Từ những ngày bắt đầu chập chững học y đến nay, trải qua bao năm tháng, tôi vẫn chưa khi nào quên được những bài học vỡ lòng đầu đời đáng quý.
Then chốt là “lý do nhập viện”
Tôi vẫn nhớ, năm thứ 2 tôi từng được học “Cách làm bệnh án”. Ngày đó bỡ ngỡ lắm, chưa biết trong bệnh án có những phần nào và làm sao mà các anh chị trong bệnh viện thuần thục quá vậy. Thầy dạy bài này nhấn đi nhấn lại với những cặp mắt ngây thơ của chúng tôi rằng lý do nhập viện là quan trọng nhất trong bệnh án, nắm được chính xác thông tin này mới chẩn đoán và điều trị đúng được.
Lý do nhập viện là cái đã thôi thúc bệnh nhân bằng mọi giá phải tìm đến bệnh viện hoặc nhân viên y tế để nhận được sự chăm sóc, nâng đỡ. Vì đó là nhu cầu khẩn thiết của họ để mong chờ chúng ta, những người có đủ kiến thức và năng lực về y học giúp họ vượt qua bệnh tật và sợ hãi.
Những bạn sinh viên mới học qua bệnh án sẽ thường hỏi bệnh rất lung tung, đủ mọi triệu chứng từ đầu đến chân, từ cơ quan này qua hệ thống nọ. Thông tin thu được nhiều vô kể nhưng đa phần chỉ là thông tin rác hoặc gây nhiễu mà thôi.
Những bác sĩ dạn dày kinh nghiệm chỉ hỏi vài câu đơn giản, tập trung vào lý do nhập viện (nếu là bệnh nội viện) hoặc lý do đến khám (nếu là bệnh ngoại viện). Sau đó cho người bệnh làm những xét nghiệm liên quan đến lý do ấy và cũng điều trị làm sao để bệnh nhân cảm thấy lý do họ tìm đến đã được giải quyết. Nghĩa là mọi câu chuyện trong điều trị đều phải xoay quanh một mục đích chính: lý do nhập viện. Nếu không xoay đúng chỗ này sẽ dẫn đến sự lạc đề, lan man, tốn kém vô ích cho người bệnh và kết quả tất yếu là thất bại điều trị.
Một người cô lớn của tôi đã từng nói như thế này, sao bệnh nhân đến vì suy tim mà em cứ hỏi ghẻ, khám ghẻ, và điều trị ghẻ trên người bệnh nhân là thế nào?
Đến “cá thể hóa trong điều trị”
Tôi vẫn nhớ, năm thứ 3, ngay từ bài học đầu tiên trong Dược lý, thầy – BS Phùng Trung Hùng đã dạy chúng tôi rất kỹ về cá thể hoá trong điều trị. Nghĩa là mỗi cá thể là duy nhất cả về mặt hình dáng, cấu tạo, bệnh tật, cho đến cả bộ gen di truyền. Và trong điều trị chúng ta phải hướng đến từng cá thể duy nhất để đạt mục tiêu, nếu không các bác sĩ sẽ mãi mãi chỉ là những kẻ hành khất của guideline – hướng dẫn điều trị.
Xã hội cứ hay lầm tưởng bác sĩ thuộc guideline đến từng con chữ là những bác sĩ giỏi nhất, và những hội nghị về guideline cứ thế mà nhan nhản khắp nơi trong ngành y tế. Rất ít khi nào tôi bắt gặp được một hội nghị hướng về tính cá thể hoá trong điều trị thực thụ, hầu hết chỉ là khẩu hiệu nơi đầu môi chót lưỡi.
Ngày nay, thậm chí giới khoa học thế giới đã hướng đến sự cá thể hoá từ ngay chính việc phân tích bộ gen để chọn lựa thuốc hay phương pháp điều trị thích hợp nhất cho mỗi cá thể. Chúng ta chưa đủ điều kiện để làm như thế, nhưng ít nhất chúng ta vẫn có thể cá thể hoá bệnh nhân về mặt lâm sàng và cận lâm sàng để phân luồng bệnh nhân theo nhóm.
Chúng ta phải hành xử khác nhau với những bệnh nhân có triệu chứng khác nhau, có xét nghiệm khác nhau và có mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Bệnh viện thực thụ đúng nghĩa không phải là một nhà chứa thu dung để nuôi ăn và cho ở, mà đó phải là nơi bệnh nhân tìm đến khi thực sự có nhu cầu; nếu vào đó thì họ phải nhận được sự điều trị cá thể hoá ở mức có thể chấp nhận được. Và khi ra khỏi đó họ phải đạt được sự thoả mãn vì nhu cầu của họ đã được giải quyết, đáp ứng. Nếu không làm được những điều cơ bản như thế thì hai từ bệnh viện sẽ còn gặp nhiều điều tranh cãi…
Khi nào được phép gọi ai đó là “bệnh nhân”?
Mấy hôm nay, mạng xã hội cứ thi nhau gõ phím về quan điểm cá nhân, rằng làm thế này thì quan ngại thế kia, rằng làm thế kia thì quan ngại thế nọ. Chúng ta dùng đủ mọi bằng chứng khoa học, dịch tễ…, những con số cũng vẫn chỉ là con số, những ngôn ngữ cũng chỉ là ngôn ngữ… Con số và ngôn ngữ thì có đúng có sai, vô trí vô giác, có thể nhào nắn tròn méo theo người chơi số và chơi ngôn ngữ. Còn bệnh nhân là những cá thể sống, có tri giác, có tình cảm, có ý thức, biết suy nghĩ, biết vui buồn, biết đau khổ, biết hạnh phúc, không một ai có quyền nhào nặn và bóp méo những nhu cầu chân thật của họ.
Nếu họ chưa bước đến cổng bệnh viện, chúng ta vẫn chưa thể gọi họ là bệnh nhân. Trong y văn xưa nay chưa từng có lý do nhập viện vì một ai đó muốn tôi phải nhập viện trong khi tôi không có nhu cầu đó.
Một vài dòng ngắn ngủi để tất cả chúng ta cùng nhìn lại và suy gẫm về những điều cơ bản nhất sau khi đã lột bỏ những lớp áo cầu kỳ phức tạp của sinh học, sinh lý, sinh hoá, bệnh học, dịch tễ… Đừng vội vàng để rồi quên đi tìm lý do nhập viện và đập vỡ tượng đài cá thể hoá trong điều trị mà biết bao thế hệ y khoa trên toàn thế giới đã gầy công xây dựng.
ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM)