Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Trong cơn bĩ cực, tự mình cố lên…

Mấy hôm nay, cứ ra đường là lại nghe tiếng còi xe cứu thương vang lên đây đó, chở vội những con người lìa khỏi mái nhà, lìa khỏi người thân để đi vào một phương trời xa lạ, độc hành cùng cuộc chiến.

Họ, có khi đó chỉ là những bé con mới vừa biết đi chập chững, có khi đó là những người già ốm yếu bệnh tật, có khi đó những trụ cột kinh tế của gia đình…

Có lẽ nhiều người nghĩ, “Phật đã bỏ loài người, Chúa cũng đã bỏ loài người”. Rằng, các ngài đã ở trên cao quá, để không còn hiểu thấu được những đứa con của các ngài đang vật lộn với cuộc chiến từng giờ?

Cảnh chợ điêu tàn, dây giăng khắp ngõ… rồi những người nông dân phải chạy tứ tán để đưa được nông sản đến tay người dùng, rồi các anh chị tiểu thương nhỏ lẻ sẽ sống như thế nào qua từng ngày vật vã…

Trên phố, những cô hàng vé số lê đôi chân dài mỏi mệt qua khắp những ngõ quen, mà giờ đây sao vắng quá!

Những người tàn tật đẩy loa kẹo kéo, những bác xe ôm dầm mưa dãi nắng, những thợ sửa xe ngồi bên lề đường vắt vẻo, bây giờ họ đang ở đâu?

Trong xóm trọ, những gia đình công nhân nấu từng bữa đơn sơ, vừa ăn chén cơm đạm bạc vừa nghĩ về những tháng ngày sắp tới, rồi gia đình ở quê ra sao, rồi nợ rồi nần, rồi con rồi cái, rồi thực phẩm tăng giá, rồi những đồng tiền cuối cùng cũng đội nón theo mưa.

Những cụ già bệnh tật mạn tính mong chờ từng ngày tái khám theo bảo hiểm, giờ bệnh viện nơi thì đóng cửa, nơi thì e dè, nơi thì chuyển công năng… Rồi đây còn ai ngó ngàng đến những nỗi đau bệnh tật mà họ đang mang, họ sẽ tìm về đâu để được sự chăm sóc mà không phải phập phồng lo sợ chuyện họ có thể test nhanh dương tính bất cứ lúc nào? Chắc có lẽ Phật ở trên cao quá, sao độ được cho mình…

Những ai chưa từng hoặc chưa nghĩ sẽ đến lúc mình phải ngồi bên trong những chiếc xe hú còi inh ỏi ấy, liệu có mấy người đồng cảm. Bước lên xe mà tâm trạng ngổn ngang, rồi mình sẽ ra sao, rồi người ở lại sẽ thế nào, rồi tiền đâu để bước tiếp mưu sinh cho những tháng ngày sau đó…

Tất nhiên, vẫn có những vòng tay của xã hội luôn bên họ, nhưng cuộc đời này, mình phải tự đứng vững trên đôi chân của mình mới cảm thấy an toàn, chứ cứ trông đợi nơi đôi chân người khác thì sợ hãi lắm, sợ chân người khác rồi cũng gãy thì mình sẽ ra sao.

Gánh nặng oằn vai, tâm tư ngơ ngẩn… Họ tự hỏi nhau, bây giờ nên sợ cái gì đây? Chắc có lẽ nhiều người nghĩ, Phật ở trên cao quá, sao độ được cho mình?

Tranh của họa sĩ Lê Sa Long: Một em bé 5 tuổi theo bà vào khu cách ly, hình ảnh khiến người rưng rưng

Xã hội này có 2 team trong cuộc chiến. Team sống chậm đang có những tháng ngày nghỉ ngơi, gác lại công việc, vui vẻ bên gia đình đợi ngày hết dịch. Team chết chậm đang có những tháng ngày vật vã, mất việc đói ăn, lây lất bên gia đình đợi ngày trả nợ. Dù là team nào, chúng ta cũng hãy đứng ở góc nhìn của nhau để cảm thông và chia sẻ cho nhau, để cùng độ nhau đi qua quãng đường khốn khổ đã đến và đang đến.

Thôi thì chính mình hãy độ cho mình và độ cho nhau, bởi trong giây phút nào đó mỗi chúng ta cũng đều là một vị Phật, một vị Bồ-tát…

Sài Gòn rồi sẽ bình yên từ những năng lượng tích cực nơi mỗi chúng ta. Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình là những chiến sĩ áo trắng kiên cường trong cuộc chiến ấy. Bởi nhìn lên, tôi chưa làm được gì xứng đáng với khoa học, với trách nhiệm, với sứ mệnh. Nhìn xuống, tôi chưa từng bao giờ điều trị được cho ai, sự lành lặn về sức khoẻ là do chính cơ thể họ đã ban cho họ, sự lành lặn về kinh tế thì tôi không có khả năng giúp họ. Tôi chỉ mong tôi có thể góp một phần để giúp họ hiểu ra và bước qua nỗi hoảng loạn, sợ hãi, để giúp họ một phần lành lặn lại về mặt tâm hồn và tinh thần sau tất cả.

Tôi thật sự mặc cảm vì chiếc áo thiêng liêng mà tôi đang mặc trong hiện tại. Thôi thì Phật đã ở quá cao, quá xa thì mỗi chúng ta hãy đều tu tập để có thể trở thành một vị Phật của chính mình. Hãy đừng chửi nhau, đừng dè bỉu nhau, đừng khinh miệt nhau, đừng kỳ thị nhau khi thấy có ai đó bị nhiễm và được đưa đi, bởi có khi ngày nào đó chúng ta cũng sẽ phải ngồi lên những chiếc xe ấy với tâm trạng ngổn ngang, rối bời.

Hãy thương yêu nhau và san sẻ cho nhau những gì có thể, để Sài Gòn nói riêng và đất nước nói chung sẽ trở lại thời kỳ tươi đẹp và hoa lệ…

ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM)

Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!