(MTD) Chúng ta thường áp đặt cảm tính của mình vào những đối tượng hằng ngày mình tiếp xúc, như yêu, ghét, thành kiến, tức giận,…
Đôi lúc chúng ta đổ lỗi vì cá nhân của họ cũng như vì hành động của những người này lại khiến cho chúng ta sinh ra những cảm xúc như thế. Nói và nghĩ như vậy có nghĩa là chúng ta đang dính mắc vào ngoại cảnh và để cho chúng len lỏi vào thế giới nội tâm của mình. Đến một lúc nào đó, khi tâm chúng ta bị những yếu tố này chi phối một cách mạnh mẽ, tức là đã tạo điều kiện cho chúng được vui bồi và phát triển đến nỗi xâm chiếm luôn tâm an lạc bên trong của mình.
Thật ra đôi khi người khác chẳng gây trở ngại gì với chúng ta cả, nhưng vì tà kiến của mình, ta liền cho rằng người này đang giành giựt hạnh phúc của mình, và sự hiện diện của họ dường như đang trở thành mối đe dọa đến sự yên ổn của ta. Rồi từ đó, ta nổi giận với họ, hay đúng hơn là ta đang nổi giận với tâm của mình. Một lần nữa, chúng ta lại bị mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực đó, và đến một lúc không biết giải tỏa như thế nào, ta đành trút lên những người xung quanh mình, một cách đầy phẫn nộ và ác nghiệt, như câu chuyện người tình hờ của ba đã bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong.
Tâm sân được ví như ngọn lửa có thể thiêu đốt cánh rừng công đức được tích lũy. Nguyên khởi của tâm sân chính là không hài lòng với hoàn cảnh bên ngoài hay với người xung quanh, với mong muốn kiểm soát những hoàn cảnh và con người đó chiều theo ý muốn chủ quan của mình. Và khi thấy mình bất lực trước những hoàn cảnh không nào trong tầm kiểm soát, sự xung đột bên trong tâm mình nảy sinh tâm sân.
Khi bạn không biết cách hóa giải tâm sân đó kịp thời, và khi mức độ của nó đạt đến đỉnh điểm thì hệ lụy của nó thật kinh khủng và kéo theo những tai họa, như người tình của ba đã hành hạ bé gái trong một khoảng thời gian dài, như một nỗ lực vô ích để thoát khỏi tâm sân của mình bị đè nén bấy lâu.
Trên thực tế, con người ta sống trên đời ít nhiều không tránh khỏi tâm sân. Một số người giữ bên trong không bộc lộ ra, số khác thì mất bình tĩnh biểu hiện ra bên ngoài. Dù ở hình thức nào, điều đó cũng bộc lộ những cảm xúc tiêu cực, không những trút giận lên người thân mà còn gián tiếp hành hạ bản thân mình.
Khi tâm mình bộc lộ phản ứng với một đối tượng nào đó và bị chi phối bởi cảm xúc yêu ghét thì chính lúc ấy tâm mình đang bị sa lầy vào hình tướng của đối tượng đó. Khi đã hiểu nguồn gốc của tâm sân chính là sự áp đặt vào đối tượng, ta mới hiểu rằng chính sự buông xả không dính mắc vào đối tượng đó và để tâm mình trở về với trạng thái đang là, tức là trở về với chính mình bằng thái độ bình lặng, chính là cách để tâm mình trở về với thực tánh của chính nó. Điều đó có nghĩa là tâm không phải là “của ta” để dễ dàng bị chi phối theo ý đồ ảo tưởng. Ta chỉ cần trở về cái gốc của tâm mình để không áp đối tượng bên ngoài vào tâm mình, và từ đó, không để bản thân mình bị chi phối bởi những cảm xúc từ tà kiến của tâm sinh ra.
Quả thật, điều đó cũng cần được tu tập, không chỉ từ bi với chúng sanh, mà còn từ bi với chính mình. Từ bi trong cách ứng xử tức là dùng trí tuệ tu tập để quán chiếu sự vật, sự việc, để không dính mắc vào chúng, để không sinh khởi những cảm xúc cá nhân khiến chúng ta dễ bị dẫn lối vào u mê, sân hận.
Chúng ta có thể xem những đối tượng hay hoàn cảnh đó như những bài học để giúp tâm ta luyện tập, và thầm cảm ơn những điều kiện đó càng khiến tâm ta thêm vững vàng. Chúng ta cũng có thể lý giải những hoàn cảnh đó từ quy luật nhân quả. Những điều xảy đến với chúng ta có thể là nhân, cũng có thể là quả từ những đời sống trước. Nếu là nhân thì chúng ta tránh không tạo thêm nghiệp, còn nếu là quả thì chúng ta cũng đón nhận bằng tâm thế bình thản. Có như vậy, nhân quả mới có thể hóa giải, mà từ đó tâm ta cũng trở nên bình lặng an yên.
(Sài Gòn, 3-1-2022)
Nguyễn Đinh Khoa
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn