(MTD) Tôi thích gọi tổng thể những thứ khiến tôi xốn sang khi đi xa lòng luôn hướng về nhà là “mùi Tết” – nó gần gũi, dân dã và đậm tình thôn quê.
Mùi Tết cũng như mùi rơm, mùi rạ, mùi hoa sữa, hoa sứ… nhắc đến là nhớ nhà, nhớ làng quê nhỏ yên bình với những nét chấm phá đặc trưng trong từng bữa cơm, nết hỏi thăm, chuyện trò… rất ngọt lành.
Tôi mường tượng rằng, nếu có lý do gì đó khiến tôi phải ở lại Sài Gòn đón Tết, chắc tôi sẽ buồn đến phát bệnh, còn nhà tôi chắc không buồn ăn cơm chứ nói gì ăn Tết… và “mùi Tết” sẽ thành thứ mùi gì đó không còn tròn đầy, đủ vị nữa. Cũng bởi cảm thức ấy nên tôi thương những người con xa quê không thể về sum họp, những cha mẹ già lội ra lội vào đầu ngõ ngóng tin con, nhỡ năm nay không thấy mặt nhau, Tết rầu thúi ruột, bữa cơm có khi lại chan nhòe nước mắt. Nghĩ tới thôi đã đứt ruột đứt gan thì sao nỡ mượn cớ nào để không về?
Cuối năm, gác bút xuống, buông viên phấn là chỉ muốn chạy vèo về nhà để nói với Má và thắp nén hương cho Ba rồi nói “Con về rồi!”, để chia cho tụi nhỏ ít quà bánh, dụng cụ học tập hay vài bộ đồ mới phảng phất “mùi Sài Gòn”, thơm “mùi Tết”!
Mùi Tết là thứ mùi riêng theo cảm nhận mỗi người nhưng chung quy lại cũng từ mùi hương dìu dịu của mai vàng, đào thắm, bánh mứt hay cốm nếp, rồi cả bánh chưng, bánh tét và không thể thiếu mùi hương đốt trên bàn thờ… chúng có thể trộn vào nhau để tạo nên nét đặc trưng Tết Việt – thứ mùi có mãnh lực níu tay, kéo chân, khơi gợi cảm xúc gia đình nơi những đứa con lữ thứ, tha phương. Năm nào cũng nếm trải, thậm chí là cường độ “níu kéo” mỗi năm một tăng lên…
Với người quê tôi mà nói, Tết không mai như nhà không mái, mất hết cả vui. Vậy nên từ năm nào tôi cũng không nhớ, nhà đã sẵn nhiều gốc mai, tầm hơn 15 – 20 tuổi đời, người dân quê tôi quen gọi là “mai cậu” hay “cậu mai” (từ “cậu” theo tôi là từ đọc chệch đi của từ “cội” tức là cây già/lâu năm), nó là một phần linh hồn của ngày Tết quê nhà.
Độ rằm tháng chạp là anh em tôi nhảy tót lên cậu mai để tuốt lá, cây nào sung sức thì tuốt sau, cây nào hơi èo uột thì hái trước đến Tết nó nở hoa là vừa. Mười gốc mai to đùng phải bỏ trưa bỏ sớm lẫy lá thì may ra 2 – 4 ngày mới xong. Thành quả đáng chờ đợi nhất là mai trổ hoa đúng ngày Mồng một Tết, nếu trổ trước thì hơi tiếc vì người dân quê tôi quan niệm đó là lộc, là dấu hiệu may mắn của cả năm mới. Mai sẽ nở đều và rực rỡ một góc trời sau khoảng 2 ngày, lúc đó chỉ cần bình tâm ngắm hoa vàng, ngửi hương thoảng đã đủ thấm thía cái mùi năm mới rồi.
Nhớ hồi còn bé xíu, Tết về còn được mua và sử dụng pháo thì đúng là vui nổ trời. Tiếng pháo đì đùng làm cho lũ con nít reo hò tíu tít, còn chó mèo sợ chạy tứ tán. Chút thuốc pháo còn sót lại sẽ được đám nít tận dụng, một tí mồi lửa là sẽ sáng lóa lên, chỉ là, nếu không khéo thì lửa bừng lên cháy xém cả tóc, cả da và đi luôn hàng chân mày, lông mi – một hậu quả dở khóc, dở cười của mấy người chơi xác pháo hay gặp. Anh trai tôi ngày xưa bị cháy trụi chân mày nên trốn luôn ở nhà, không dám đi chơi Tết vì sợ bị chọc quê. Nghĩ lại giờ tôi vẫn còn nhớ một tuổi thơ dữ dội, đáng ao ước của trẻ thơ.
Không thể nào kể thiếu món cốm nếp miền Trung được – nó cũng giống như cốm Hà Nội nhưng được làm từ nếp đã bóc vỏ sau khi thu hoạch, phơi khô. Người ta mang nếp rang lên cho nở thành những bông cốm trắng, nhặt bỏ phần trấu đi và nấu một nồi nước đường to tướng trong đó có gừng, me, quế, có dừa tươi, thơm… rồi lấy hỗn hợp này trộn đều với cốm thô khoảng hơn 10 phút thì đem ép chặt thành khối vuông/khối chữ nhật. Quê tôi gọi đó là “hộc cốm” (hộc trong từ hộc bàn), sau đó mang phơi khô cho đều sáu mặt và gói giấy màu hoặc giấy gói quà thiệt đẹp, cắt hoa dán lên đem trưng cho ông bà. Mùi cốm ngọt nhẹ, chua chua, cay cay… luôn là món khoái khẩu của tụi con nít và cả người lớn mỗi khi đói bụng, lúc uống trà hoặc thèm đồ ngọt.
