Nhân ngày Phụ nữ – mấy chị em ngồi cà phê ở góc quen và tọa đàm dịp cuối tuần đề tài nói trên. Chị A. bảo, “thời nay, muốn giữ chồng cũng khó, vì mối quan hệ quá mở (qua mạng xã hội, công việc, các hoạt động thể dục thể thao…)”.
Chị N. đồng ý, liền nói: “Vấn đề là tin nhau. Nếu không tin và thiếu tôn trọng nhau, không còn yêu thương mái ấm thì không có cách gì giữ được ai. Bởi lúc đó người ta đã để cho mình tự do đến mức phóng túng rồi”.
Kết luận của “tọa đàm” nhỏ, mọi người đồng nhất quan điểm: giữ mình là quan trọng nhất vì đó là chìa khóa giúp cho mọi mối quan hệ được an toàn, hạnh phúc được bảo toàn.
Nhưng giữ mình bằng cách nào? Đó là câu hỏi hay mà chị T. đặt ra cho cả nhóm. Mọi người lại bàn luận rôm rả, cuối cùng đưa ra những khía cạnh cần giữ, chốt lại ở “tam giác” thân-tâm-trí.
“Về thân, phụ nữ cần phải khỏe và đẹp”, chị T. nói. Tất nhiên rồi. Khi có sức khỏe, làn da, khuôn mặt, lời nói, cử chị, nụ cười sẽ luôn tươi. Gặp sự cố nào cũng có thể lướt qua dễ dàng. “Đúng vậy, khi cơ thể mình đa bệnh, mỏi mệt, xuống cấp thì mình sẽ đem đến cho người thương, chồng mình, tổ ấm của mình năng lượng tiêu cực. Từ trường mệt mỏi bao trùm căn nhà khiến ai tiếp xúc cũng mệt theo”, chị N. bày tỏ.
Cuộc đàm luận có hướng mở cho câu chuyện giữ mình cũng là giữ chồng, giữ bình yên cho gia đình. Chị A. nhớ lại những ngày tâm mình bất an: “Lúc đó tớ có cảm giác khó chịu, chồng nói một câu bình thường cũng nhạy cảm – tưởng như đang nói mình – rồi gây lộn, rồi đẩy chồng đi xa mình”. Đó là những ngày chị thấy mình lạc lỏng trong chính căn nhà và vòng tay người đàn ông mình từng yêu tha thiết, từng cãi lời gia đình để cưới cho bằng được.
“Có lẽ vì mình đã không cân bằng được khi gặp khó khăn về tài chính sau dịch, rồi con cái bị bệnh cùng vài mối quan hệ thân cận có vấn đề. Tất cả cùng ập tới và mình đã không đỡ nổi”. Mọi người nhìn chị A. cảm thông và cũng mừng vì chị kịp vượt qua “cơn bão” ấy khi mọi sự vẫn còn cứu vãn được.
Chăm sóc thân, tâm không bao giờ thừa, nhất là khi cuộc sống vẫn luôn có nhiều bất trắc. Hôm nay bình an chưa chắc mai vẫn còn. Do vậy, chuẩn bị tâm thế đón nhận gió dông là điều cần thiết, để tránh thiệt hại kép.
Chị T. kể, có những cơn khủng hoảng tài chính nhỏ của gia đình đã làm đổ vỡ tình cảm gia đình, vợ chồng xào xáo, chia tay. Đó là vì cả hai chỉ nghĩ và sống với những thuận lợi, hanh thông đến mức quên mất rằng, cuộc sống còn bao khăn khó mà ai cũng có thể có nguy cơ, phải đối diện, cùng vượt qua. Chị T. kết lại, “ông bà mình đã dạy ‘đồng vợ đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn’, vậy mà có nhiều lúc vợ chồng không kết nối hoặc thiếu chung vai gánh vác khó khăn cùng nhau, biểu sao không gãy đổ”.
Để vợ chồng có thể chia sẻ được nhiều thứ, nhất là khó khăn, đòi hỏi phải tin tưởng. Khi thấy vợ hoặc chồng mình có biểu hiện lạ phải lắng nghe, cho người ấy cơ hội giãi bày. Có những sự tinh tế, quan sát tỉ mỉ cần phải có trong mối quan hệ vợ chồng mà mỗi người phải… học. Có thể thấy được, cảm nhận ra sự bất ổn của chồng con, của vợ mình là đã giúp được họ rồi. Khi đó họ sẽ mở lòng.
Còn trí? Theo chị N., đó chính là sự bình tĩnh, sáng suốt tìm ra những giải pháp tích cực để cả hai đi qua khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. “Mà thực ra, trí cũng từ thương, từ hiểu mà có”, chị A. chia sẻ. Nếu không có tình thương đủ sâu đủ lắng, cái thấy của mình sẽ bị ngăn che bởi trách móc, hờn giận. “Mà phụ nữ mình thường dễ bị giận hờn làm phiền lắm, có lẽ vì phụ nữ vốn nhạy cảm”, chị N. nói.
Giữ mình vì thế chính là ở chỗ để mình an yên, sáng suốt. Khi đó, mỗi người vợ giống như một bến bờ bình an, như chiếc neo giữ con thuyền giữa sóng biển chông chênh vậy.
TẤN KHÔI
* Xem bài gốc đăng báo Tuổi Trẻ tại đây
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn