Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Nghĩ từ thiên tượng: Niềm tin và sự mầu nhiệm

Từ nhỏ tôi được gần gũi Phật thông qua niềm tin của mẹ mình. Bà hay đi chùa, và mẹ tôi gửi gắm những nỗi khó khăn của mình với Đức Phật, Bồ-tát như một cách hóa giải bớt sự căng cứng trong tâm hồn.

Bà cầu nguyện mỗi khi gặp khó khăn hay cần làm một điều gì đó. Mẹ hay nói, đó là cách để nhờ thêm tha lực của Tam bảo, củng cố cái nhìn cũng như định hướng cho bản thân không sai với lời Phật dạy.

“Xin cho con vượt qua được khó khăn này. Con biết mọi biểu hiện đều do nhân-duyên, theo quy luật nhân-quả, nhưng con cũng mong được chư Phật gia hộ để con vững chãi bước qua với tâm hoan hỷ. Con nguyện đời đời kiếp kiếp không tạo các ác nghiệp, không lặp lại những nhân xấu cho quả không tốt như ngày hôm nay…”.

Tôi nhớ mình từng nghe mẹ thì thầm như vậy. Sau này học Phật kỹ hơn, tôi thấy mẹ cũng đã “thấm tương chao” khi phát lồ sám hối và phát nguyện tích cực trên bước đường tu như vậy.

Trong cuộc sống, ta sẽ chứng thực được điều cụ Nguyễn Du đã nói: Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao (Truyện Kiều). Đó chính là nghiệp lực thúc đẩy mình đi vào nẻo tối mà nhiều khi bản thân không muốn, cố rút ra nhiều lần vẫn không được, cho đến khi trả hết.

Mỗi người đều có một niềm tin riêng. Với người học Phật, niềm tin được hun đúc hằng ngày đó chính là Tam bảo.

Nhưng, với người học Phật, niềm tin không phải bắt buộc kiểu thần quyền. Đức Phật khuyến khích nên tìm hiểu trước khi đặt để niềm tin. Theo Ngài, đừng vội tin, kể cả đó là điều Ngài dạy. Tức niềm tin có sự tìm hiểu, sâu sắc bằng cái biết, để có hành động đúng, hay nói cách khác là có chánh tín.

Hồi còn trẻ, bạn tôi làm đủ thứ nghề, có những công việc mà bạn biết sẽ tạo nghiệp, ví dụ như đầu bếp. Nhưng cuộc sống không cho bạn lựa chọn một công việc khác hoặc không thể có một công việc nào khác tốt hơn trong lúc ấy, khi phải mưu sinh nuôi thân và lo cho mẹ.

Tuy phải làm, nhưng bạn ý thức rất rõ “nghiệp sát” của công việc, nên âm thầm phát nguyện từng ngày: cho con thay đổi việc này, sớm có việc khác – không phải dính đến sinh mạng chúng sinh.

Rồi bạn cũng chuyển được việc sau đó, từ đầu bếp phải sát sanh sang làm đầu bếp từ nguyên liệu có sẵn, đến nấu nhà hàng chay, đi dạy làm bánh và cuối cùng là quản lý một chuỗi siêu thị.

Nhờ niềm tin vào Tam bảo cộng với phát nguyện của bản thân mà nhìn lại gần 20 năm qua, bạn tôi bảo mình đã thay đổi ngoạn mục. Với bạn, đó là sự mầu nhiệm của Phật pháp.

Niềm tin dẫn ta đến với những điều tuyệt diệu. Đôi khi, niềm tin giúp ta gọi tên những điều hay ho xung quanh mà với người khác có thể xem đó là… bình thường, hoặc cần chứng minh bằng khoa học.

Với người làm thơ có thể thấy đám sương mai là suối tóc người thiếu nữ. Nhà thiên văn có thể đoán được thời tiết hôm đó sẽ nắng hơn bình thường, chẳng hạn. Người uống trà có khi sẽ tìm những đọt cây để hứng nước cho ấm trà sớm trong lành…

Một hiện tượng có nhiều cách tiếp cận và tùy vào mắt nhìn, hiểu biết, ta diệu dụng được vào cuộc sống mình thành chất liệu vui.

Hào quang tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, khi xá-lợi đang tôn trí tại đây.

Gần đây, hiện tượng vầng hào quang, cầu vồng hay mây ngũ sắc xuất hiện ở những nơi mà xá-lợi Đức Phật được cung thỉnh theo chương trình định trước nhân Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tổ chức tại Việt Nam là một ví dụ.

Ai cũng hiểu, đó là thiên tượng, được lý giải rõ ràng dưới góc nhìn khoa học. Đương nhiên. Nhưng trong yếu tố niềm tin, nói đó là điềm lành của người nhìn thấy hoặc trong tổng thể sự kiện cũng là điều dễ hiểu, có thể chấp nhận trong cộng đồng ấy.

Ngay từ lần đầu tiếp cận với hiện tượng mây ngũ sắc khi xá-lợi Phật đang tôn trí tại chùa Thanh Tâm (TP.HCM) hôm 5/5, nhiều người hoan hỷ, chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Tôi cũng trong niềm hoan hỷ đó nhưng không phải đặt nặng tâm tư vào các “điềm lành” từ bên ngoài. Là Phật tử, tôi nhận diện điềm lành có khi còn là những chướng duyên để mình có cơ hội kiểm tra tâm mình xem đã vững hơn chút nào, niềm tin có kiên định hay sự thực tập có đúng hướng.

Có những người rất tin nhưng dễ tin, ai nói gì cũng tin vì thấy cái nào cũng có lý. Đó là người không có chính kiến, ba phải trong niềm tin thì sẽ dễ bị dẫn dắt. Người đó dễ bị bẻ gãy niềm tin nhất là khi nó đi kèm với những ước nguyện, mong muốn đạt được nhưng bất toại.

Người có niềm tin đúng, có thể vẫn cầu nguyện nhưng cũng hiểu, mọi sự còn tùy nhân duyên. Và dù bất toại với ước nguyện cũng không sân si rẽ hướng sang một niềm tin khác, hoặc dừng các việc tốt đẹp đã, đang làm trước đó.

Tu tập không phải để đổi chát một điều gì đó, nhất là với những món dục của thế gian, bởi Đức Phật đã bỏ những dục lạc thế gian để tìm đường giải thoát. Con đường của Phật giáo là lối sống chánh hạnh để có an lạc tự thân, trong mọi hoàn cảnh, bền vững từ niềm tin và sự chứng đạt lý nhân-duyên-quả chứ không phải để đạt được những giá trị thuộc về danh, sắc, tài…

Theo đó, sự mầu nhiệm của sự thực hành Phật pháp không phải là thấy được những điềm lành, may mắn ở bên ngoài mà là thấy may mắn, an lành ngay cả khi trải qua những thử thách cam go từ cuộc sống đang là, bây giờ và ở đây. Quan sát được tâm mình và ghi nhận nó mà không gia thêm bất kỳ vị gì vào, với sự lặng tĩnh sáng suốt có lẽ mới là điều mà những người đang trên đường học Phật như tôi cần gìn giữ, quan tâm.

Lưu Đình Long/ Theo Phatgiao.org.vn

Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn.

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!