Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Minh sư nơi nào?

Từ ngàn xưa, dù trong đạo nào, khi bắt đầu có nhu cầu tâm linh, người ta sẽ có ý niệm kiếm tìm minh sư để gửi gắm cuộc đời tu hành của mình.

Với người học Phật, “Trưởng ngộ minh sư/ chánh tín xuất gia” là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành tựu đạo nghiệp.

Tất nhiên, không phải bao giờ ta cũng gặp minh sư. Và không phải tất cả mọi người, khi gặp minh sư đều chứng đạo hoặc trưởng dưỡng được đạo tâm để thênh thang trên đường chánh giác. Thời Phật, có nhiều vị ở bên Ngài, trong đoàn thể của Thế Tôn vẫn trồi sụt, nên việc thời nay có người tu nào đó không tốt cũng là chuyện bình thường.

Nguyên nhân, ngoài nỗ lực tu tập chưa đủ, thì duyên nghiệp của vị ấy quyết định thành quả công phu. Nói như cụ Nguyễn Du là “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Tuy nhiên, đó là việc của người ấy, nếu ta cũng có tu (chút chút), thì mình sẽ không vì vậy mà bỏ đạo hay đồng nhất đạo với một cá nhân chưa chứng đạo, chưa phải là minh sư.

Có một sự thật khác quanh chuyện minh sư, chính là, nhiều khi vì sùng kính thầy mình, con đường tu của mình, rồi ta ngó quanh, thấy thầy người khác hoặc thầy tu khác chưa tốt, liền lên lớp, chê bai. Con đường tu của mình luôn là tối thượng. Điều đó đúng vì nó liên quan đến căn cơ của mình. Nhưng thực ra, mình tìm đúng thuốc cho bệnh của mình, rồi nghĩ thuốc ấy cũng tốt cho tất cả lại trở thành không đúng.

Chân sư của mình là người mà mình thấy đồng hạnh, đồng nguyện, học được ở vị ấy điều gì đó phù hợp. Nhưng đừng đem chân sư của mình đi so sánh hoặc dùng vị ấy làm “pháp khí” chiến đấu với chân sư của người khác. Nếu vướng chỗ này, dù mình nghĩ rằng đang bảo vệ hay xiển dương thầy mình, lại kỳ thực lại thành ra hại thầy, trái ý thầy.

Đức Phật dạy, “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Rất nhiều người chỉ bằng niềm tin theo kiểu không hiểu Phật nên đã làm việc đưa tới phỉ báng Ngài.

Cũng Đức Phật dạy, “lấy giới làm Thầy”. Dù minh sư của mình là ai, thì vị Thầy lớn nhứt và tuyệt đối vẫn là giới-luật. Đó chính là những lớp hàng rào bảo hộ cho thân, tâm mình trở nên hiền thiện, gìn giữ nghiêm mật sẽ sinh trí tuệ, từng bước thánh hóa đời sống.

Thực ra, nếu Đức Phật còn tại thế, chắc chắn Ngài cũng không đồng ý cho ta nhân danh bảo vệ lẽ phải, cái thiện, chánh pháp… để biến Ngài thành công cụ đấu tranh, hạ bệ bất kỳ ai, kể cả đó là người tu sai.

Nghĩ thế, để quay về với chân sư cao tột nhất là giới luật để trau mình, từ ý, khẩu, thân, tự nhiên ta sẽ bước ra khỏi vũng lầy của những cuộc luận đàm, tranh hơn thua, hay chiến đấu vì bất kỳ tấm áo nào ở bên ngoài nữa. Khi đó, ta đã được Đức Thế Tôn lấy y trùm cho mình rồi, với sự nhu hòa, nhẫn nhục mà an nhiên vô đối…

Lưu Đình Long

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn.

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!