(MTD) Mỗi người có mỗi quan điểm sống khác nhau, theo ý nghĩ riêng biệt này dẫn đến hành động chẳng thể nào giông giống được. Điều đó không ngoại lệ đối với việc làm từ thiện.
Từ thiện, từ là thương, thiện là lành hoặc tốt; chung quy lại thể hiện một việc làm ý nghĩa, nhằm giúp cho mình ngày càng bộc lộ rõ cái nền tảng đạo đức căn bản của cá nhân, đồng thời mang đến cho người khác cả sự no ấm về mặt vật chất lẫn niềm hạnh phúc phương diện tinh thần. Nói theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”, âm vang lan rộng mãi đến tất thảy người còn sống, người còn tỉnh táo nơi đầu óc, người còn yêu thương đong đầy trong tim… cùng nhau cho đi Y & T.
Yêu và thương (Y & T), hoặc yêu thương: Biểu thị tình cảm đối với một ai đó, một đối tượng hay cá thể nào đó; thương xót, đau đớn khi thấy từ hai đến ba bốn năm sáu bảy… người nào đấy, họ khốn khó, khổ cực, vất vả trong nghịch cảnh trớ trêu bất hạnh, bản thân tự ý thức rằng hãy nên san sẻ, chia sớt, hỗ trợ và giúp đỡ.
Đi đến nhiều quốc gia khác nhau, tôi hay để ý những bà con kiều bào tại xứ người, họ sẽ sống ra sao và mưu sinh bằng công việc gì. Dù ai ai cũng nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, vươn lên một đời sống ấm no, độc lập, tự do và hạnh phúc. Khi kinh tế ổn định, lẽ tất yếu là họ chọn sẻ chia với dân nghèo nơi quê cha đất tổ. Điển hình là phần lớn họ gửi tiền về làm từ thiện với ý nguyện giúp được nhiêu thì giúp, lòng tìm chút niềm vui.
Ngày trước tôi ít giúp ai lắm, nói như vậy chẳng phải là tôi hại ai, chẳng qua là hạt yêu thương giữ kín sâu trong đáy lòng tôi, chúng chưa được nảy mầm, lên cây. Đến một ngày nọ, tôi có số tiền lớn khoảng năm sáu chục triệu đồng, thay vì để dành học lên trên chương trình thạc sĩ, nhưng tôi lấy số tổng ấy chia năm xẻ bảy ra để giúp lại các bạn sinh viên nghèo. Lẽ dĩ nhiên là tiền hết (tật không mang) mà lòng vui khôn xiết, khó có thể lấy gì diễn tả. Ngày đó tôi viết lại vào trang sách bằng một câu: “người nào trải nghiệm thì mới hiểu, thế nào là niềm vui của việc làm thiện”.
Quan điểm của tôi là “có nhiêu làm nhiêu”, nói kĩ rộng ra thành “có nhiều làm nhiều, có ít làm ít; hết thì ngưng lại, nghỉ làm, đợi có làm tiếp”. Bạn A bè B cũng y suy nghĩ này mà đúng không? Ắt hẳn người yêu thích làm từ thiện thì nói “có”, người chán ghét từ thiện thì bảo “không”, điều đó chẳng ảnh hưởng nhiều tới đạo lý: lòng yêu thương, sự cho đi – từ thiện, thương rồi yêu hết thảy đại đồng.
Bản thân làm từ thiện theo cách như vậy, bằng tiền của từ cá nhân. Tuy ít ỏi nhưng tấm lòng là lớn lao, cao cả. Ở đời mà, mình làm ít thì có người muốn làm nhiều, dù sao gì họ cũng mang cùng tâm là yêu thương. Nói cách khác, nói hai nhưng vốn dĩ y như một. Họ làm nhiều đồng nghĩa giúp được nhiều người, điều này rất tốt luôn đấy, chứ có sao đâu? Ai bảo khác, ắt là có lý lẽ diễn giải tối ư thuyết phục hợp lý vô cùng.
Đêm nằm mơ khơi nguồn dòng thức, thấy mẹ yêu thương mách bảo rằng “con ơi, duy có cách làm là chẳng giống thôi”. Sáng mai thức dậy tự nhiên mình thấy nghĩa ý quá hợp lý. Xưa kia tôi đi học mà hổng có tiền chi tiêu, gửi trả cho chủ nhà trọ, đóng tiền trường, sách vở,… Nay tốt nghiệp rồi quay ra quan sát ngoài kia có nhiều hoàn cảnh giống ta ở cái ngày xửa xa xưa, thế là quyết định tự tạo quỹ học bổng giúp sinh viên nghèo.
Còn bạn thì ngày trước tháng năm cũ nhà cửa bị ngập lụt dâng cao, xiết bao đau đớn vì thiếu ăn mất lương thực; bây giờ sống nơi thị thành xa hoa tự dưng biết trân trọng những gì đang có, và chia sớt phần nào vài gói mì, mấy ký gạo, chai dầu ăn, một cái phong bì ẩn chút tiền bên trong… tạo thành mấy chục túi quà gửi đến tận nơi cho bà con đang chịu đựng cảnh lũ lụt, thiên tai.
Cái gì cũng có lí do của nó, chẳng qua là mình chưa biết mà thôi. Biết nguyên nhân rồi thì trân quý tấm lòng tử tế của người làm từ thiện biết nhường nào.
Chiều ngồi nghe tí thời sự, có cô kia phát biểu dễ thương thật, “ngày hôm qua nước lên đến đầu gối lận” – lũ lụt về mang theo con nước lớn dâng tràn mênh mông, lênh láng, khiến thiệt hại nhiều thứ của người dân. Chú nọ chia sẻ “mấy nay tôi với một số anh em nữa phụ đi móc rác ở các nắp ống, nhằm khơi thông cống rãnh cho nước rút xuống nhanh”. Nước biển nước sông tuy lớn nhưng nào bằng nước mắt của kẻ cùng cực khổ. Muốn nước mắt họ bớt rớt rơi, tựa như mảnh đời tắt lịm nắng vắng nụ cười tươi thì chỉ cần mỗi người tự khơi thông sự hiểu biết về chủ đề nóng bỏng “từ thiện”, từ đó hãy làm bằng niềm tin sáng suốt, niềm vui rạng rỡ tự nhiên.
Bạn có nhiều làm nhiều, tôi có nhiêu làm nhiêu, tôi và bạn cùng có cùng làm: niềm vui này, ai có thể diễn tả, kẻ nào có thể so sánh. Vậy là thế giới bình, chúng hữu tình (người sống bằng tình thương thông qua những hành vi, ứng xử tốt đẹp) yên vui.
Việt An Khương
(từ Mỹ)