Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Chuyện tử tế mùa Covid-19: Sài Gòn, có giãn cách nhưng không cách lòng

Bài dự thi – Sài Gòn mấy hôm nay cũng thật lạ, khi cái không khí tấp nập, sôi nổi với tiếng còi xe, tiếng rao “bánh chưng bánh giò”, tiếng rôm rả của mấy quán cà phê bệt lại nhường chỗ cho sự yên ả, vắng vẻ đến đau lòng. Ai cũng ngại ra đường vì chẳng muốn làm tổn thương Sài Gòn thêm chút nào nữa!

Sài Gòn những buổi tối vắng tiếng nhạc, tiếng xe cộ nườm nượp trên đường, những con phố vốn đông vui sầm uất giờ im lìm sau hàng rào chắn. Người dân nghèo Sài Gòn oằn mình trong dịch bệnh, cơ cực với cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Dịch bệnh khiến cuộc sống nhiều người bị tê liệt, đình trệ.

Trong muôn vàn bức tranh dịch bệnh, đâu đâu cũng thấy những màu trầm buồn dấy lên bao bồi hồi, xúc động với mỗi người: Vai áo của những bác sĩ, nhân viên y tế thấm đẫm mồ hôi, những người lính biên cương đang ngày đêm canh gác để Covid không tràn vào nước ta, những người lao động nghèo đang cố gắng từng ngày từng giờ để bước qua bóng đêm mùa dịch, để an ủi nhau “cố gắng thôi chứ biết làm sao giờ”.

Nhưng nếu như dịch bệnh đang chuyển màu cuộc sống thành những gam màu tiêu cực, có những con người, cộng đồng đang ngày đêm nỗ lực để khoác lên mình bức tranh đó sắc màu của niềm tin, hy vọng, tử tế và chút tấm lòng. Virus lan nhanh tới đâu, những nghĩa tình người Việt lại vươn dài tới đó.

Người ta đi qua ngày tháng dịch để cùng buồn, cùng lo và rồi cùng cho nhau những lạc quan và sự tương trợ để một lần nữa khẳng định niềm tin rằng dù bất cứ khó khăn nào xuất hiện, người Việt cũng sẽ cùng nhau vượt qua. Tình người lan tỏa, sự tử tế trở thành chất kết nối, kéo những con người lại gần nhau hơn dẫu địa lý cách trở.

Những ngày dịch Covid-19 hoành hành trở lại, Sài Gòn bước vào cơn sốt mệt mỏi nhất, sau gần hai năm chung sống với dịch bệnh. Gò Vấp đau một chút, quận 3 đau một chút, rồi cả những quận khác đua nhau đổ bệnh. Thế là Sài Gòn chính thức vào những ngày “ốm nặng”. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân, người lao động phải mất việc.

Giữa những ngày Sài Gòn căng mình chống dịch, thành phố giãn cách nhưng lòng người thì không “giăng dây”! Không phải cứ thấy rào chắn, dây chặn, phong tỏa là đường cách đường, nhà cách nhà, vì tấm lòng của dân Sài Gòn vẫn còn đó. Đó là câu chuyện của hội các chị em miệt mài nấu hàng trăm phần cơm giúp người dân vượt qua cơn “bão bệnh” với dòng chia sẻ đầy đáng yêu “mệt lắm nhưng mà vui”.

Hay những “siêu thị 0 đồng” mọc lên ngay giữa những xóm lao động bị phong tỏa. Ở đây, người lao động nghèo có thể đến chọn mua những món hàng 0 đồng để phần nào vượt qua khó khăn bệnh dịch. Rồi cả những bếp ăn miễn phí đỏ lửa giữa những ngày Sài Gòn ốm nặng cũng cháy sáng tình người.

Là dân Sài Gòn đi chợ giúp nhau, chia nhau từng cọng rau con cá. Thiếu lương thực thì chia sẻ cùng nhau, cùng động viên nhau, hàng xóm vậy mà cũng vui vì gói mì, bó rau. Bao nhiêu ngày người dân gồng mình chống dịch, là bấy nhiêu ngày ta thấy thành phố nghĩa tình đến thế.

Tranh về tình người Sài Gòn

Không ồn ào cũng chẳng phô trương nhưng lại rất đỗi nhân văn, như thương hiệu từ bao năm mà thành phố này có được “Sài Gòn lúc nào cũng dễ thở… Dù khói bụi, chật chội, dù kẹt xe, nước ngập nhưng đầy ắp tình người tứ xứ”. Sài Gòn được xem là mảnh đất mưu sinh của dân thập phương từ khắp các tỉnh thành đổ về. Ngày thường người ta ngó lơ nhau nhưng khi Sài Gòn ốm nặng, người dân cũng không bỏ lại nhau. Từ chị bán xôi, bà nhặt ve chai, anh xăm trổ Minh Râu bán rau “ngầu lòi” hay cô công nhân, chị gái ngồi văn phòng đến anh thầu công trường, bác giám đốc đều cùng sống trong một nghịch cảnh, bảo bọc nhau đi qua ngày giãn cách. Thế mới thấy, người Sài Gòn ngày thường “thấy ghét” vì họ bận mưu sinh chứ không phải họ coi đây là chốn xa lạ.

Tất cả chúng ta có quyền đặt niềm tin rằng Sài Gòn sẽ khỏe lại thôi! Sau cơn ốm nặng, Sài Gòn sẽ sống lại những năm tháng huy hoàng mà nó đã từng có, năng động, ồn ào, náo nhiệt. Việc của chúng ta bây giờ là hãy ở yên vì bạn yêu Sài Gòn và Sài Gòn yêu bạn. Việc của chúng ta bây giờ là cố gắng trở thành một tế bào khỏe mạnh vì Sài Gòn khỏi bệnh. Việc của chúng ta bây giờ là mỗi người đong cho nhau một chút tấm lòng, “của ít lòng nhiều” vì Sài Gòn yêu thương nhau.

Chúng ta chỉ cần giữ vững niềm tin, sự đoàn kết và hết lòng, ta sẽ vượt qua và những ngày này chỉ sẽ còn là câu chuyện ta kể nhau nghe về sau. Thành phố bị ốm, dân mình phải chăm nhau để ai cũng khỏe mạnh. Tất cả những con người trên mảnh đất này, dù nhỏ bé hay lớn lao họ đều mang tinh thần của người Sài Gòn hào sảng. “Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”, tất cả cùng nhau chờ ngày Sài Gòn khỏi bệnh!

Ngọc Bích
(phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân)

Nhằm góp sức lan tỏa những điều tích cực, kiến tạo năng lượng an vui trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong phối hợp cùng Công ty Cổ phần Rừng Xanh Mãi – đơn vị sở hữu thương hiệu nhang Bảo Trầm tổ chức cuộc thi viết “Chuyện tử tế mùa Covid-19”, với tổng giải thưởng 22 triệu đồng. Mời bạn xem thể lệ cuộc thi và cùng tham gia.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH CUỘC THI
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!