Xã hội con người cứ luân chuyển hết từ thời đại này sang thời đại khác, từ chế độ này sang chế độ khác. Trong đó, những biến đổi sâu sắc và quan trọng nhất nằm ở 2 cột mốc:
– Cuộc cách mạng nông nghiệp
– Cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học kỹ thuật
Ở những nấc thang càng cao trên hành trình tiến hoá, con người càng thấy mình trở nên thông minh và đòi hỏi sự cá nhân hoá hơn. Cá nhân hoá có những mặt tốt đẹp của nó, nhưng nếu quá lạm dụng thì nó lại là khởi đầu cho những tham lam, toan tính và lìa xa giá trị yêu thương trong cộng đồng.
Ở thời sống dựa trên săn bắt hái lượm, con người chỉ biết đến hiện tại, sống trọn vẹn với hiện tại, săn bắt được gì hay hái lượm được gì đều chia sẻ lẫn nhau một cách bình đẳng. Nhờ vậy đã vô tình thực hành được lòng từ bi trong sự vô thức mà hầu như chưa có sự hiểu biết hay trí tuệ soi đường.
Khi 2 cuộc cách mạng nông nghiệp và khoa học bùng phát, con người bắt đầu tích trữ được của cải, nghĩ về tương lai xa xôi hơn là sống với từng phút giây trong thực tại. Lòng tham trỗi dậy, xa lìa sự bình đẳng vô thức mà họ đã từng có trong thời săn bắt hái lượm, chiến tranh diễn ra khắp nơi không ngừng nghỉ…
Lúc này, lòng từ bi đã dần dần rời đi như cái cách vô thức mà nó đã đến trong xã hội loài người. Muốn tìm lại lòng từ bi ấy, con người buộc phải trải qua những bài học đau khổ liên hoàn để có được trí tuệ và sự hiểu biết. Có trí tuệ soi đường thì con người mới trở về với tự tánh từ bi thanh tịnh đã bị lãng quên.
Những bài học của mỗi người mỗi khác, phải học bao nhiêu lần với mức độ ra sao là tuỳ từng cá thể.
Khoa học hiện đại đã giúp chúng ta biết được rằng cơ thể của mình gồm vô số tế bào tác động qua lại lẫn nhau liên tục, hoạt động của tế bào này sẽ ảnh hưởng lên những tế bào khác và ngược lại.
Xã hội cũng giống như cơ thể, gồm rất nhiều những tế bào gọi là con người. Nếu như những tế bào con người này chẳng thể học được cách yêu thương nhau, thì có những tế bào sẽ hoại tử và chết đi, để lại những ảnh hưởng không mong cầu lên những tế bào còn lại (bất kể những tế bào còn lại này có ý thức được điều đó hay không).
Nếu hiểu bản chất của xã hội cũng giống như quản lý một cơ thể thì tự khắc lòng từ bi và trí tuệ sẽ hồi sinh trong chính tự tánh của mỗi người mà không cần phải lục lọi kiếm tìm ở bất kỳ nơi nào khác…
ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM)