(MTD) Cuộc đời đôi lúc đặt sẵn nhiều thứ, đôi khi nó cũng chẳng có một cái gì theo nguyên tắc cụ thể cố định nào. Nói nôm na là biến chuyển liên tục trong từng khoảnh khắc nhỏ nhất, cái chớp mắt dễ thương hay một phát búng tay vang tiếng.
Nhưng số đông khác lại cho rằng mọi vật trên đời đều được luật trời sắp xếp, người phàm khó sửa đổi tất cả theo ý của mình. Dù là định mệnh hay số phận bởi do ta, đó vẫn là ẩn số tuyệt vời để dẫn tới thiên đường tự do mà mọi người mãi luôn khám phá.
Từ hai vấn đề chính được nêu ra ở phần trên, nhiều câu chuyện thực tế đã ra đời, nhiều bộ phim hay đã xuất hiện, và sau cùng các nhân vật trong đó vô tình diễn theo mãi mãi, đến một ngày nhận ra “giá như” lúc ấy tôi là đạo diễn, thì tôi có thể sửa kịch bản thêm phần vui vẻ và tích cực hơn.
Phim truyện Tấm Cám cải biến thích nghi theo lối tư duy như vậy. “Thật ra từ xưa đến nay/ Chẳng có việc gì khó cần ta giúp tay/ Sức mạnh nằm trong chính bản thân con người đấy thôi/ Ta đây chỉ giúp mọi người được thấy thôi”. Một đoạn rất hay và mang giá trị thực sự cho sức nghĩ ngẫm và hành động của loài động vật bậc cao, trích từ bài hát “Ông Bụt” mà ca sĩ Quân AP từng hát. Thế mới khiến biết bao người như ta tôi, anh chị, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, người thương, gia đình, xã hội nhìn lại một cách thật kĩ “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, tự bản thân chịu trách nhiệm tất thảy đều do mình tạo ra trước đây. Đừng lấy họ Đỗ tên Thừa trong dòng tộc Ngàn Sao, rồi chạy tội bằng hai chữ “giá như” muộn màng.
Thời dịch Covid, người ta hay bảo: “Giá như ngày đó mọi người chịu khó cách ly, giãn cách kĩ, hổng có tụ hợp đông đúc…”. Để rồi, số ca nhiễm dường như từ đầu mối lễ hội, vui chơi ấy gia tăng không thể tính kể sau này. Giá như sao nhỉ. Thời điểm, thời gian, thời khắc, bối cách lúc bấy giờ được quay trở lại, mọi người có cơ hội điều chỉnh cách thức, đường lối, phương pháp theo một hướng nào đó khác, thì có lẽ hiện nay người dân đỡ khổ hơn.
Tôi thường hay nói rằng, chuyện đã qua nhắc lại chi thêm buồn, chẳng thể làm mình gia tăng niềm vui. Đó là bài học đúc rúc ra mỗi khi sự việc diễn ra rồi. Bởi tâm lí chung của mỗi người là “mất bò mới lo làm chuồng”, ai ý thức sớm trước để lo làm chuồng chứ, đành chịu.
“Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy sống trong giây phút hiện tại”, lời của những bậc an yên thường hay chỉ dạy những ai lăng xăng, hỗn loạn ngay nơi ý niệm hiện thời, đồng thời khuyên nhắc sự sáng soi, tỉnh thức cần thiết ở đây, bây giờ.
Mọi thứ xảy ra trong đời, chúng đều có lí do hết cả, chẳng qua mình hay thắc mắc và không rõ nguyên nhân. Thông rồi thì đâu cần hỏi tại sao như thế, làm sao như vậy, hay là một chữ kết đôi “giá như”.
Bạn tôi thật hài hước và dễ thương, “tự nhiên thèm bánh kem ghê á, giá như hôm nay sinh nhật mình”, tôi vội nói “đời đâu có hai chữ – giá như, cậu ơi”. Đúng là một điều ước rất đỗi bình thường, dung dị lẫn chứa sự khao khát muốn mong quá cao sang. Nhưng trên thực tế lúc này, giá như mà đời có hai chữ “giá như” thì như thể bạn ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc xiết bao. Tuy nhiên âm thanh vang vọng từ đám mây đến chân trời, phản chiếu lại là đất dày đường thô duy một chữ “không”, tự hiểu chẳng có “giá như”.
Giá như, theo tôi nó cũng giống như giá (đậu xanh), hiểu vui với cách chơi chữ đổi ngược. Muốn có những chuyện như như ý, thuận lợi, tốt lành, suôn sẻ, may mắn, an ổn, tôi phải cần ngâm đậu đúng nguyên tắc ngay từ đầu, tự dưng tới đúng thời khắc đậu sẽ nảy mầm lên hai lá xanh ở đầu, nối tiếp dính liền cọng thân trắng đục ngon. Làm theo ý nghĩ đúng, hẳn sẽ có giá để xào nấu với hẹ thơm, hoặc nấu canh chua, đậu bắp, bạc hà, khóm, cà chua và nấm. Ngửi thì thơm mùi ngò om, ngò gai kèm húng quế, ngon thật chớ có giỡn đâu.
Đời hổng có hai chữ giá như, vậy thì mình đừng có khư khư mộng ước hão huyền, huyễn hoặc, xa xăm. Hãy luôn sống trong thực tế, cố gắng tập trung vào công việc thực tại đang là… như thế. Ban đầu hay nói hai từ ấy, dần dà hạn chế ít dùng, cọ xát trải nghiệm nhiều ắt nay mai tự hiểu, đời chẳng có hai chữ – giá như.
Đối diện chấp nhận những thứ không an trong tâm thế yên tĩnh, chẳng than trách thở than, tự khắc đi qua đời bằng hai lằn đường giá và như.
Việt An Khương
(từ Mỹ)