“Có tình yêu vượt qua mùa đông…” (*)
(MTD) Một đàn con nít nằm vắt chân chữ ngũ trên đống rơm nhìn lên bầu trời, phía ấy là những cánh diều bay như giấc mơ của chúng. Nếu một lúc nào đó có thể cầm cọ vẽ, tôi nghĩ, những bức tranh đầu tiên của mình chính là vẽ về miền thơ ấu ấy. Trên cánh đồng lộng gió, đất nồng mùi rơm rạ – mùi của quê nhà mà có đi mãi đến chân trời người vẫn mang theo…
1.“Đêm thành phố đầy sao”.
Thật ra, tôi chưa từng thấy một thành phố đêm đầy sao trong suốt hơn 20 năm ở phố, có chăng chỉ là mảnh trăng chênh chếch ở bầu trời phía Tây. Thi thoảng những đêm không trăng, ra ban công ngồi nhìn căng mắt mới đếm được những vì sao trên ngón tay. Trong tác phẩm Một đêm (nhà xuất bản Trẻ, 2020) giáo sư Trịnh Xuân Thuận – nhà nghiên cứu thiên văn đã viết một ý rằng, nơi nào càng thôn dã xa xôi thì lại càng dễ thấy trời sao. Còn ở đô thị, sự “ô nhiễm ánh sáng” càng lớn, sao đêm vẫn hiển hiện đấy thôi nhưng đôi khi ta không thể nhìn thấy được.
Những khi được về thăm miền quê, hay trên biển, tôi cứ ngẩn ngơ nhìn ngắm bầu trời đêm. Ngày tháng đã trôi xa đến như vậy trong cuộc đời, vẫn thấy lòng mình còn mãi một phần của trong trẻo tinh khôi thơ bé để tìm về với vẻ đẹp vô tận mà bình yên của vũ trụ. Nơi thiên hà xa xôi ấy, có những năm tháng tuổi thơ tôi đã gửi những giấc mơ của mình lên đó, qua những cánh diều.
Những buổi chiều mùa hè của thuở lên mười, bọn nhóc tỳ luôn có hẹn. Đi học về, ăn trưa, ngủ một giấc dậy tắm rửa mát mẻ là hào hứng mang diều ra đồng. Điểm hẹn là trên những đống rơm đã khô sau mùa gặt. Chúng tôi xây hẳn những “lâu đài rơm” có phòng ốc cho mỗi đứa (gọi là phòng cho sang chứ chỉ là một cái hốc nhỏ đủ để một đứa con nít chui vào ngồi thu lu trong đó, vậy mà đứa nào đứa nấy đều mê tít). Diều xưa được các anh chị cắt dán bằng vở học trò, đứa nào có con diều đuôi dài thì tha hồ lên mặt. Các anh chị khéo tay chăm chút tỉa hoa bằng giấy màu rồi dán thêm vào, khi diều bay lượn trên trời, nhìn lên cứ thấy đuôi diều rực rỡ sắc màu dưới nền trời xanh. Đẹp như những giấc mơ thơ bé.
Chúng bạn mách, muốn ước mơ gì thì lấy cọng rơm vòng quanh dây thả diều rồi cột lại thành vòng tròn nhỏ như chiếc nhẫn. Cái vòng rơm sẽ tự cuốn theo dây mà lên cao tít. Diều bay càng cao lại càng thấy “ước mơ” như đang được gửi đến trời xanh. Có lần, một con diều của tôi bị băng dây, cứ bay bay mãi về phía xa tít của cánh đồng. Đứa trẻ tiếc của, chạy bời bời chân trần trên rơm rạ mà cũng chẳng thể nào đuổi kịp. Tôi đã tiếc mãi suốt mùa hè năm ấy. Dù những mùa sau anh tôi vẫn làm diều mới cho chơi, nhưng hình ảnh con diều đứt dây bay về tít mù luôn day dứt trong lòng. Hồi ấy tôi không biết nó có bị mắc trên ngọn cây, rơi xuống ao hay được bọn trẻ làng khác nhặt được làm của riêng. Cho đến bây giờ, tôi cũng không thể biết. Chỉ nhớ là, phía cuối sợi dây diều năm ấy, có biết bao chiếc nhẫn rơm mang theo ước mơ của một cô bé con 10 tuổi, đi mãi về chân trời…
2.“Làm sao về được mùa đông…”
Ngày tác phẩm Nửa đêm nằm nhớ (tạp văn, nhà xuất bản Trẻ, 2017) được ra mắt, tôi đã nghĩ khi nỗi nhớ sâu thẳm về quê nhà, về tuổi thơ được viết ra, mình sẽ…không còn nhớ nhiều như năm tháng ôm ấp ngày xưa mà hoài niệm. Nhưng không phải. Hóa ra, cố hương mãi mãi là một tiềm thức không bao giờ có thể quên trong cuộc đời. Ngày tháng có chất chồng bao nhiêu lâu, đời người có đón nhận bao nhiêu điều mới mẻ đi chăng nữa, thì trong một góc sâu nhất của ký ức, quê nhà như dáng hình thân thương mãi mãi không thể lãng phai.
“Làm sao về được mùa đông…” – câu hát trong ca khúc Nỗi nhớ mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang mỗi lần nghe lúc đông về, lại thấy lòng mình chìm vào một bờ bến mù sương nào của quá vãng. Mùa đông hay mùa xưa đều đã cách ngăn bằng cây cầu ký ức. Những mùa hè mãi mãi không thể quay trở lại để cho đứa trẻ của ngày xưa được thêm một lần vùi mình trên đống rơm, “chui” vào cái “hốc bà tó” của riêng mình với những điều bí mật nhỏ bé và những giấc mơ chỉ một mình mình biết. Nhiều năm về sau này, nghĩ lại, tôi đã rất nhớ cô bé con ngày ấy. Muốn gặp lại một lần để nói với cô bé ấy rằng, đừng lo và đừng khóc nữa, những giấc mơ từng một thời gửi gắm lên cánh diều băng dây, tôi đã thay cô bé thực hiện rồi. Đã làm được nhiều hơn cả những mong ước thuở nào. Rồi khi quay đầu nhìn lại, mới nhận ra rằng giấc mơ của tôi, bầy giờ là chỉ một lần được về nghe mùi rơm rạ đồng chiều, cười đùa trong vắt như ngày xưa. Mà đâu còn được nữa.
Hiện tại mãi mãi là một món quà quý giá nhất của mỗi người nhưng chúng ta thường không nhìn thấy. Để đến một lúc nào đó, khi hiện tại trở thành “ngày hôm qua”, mới thấy lòng mình nhớ sắt nhớ se về một miền yêu thương chỉ còn có thể tìm trong nỗi nhớ. Rưng rưng…
Nhà báo – nhà văn Bùi Tiểu Quyên
(*) Lời ca khúc Xin lỗi, thơ Nguyễn Thiên Ngân, nhạc Hồ Tiến Đạt
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát
- Nghe mùi thơm bông lúa chợt nhớ mái trường xưa
- Mùi tết quê ngoại
- Mùi pháo Tết chỉ còn là hoài niệm
- Mùi của mùa sinh khởi
- Cảm xúc xuân
- Có tật có tài
- Viết về một vùng trời tím những đợi mong
- Nhớ mùi hương bánh tổ quê ngoại
- Mùi Tết của Thạc sĩ Tâm lý