luôn biết giúp đỡ nhau để không ai bị bỏ lại phía sau. Từ thiện vì thế không chỉ giúp người bớt khổ mà còn an ủi lòng mình trước nỗi đau bên cạnh. Có thể sự giúp đỡ của mình không đủ để người khác vượt qua dông bão, nhưng ít nhiều cũng cho họ gượng qua một đoạn. Và quan trọng hơn, lòng mình không bị trơ trước nỗi đau, hoặc không bị day dứt khi lướt qua vô tình, vô tâm để rồi hối tiếc về sau.

Từ thiện, cứu người, đâu đó cũng là tạo nên thành trì bình an bảo hộ cho chính mình và gia đình mình. Biết đâu đó, nhờ hành động sẻ chia của mình mà người không lâm cảnh đường cùng, và không dẫn tới những hành động kiểu “bần cùng sinh đạo tặc”.

Ở nghĩa nhân quả sâu xa, những cuộc sẻ chia từ tâm, không vụ lợi, xuất phát từ tình thương sâu sắc đến đối tượng mình hướng đến chính là một cách trồng cội lành. Đã gieo nhân-duyên thiện thì đương nhiên sẽ gặt về quả tốt, không đời này cũng kiếp khác.

Trong nhiều lời dạy thực hành từ bi, Đức Phật cũng nhấn mạnh đến việc sẻ chia, giúp người trong điều kiện có thể của bản thân. Thậm chí, trong đời sống hàng ngày, mỗi người cần phân chia tài vật kiếm được một cách cụ thể cho đời sống hiện tại và tương lai.

Cụ thể, trong Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1283, Đức Phật dạy:

Mới học nghề nghiệp khéo

Tìm cách gom tài vật

Được tài vật kia rồi

Phải nên phân làm bốn.

Một phần tự nuôi thân

Hai phần cho doanh nghiệp

Phần còn lại để dành

Nghĩ đến người thiếu thốn.

Từ bài kinh này, có thể thấy Đức Phật dạy rất kỹ, Ngài dặn, tài sản do mình làm ra cần được chia thành bốn phần. Một phần tư tài sản để chi tiêu cho cuộc sống, bao gồm tiêu xài, chăm sóc sức khỏe, lo ăn uống, mua sắm các tiện nghi để phục vụ cho đời sống. Tiện tặn, keo kiệt với bản thân và gia đình là điều không nên. Hai phần tư của khối tài sản cần để đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh. Nếu không dành dụm để đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh thì sẽ khó có cơ hội phát triển. Một phần tư tài sản còn lại được để dành phòng khi ốm đau hoặc bất trắc; một phần của khoản để dành này có thể đem cúng dường, bố thí, giúp người cùng với các chi phí giao tế khác.

Ứng dụng lời dạy này, đệ tử của Phật đã dốc lòng sẻ chia theo hạnh dấn thân của người tu đạo giải thoát – hành Bồ-tát đạo: sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ.

Tất nhiên, từ thiện hay bất kỳ việc làm nào trong nhà Phật cũng đều cần bi và trí dẫn đường. Nếu không có từ bi thì đôi khi việc từ thiện mà mình tham gia cũng chỉ để đánh bóng bản thân, phục vụ cho cái tôi, bản ngã, phô trương… Khi đó, ta dễ biến đối tượng mình hướng tới thành “công cụ” để mình thực hiện ý đồ thổi phồng bản ngã mà thôi. Điều này không những không có công đức, ngược lại còn kéo đời sống tinh thần, tâm linh của mình đi xuống.

Còn trí tuệ trong việc thiện, đó chính là quán sát việc nào thật thiện, chương trình hay hoạt động nào đúng chánh pháp để tham gia chứ không phải cứ thấy hình thức từ thiện rồi đóng góp một cách mù quáng.

Ngoài góp sai cho đối tượng (giả bệnh, không đáng giúp hay chưa cần giúp) thì việc thiếu kiểm chứng thông tin kêu gọi đôi khi khiến ta chuyển nhầm vào tài khoản lừa đảo. Hiện nay, việc mượn danh nhà sư, chùa chiền, tổ chức từ thiện để kêu gọi từ thiện rất nhiều, ít bữa lại nghe cảnh báo trên phương tiện truyền thông đại chúng. Số thông tin đăng cảnh báo công khai không đầy đủ vì nhiều cá nhân, tổ chức đã cho qua, hoặc không thông tin rộng rãi nên thực tế còn nhiều hơn vậy.

Trở lại với việc từ thiện, nhất là những ồn ào mới nhất từ cuộc vận động của TikToker Phạm Thoại, liên quan đến số tiền đóng góp hơn 16 tỉ đồng cho một bệnh nhi, có thể thấy, một khi làm từ thiện theo kiểu phong trào, không có một quy trình chuẩn thì rất dễ dẫn đến những sai sót, hệ lụy, điều tiếng…

Sự hoài nghi của cộng đồng hoàn toàn có cơ sở, có lý và tình. Những người trong cuộc có thể trong sạch nhưng khi quy trình vận động, giải ngân của anh không đúng, không kịp thời… thì mọi giải trình chỉ như “đổ dầu vào lửa”.

Làm từ thiện là công việc tự do nhưng cũng cần được chuẩn hóa bởi các quy định pháp luật bên cạnh quy chuẩn đạo đức làm người, niềm tin dành cho nhau.

Một khi đã có quy trình chuẩn thì dù cá nhân hay tổ chức, khi tiến hành vận động từ thiện cũng đều đảm bảo tính minh bạch và xóa nghi ngờ nơi cộng đồng. Khi ấy, người tổ chức không phải nơm nớp lo rằng làm việc này liệu có xảy ra sự cố gì không, còn người trao cũng dõi theo dòng tiền/ quà mình đóng góp và an tâm rằng nó đã đến đúng “địa chỉ” mình hướng tâm.

Lưu Đình Long

* Xem bài gốc tại đây.

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn.

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!