Mùi bánh chưng, bánh tét không lưu hương hay bay xa như cốm như hoa nhưng đủ sức làm người ta thèm thuồng. Cứ lá chuối sau hè, nếp dẻo thơm, đậu xanh, nhân ngọt hoặc mặn hòa quyện với nhau là thành món khoái khẩu của nhiều người, nhất là những người xa quê hoặc hay hoài niệm. Rót chút nước chấm, thêm tí củ kiệu, dưa món, tí ớt nữa là hao bánh thôi rồi!
Nhiều người hay bảo: Không “chưng”, không “tét” là không Tết nên ở quê người ta chú trọng đến sự xuất hiện của chúng dữ lắm, rồi cách gói, cách luộc và bảo quản sao cho lâu đều được truyền từ đời này sang đời khác. Thời chưa có internet thì “huấn luyện viên” không phải “chị Google” mà là Má, là Chị… Nhờ năm nào cũng được chỉnh đốn vụ làm bánh nên xấp nhỏ quê tôi gần như đứa nào cũng biết gói bánh chưng, bánh tét – đến Tết là xắn tay lên phụ làm, chứ không có ai được “ngồi chơi xơi nước”. Chắc vậy nên cái gì chúng cũng tự làm được khi vừa lớn và có thể tự chuẩn bị một cái Tết chu đáo nếu người lớn bận rộn.
Không biết quê bạn có chuẩn bị bánh thuẫn, bánh kẹp để đãi khách hay không, nhưng quê tôi nhà nào cũng chuẩn bị mấy kí hết trơn, rồi làm mứt gừng, mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt bí đao… Cứ kể tới là nghe mùi chua, cay, ngọt xộc thẳng vào mũi, thèm có mặt liền ở nhà để thưởng thức.
Còn nữa, mùi của “no ấm” hoặc “đói meo” còn được quyết định bởi nồi măng và nồi kho tàu. Ai ăn mặn thì kho măng với thịt, thịt với trứng. Gia đình tôi nấu chay thì kho măng với tàu hũ hoặc chả chay. Măng ăn kèm với bánh tráng, rau vườn, dưa leo, còn kho tàu ăn với cơm, dưa chua các loại… Ôi thôi! Nhắc đến là không cưỡng lại được sự nhớ nhung các “mùi vị” ấy, muốn ăn liền “một bữa no” cùng gia đình.
Quê các bạn còn có mùi gì nữa? Các bạn đã nhớ quê, nhớ nhà, nhớ ba má, anh em chưa?
Bạn đã chuẩn bị để về quây quần bên mâm cơm với đầy đủ “mùi vị gia đình” chưa? Bởi nếu có cơm ngon, canh ngọt hoặc cao lương mỹ vị mà ăn một mình thì đâu còn gì ý nghĩa, cái mùi gia đình là thứ khiến luyến lưu tâm hồn, khiến đi xa là nhớ, khiến đêm nằm mơ cũng giật mình bật khóc nếu thiếu vắng lâu ngày. Cả năm trời xoay vần với cơm áo gạo tiền, đến chăm chút cho bản thân mình còn là điều xa xỉ thì nói gì đến chăm chút cho Ba, cho Má, cho anh chị em. Vậy nên, chúng ta phải tranh thủ, Tết được nghỉ dài ngày là phải về. Vì ai biết được, mình còn sum họp bên gia đình bao nhiêu cái Tết nữa, việc trân trọng từng cái Tết được bên cạnh nhau là điều nhất định phải tự nhắc nhở. Về để được ngồi cạnh Má, trò chuyện với Ba và anh em, được tỉ tê đủ thứ trên đời, được hờn, được giận, được vỗ về yêu thương… mà không nơi đâu kiếm tìm được.
Mùi quê hương, mùi gia đình, mùi Tết trong tôi luôn chộn rộn mỗi lần nghĩ tới, càng cuối năm, càng hanh hao mong ngóng được về để tắm cho thỏa cái mùi đặc biệt ấy.
ThS Tâm lý Lê Minh Huân
(Đại học Quốc tế Sài Gòn)
Nhang Bảo Trầm – https://baotram.vn/
– Đơn vị tự chủ nguồn nguyên liệu,
– Cam kết cung cấp sản phẩm nhang được làm từ 100% trầm hương nguyên chất.
– Để tìm hiểu thêm, quý vị vui lòng truy cập:
Tiki: https://info.baotram.vn/tiki
Shopee: https://info.baotram.vn/shopee
Lazada: https://info.baotram.vn/lazada
- BÀI CÙNG MỤC:
- Hương quê…
- Hanh hao mùi Tết
- Khói ơi…
- Khoảng trống giữa trời
- Má đợi con về
- Nhớ mùi Tết xưa xứ Quảng
- Mùi chùa quê
- Mùi khói tết của mẹ
- Mùi trà – vị đạo hương quê
- Mùi vạn thọ
- Mứt gừng – vị cay cay, mùi thơm ngát
- Nghe mùi thơm bông lúa chợt nhớ mái trường xưa
- Mùi tết quê ngoại
- Mùi pháo Tết chỉ còn là hoài niệm
- Mùi của mùa sinh khởi
- Cảm xúc xuân
- Có tật có tài
- Viết về một vùng trời tím những đợi mong
- Nhớ mùi hương bánh tổ quê ngoại