Hồi Tết rồi tôi đã đề nghị như vậy khi thấy má bận rộn đủ thứ chuyện mà còn lo ăn uống cho hai ba con tôi, rồi quét dọn nhà cửa, cúng kính, tụng kinh cầu an, sám hối…
Má bảo, Tết mệt nhứt là khoản nấu ăn, dọn cúng. Nhà tôi neo người nên mọi việc đa phần dồn lên vai, lên tay má. Có mấy cái Tết, vì quá cực, má đổ bệnh, rồi cả nhà cũng bớt vui. Nghĩ cảnh ấy, tôi đề nghị “năm nay cúng đơn giản thôi, phần nấu cúng để con lo cho, rủi ông bà có không ưng, quở trách chi con chịu trách nhiệm”. Má cười, rồi nói, “ông bà nào trách con cháu chuyện đó, chỉ là mình thấy cho vừa mắt, muốn trang nghiêm nên nấu nướng nhiều thôi”. Nhưng rồi má cũng đồng ý, có lẽ vì má cũng nghe báo, đài, truyền thông, mạng xã hội nói nhiều đến vui Tết đúng nghĩa, không để Tết mệt.
Có vào bếp rồi mới thấy, việc nấu nướng để có một mâm cúng hay chăm chút cho món ăn thực sự chỉn chu, vừa đẹp vừa ngon như má không dễ. Năm nay, vườn nhà không có mít non nên má không làm một nồi mít kho chay ngon lành và bắt cơm như năm nói. Tôi gửi má thực đơn của “đầu bếp đẹp trai nhứt nhà” – là tôi – với món đậu hũ kho nấm, nước dừa và trứng gà luộc, một món chay tôi học được từ một người bạn ở miền Tây. Má kêu cứ làm đi, để má chấm điểm. “Mai mốt má già, chân yếu, tay run thì con cũng phải làm mấy chuyện ni, làm trước cho quen”, má nói. Nghe xong, tôi chùng một nhịp, bỗng nhìn đôi tay gầy của má, nhiều vết đồi mồi và cũng đã run run.
Tôi khỏa đi nhịp lắng ấy bằng giọng vui vẻ: “Má yên tâm, ngó vậy chớ con nấu cũng được lắm đó”. Rồi tôi loay hoay vào bếp. Cậu con trai lên 6 tuổi của tôi cứ chạy vô, chạy ra hỏi, “phụ chi không ba”, dù chưa làm được gì nhưng nghe vậy cũng thấy ấm lòng. Xong, bạn nhỏ cứ một hai phong tặng danh hiệu “nội con nấu ngon nhứt” khiến má vui theo, cười tủm tỉm. Căn bếp bỗng ngập tình thương trong những ngày đầu năm mới.
Tôi đi xa má hơn 20 năm. Có những bữa má bệnh, cũng ráng dậy nấu cháo rồi tự ăn, tự uống thuốc. Tôi hay hỏi thăm má nhiều nhứt là chuyện sức khỏe, nếu không có tôi về hay lúc chưa có cháu hủ hỉ, má vẫn hay ăn uống qua loa, cho qua bữa. “Chứ nấu chi cho ê hề ra, có mình má ăn răng cho hết”, má nói vậy nên tôi chỉ biết… bó tay, dặn đi dặn lại điệp khúc cũ, “thì có chi má cũng nấu ăn đầy đủ xíu chứ ăn chay mà kiêng khem, không chịu nấu nướng, ăn cho đủ chất là dễ bệnh lắm đó”. Má lại cười rồi bảo, “yên tâm”!
Lâu lắm rồi tôi mới trở thành bếp chính suốt mấy ngày Tết. Má chấm điểm khá, “vị ăn cũng được nhưng má thấy cần nêm nếm thêm chút bột nêm, chút muối…”. Má chỉ cách má hay nấu, quả thiệt má nêm lại ra vị khác hẳn liền. Tôi chống chế, con ngồi máy vi tính miết, lâu lâu nấu vậy là 10 điểm rồi, má cho điểm quá “keo”. Rồi hai má con cùng cười. Góc nhà lại tràn ngập yêu thương.
Ngày của mẹ được ấn định là Chủ nhật thứ hai trong tháng 5. Chuẩn bị quà cho người phụ nữ mình thương diễn đàn sôi nổi trong những dịp như thế này. Yêu thương nào cũng cần được nói ra, biểu hiện bằng thực tế. Đó có thể là lắng lo, chia sẻ, một phần quà dễ thương, bất ngờ, hợp túi tiền, đúng ý người thân, thương. Và đó cũng có thể là bữa ăn tự nấu, để ta vừa trải nghiệm công việc thường ngày mà người phụ nữ mình thương vẫn làm cho mình và cả gia đình. Để rồi ta nhận ra, ở mỗi bữa cơm ngon là biết bao tâm sức, đó không chỉ là thao tác nhanh, chậm, nêm nếm vừa ăn hay không mà còn là tình thương gửi gắm. “Nếu cho tụi con ăn, nhìn hai ba con ăn ngon là má không thấy mệt”. Trên hết là sự hiện diện của người ấy, họ vẫn còn khỏe để gian bếp yêu thương của nhà mình vẫn đỏ lửa, để mỗi khi quay về mình hít hà mùi thức ăn quen thuộc và biết ơn.
Tấn Khôi
* Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ, xem tại đây
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn