Gần 10 năm trước, khi mới tốt nghiệp, tôi đã từng viết một số tài liệu về tế bào mỡ và béo phì. Ngày đó, tôi đã đề cập đến việc hãy xem tế bào mỡ là một phần quan trọng của hệ thống nội tiết, chứ không phải chỉ đơn thuần là kho dự trữ của cơ thể.
- Covid-19: Từ nỗi sợ đến niềm tin vào những gì chúng ta đang có…
- Góc nhìn chuyên gia: Lời giải cho bài toán Covid-19 nằm ở đâu?
Theo thời gian, tôi thấy Việt Nam có cái nhìn thờ ơ với tế bào mỡ và tình trạng béo phì, có lẽ do tần suất bệnh ở nước ta chưa đủ lớn.
Cách đây vài năm, trong một lần tham gia đàm thoại sinh hoạt khoa học của Hội Sinh lý Việt Nam tại Đại học Y Hải Phòng, tôi có dịp trình bày lại về chủ đề này và đón nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các thầy cô trong ngành.
Trong các bài giảng cho sinh viên, thỉnh thoảng tôi vẫn đề cập đến góc nhìn béo phì từ sinh học và sinh lý, tuy nhiên vẫn không có thời gian đủ nhiều để đi sâu chi tiết.
Giới khoa học toàn cầu vẫn xem đây là một chủ đề rất hot, nhất là trong bối cảnh béo phì phát triển như một đại dịch lâu dài.
Hiện nay, trong đại dịch Covid-19, béo phì được y khoa nhắc đến là đối tượng làm gia tăng tỉ lệ tử vong khi nhiễm SARS-CoV-2. Điều này hoàn toàn đúng về mặt sinh học phân tử tế bào, bởi tế bào mỡ cũng tham gia vào quá trình tạo nên bão cytokine trong cơ thể, người càng nhiều mỡ thì cytokine tiết ra cũng sẽ gia tăng tương ứng.
Cytokine là một thành tố quan trọng của đáp ứng viêm quá mức trên bệnh nhân Covid-19 nặng, phối hợp với cái vòng xoắn tấn công lẩn quẩn của lympho CD8, chắc chắn sẽ đưa bệnh nhân vào tổn thương phổi và đa tạng.
Những ca nặng hầu như đến từ phản ứng thái quá của cơ thể với virus và tế bào mỡ tham gia vào đó chắc chắn không ít.
Để giải quyết cơn bão cytokine này, việc sử dụng lọc máu CRRT có màng lọc oxiris/cytosorb để loại bỏ cytokine là điều mà các bệnh viện tuyến cuối trong điều trị Covid-19 (như Chợ Rẫy, Nhiệt Đới, Trưng Vương, Phạm Ngọc Thạch…) đang tiến hành.
Bạn có thể lưu ý một số điều cơ bản về mô mỡ:
– Có 2 nhóm mô mỡ trong cơ thể: mô mỡ dưới da (thiên về chức năng dự trữ và điều nhiệt, phủ toàn cơ thể); mô mỡ tạng (thiên về chức năng nội tiết, nằm xung quanh các tạng như gan, quai ruột…, dân gian gọi là mỡ chài).
– Mô mỡ tạng: được cấp máu từ hệ tĩnh mạch cửa, không phải hệ chủ, nên mọi độc tố mà nó xì ra thì gan đều nhận đủ trước rồi mới phát tán ra toàn cơ thể. Mô mỡ tạng cứng chắc như mật độ thành bụng của người phụ nữ mang thai, dễ tiêu đi qua tập thể thao và kiểm soát cân bằng chế độ ăn. Đây là mô mỡ đóng vai trò chính trong mô hình bệnh béo phì, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn… và cả lên tiên lượng đáp ứng viêm quá mức ở bệnh nhân Covid-19.
– Béo phì có 2 kiểu: béo quả lê ở nữ (mô mỡ dưới da, mềm mại, độc tính thấp, khó tan khi luyện tập); béo phì quả táo ở nam (còn gọi là béo phì trung tâm, mô mỡ tạng, cứng chắc, độc tính cao, vai trò nội tiết và tiết cytokine mạnh, dễ giảm đi qua tập luyện).
Hãy mập thôi, đừng mập quá – tiêu chí này như một cách để giúp cơ thể chúng ta ứng phó tốt hơn với Covid-19 về mặt lâu dài, giảm tỉ lệ tử vong trong cộng đồng và góp phần chung tay cho xã hội chống dịch, bên cạnh việc tuân thủ 5k và khẩu trang.
Để đối phó lâu dài với Covid, về mặt y tế, phải củng cố lại thành trì kiểm soát bệnh mạn tính, trong đó có béo phì và các rối loạn chuyển hoá. Tôi cho rằng, không bao giờ được phép xem nhẹ và bỏ qua thành trì cơ bản này, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục sống cùng sự khủng hoảng trong nhiều năm tiếp theo.
Hãy cùng nhau chung tay từ những việc nhỏ mà thiết thực nhất, vì Sài Gòn và vì cả Việt Nam!
ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM)