Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Chân trần trên đất Phật

Tôi đến Myanmar không chủ đích, cũng như chưa có kế hoạch gì trước đó. Tôi chưa từng nghĩ đến một lúc mình sẽ tham gia một cuộc hành hương qua các ngôi chùa cùng với một đoàn người gồm các “anh chị” bô lão.

Vốn dĩ tôi thường tự mình mua vé máy bay và sắp xếp các điểm đến khi đi du lịch nước ngoài. Nhưng lần này tôi chẳng có lý do gì để từ chối giá tour tiết kiệm của người bạn làm hướng dẫn viên du lịch cho đoàn. Thoạt đầu tôi tỏ ra chẳng mấy hào hứng, chỉ đơn giản là leo lên xe và lặng lẽ cùng dòng người của đoàn tour đi qua các vùng đất và những ngôi chùa của Myanmar. Thú thật mà nói, tôi chạy trốn Sài Gòn.

Nhưng khi đặt chân đến bất cứ nơi nào, Myanmar cũng nhìn tôi mỉm cười trìu mến. Có lẽ là nụ cười của Đức Phật?

Hôm trước khi đi, có người bạn dúi vào tay tôi ít tiền, nhờ tôi qua bên đó mua hoa lễ Phật rồi thay bạn cúng dường. Tôi làm như được dặn. Ở nơi nào tôi cũng khấn nguyện người bạn phương xa đó được đặt chân đến đất Phật, được chiêm ngưỡng ánh nhìn của Người, để hào quang của Người soi rọi con đường khổ hạnh của bạn và dìu dắt con đường của tôi nữa.

Nhưng trên hết, tôi nguyện cho những người xung quanh được hưởng trọn những giây phút sống trong hiện tại, nhìn thấu được nỗi khổ mà thoát khổ. Tôi nguyện đứng dưới hào quang của Đức Phật và những lời dạy của Người làm kim chỉ nam trên con đường hóa giải tham sân si.

Khi đứng trước Người, tôi nguyện đứng dưới ánh sáng của Người để sống những giây phút của hiện tại và để quá khứ lại trong vòng nhân quả.

Tác giả dâng thực phẩm cúng dường chư Tăng trong chuyến hành hương Myanmar

Theo truyền thống Phật giáo Tiểu thừa (Nam tông), chỉ cho phép chư Tăng dùng bữa trong ngày trước mười hai giờ trưa. Theo lời khuyên của chị hướng dẫn viên, chúng tôi mua trà, sữa, cà phê, bánh vào Thiền viện cúng dường cho đoàn sư khất thực. Khi xong, tôi nhắn tin về cho bạn. Cảm thấy lòng hoan hỉ trong tin nhắn và trả lời của bạn, chúng tôi nguyện công đức đó được chia sẻ cho mọi người.

Tôi nhớ cách đây vài năm có hỏi một người bạn khi đi lễ chùa. Bạn nói mình cầu xin gia đạo và bình an. Bạn tôi cũng như bao nhiêu người đi chùa, có ai quỳ trước tượng Phật mà không mong cầu hoặc cầu xin điều gì cho bản thân và gia đình mình đâu? Nhưng trên hết, Đức Phật không mong mỏi chúng sanh thoát khổ bằng con đường vinh hoa phú quý, bởi chính Người đã từng từ bỏ con đường đó, nơi mà Người nhìn thấy chúng sanh ngụp lặn trong bể khổ của nhân quả, của tham sân si, của nhân gian điên đảo.

Cá nhân tôi nghĩ, ở bất cứ nơi nào, cho dù có đứng trước Đức Phật thì cũng xin nguyện sống cuộc đời thanh sạch, để khi nhìn lên hình hài của Người, ta có thể nhìn lại vào bên trong mình. Và con đường đi đến hạnh phúc là một quá trình tu tập bản thân, và tất nhiên là không có con đường tắt cho bất cứ ai, bất kể sang hèn, bất kể đẳng cấp.

Kiến trúc chùa Nam tông tại Myamar. Ảnh: Nguyễn Đinh Khoa

Ở mỗi nơi tôi đến, ngoài kiến trúc chùa chiền Phật giáo Myanmar, tôi còn cảm nhận được nét đẹp trong văn hóa của họ. Khi bước vào bậc thang đầu tiên trên đất chùa, chúng tôi phải cởi giày dép và cả vớ đặt bên ngoài ngưỡng cửa rồi đi bộ lên mấy tầng bậc thang trước, có đoạn gần cả cây số đến khi diện kiến Người. Các du khách nữ mang vớ màu da cũng buộc phải cởi ra. Điều này hơi khác với người Việt chúng ta chỉ cởi giày dép ở trước ngưỡng cửa bước vào sảnh điện mà thôi.

Người phương Tây và có thể cả người Châu Á chúng ta tin rằng việc cởi bỏ giày dép là giữ tôn nghiêm nơi đất thiêng, ngay cả khi đó là cách chúng ta thể hiện lòng tôn kính đến Đấng Giác ngộ. Nhưng nếu mang vớ liệu có làm lấm lem đất Phật? Tôi không tiện hỏi chị hướng dẫn viên, thế nên tự tìm cách lý giải của riêng mình.

Còn nhớ lúc Đức Phật khoác áo tu sĩ trên con đường Giác ngộ, Người đã đi tìm chân lý trên đôi chân trần của mình, và rồi bước qua bao nẻo đường để soi sáng chúng sinh. Phải chăng là thất lễ nếu chúng sanh trên con đường tìm đến Người lại mang theo bụi phàm trần thế kia? Phần thì tôi nghĩ bước đi trên mặt đất với đôi chân trần mới có thể cảm nhận được mặt đất ẩm ướt, cát đá gồ ghề, hay hơi nóng bỏng rát của buổi trưa nhấp nhỏm dưới lòng bàn chân. Khi đó con người mới nhìn xuống mỗi bước chân của mình, đếm từng bước một, lắng nghe hơi thở của mình trong sự vỗ về của trời đất.

Con người hiện đại trong những đôi giày êm ái dường như đã quên đi sự tiếp xúc với sự vật xung quanh và trên hết là hiện thân của chúng ta trong cõi Ta-bà giả tạm.

Tôi có dịp nhìn xuống những bước chân và lắng nghe âm thanh thì thầm của chúng với mặt đất. Tôi thấy mình nhỏ nhoi như những hạt cát giữa biển khơi bao la, nghiệm ra sinh mệnh con người cũng như vạn vật không thể thoát khỏi bánh xe luân hồi. Và rồi đến một lúc nào đó hết thảy những thứ vật chất trang sức mang theo người cũng trở thành vô nghĩa khi thân thể trở thành cát bụi. Hóa ra dù có tranh giành cao thấp với nhau trong đời sống này thì cũng chẳng hơn thua gì nhau trong cảnh sinh diệt. Hóa ra có trách nhau trong đời sống này chỉ là cứ mãi kéo theo duyên nghiệp đến những kiếp sau. Hóa ra con người cũng không hơn một sinh linh khác, chẳng có gì bất di bất dịch. Duyên nợ coi như trôi vào hư vô.

“Hữu tử tất hữu sinh,

Hữu sinh tất hữu tử

Tử vi thế sở bi,

Sinh vi thế sở hỷ

Bi hỷ lưỡng vô cùng,

Hỗ nhiên thành bỉ thử.

Ư chứ sinh tử bất quan hoài.”

(Thơ Trì Bát thiền sư)

Chư Tăng thọ trai. Trước đó, các vị sẽ thực hiện thời kinh phúc chúc đến Phật tử, tín chủ. Ảnh: Nguyễn Đinh Khoa

Phật giáo Tiểu thừa khiến người dân nước này đề cao quá trình tu tập khổ hạnh và nghiêm khắc hơn bất cứ nơi nào. Cho rằng Đạo Phật là con đường chánh đạo, 80% dân số, và cũng ngần ấy dân số trước tuổi mười chín tự nguyện vào chùa tu niệm và thực hành giáo pháp. Họ có thể trở thành nhà sư sau đó, hoặc có thể không. Đó là văn hóa mang tên xuất gia gieo duyên hay xuất gia báo hiếu của các nước Phật giáo Nam truyền. Nhưng có thể thấy, những ngày tháng được bao bọc trong giáo pháp là dịp con người nhìn nhận bản thân mình, để học điều hay lẽ phải, học cách cho đi và nhận lại, học cách yêu thương, học cách sống hài hòa với vạn vật, và quan trọng hơn là nhìn vào bản thân mình để sống hạnh phúc.

Khoan hãy nói đến việc có bao nhiêu trong số họ thực sự thành công trên con đường giải thoát khổ đau, nhưng một thế giới tốt đẹp hơn có lẽ được xây lên từ những thềm bậc đầu tiên này.

Việc hằng ngày nhìn thấy những bất ổn cũng như những bất công trong xã hội khiến tôi nghĩ nhiều về cách hành xử của con người. Phải chăng những người lãnh đạo của các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của đạo Phật, và ngay cả những người thừa hành chưa từng một lần soi rọi bản thân mình để mưu cầu hạnh phúc thực sự đúng nghĩa? Tôi thấy chạnh lòng, bởi hằng ngày người ta lễ bái Phật và chư Tăng, cúng dường với vô số của cải để mưu cầu sự “an tâm” vì đã được Thần/ Phật che chở cũng như hy vọng tìm kiếm hạnh phúc bấp bênh. Nhưng chẳng mấy ai thấy được đạo đức đang bị bôi nhọ, giá trị con người đã thay đổi ngay cả khi chính bản thân họ cứ nói về giáo pháp như một tuyên ngôn về hạnh phúc.

Các pháp hữu vi đều sinh diệt, thấy được vô thường ta sẽ tiến bước bình an trong cõi đời này. Ảnh: Nguyễn Đinh Khoa

Tôi chỉ xin kết bài viết này bằng niềm hoan hỉ vì đã ngộ ra thân mình như một hạt cát nhỏ trong cõi Ta-bà này. Vì thế tôi trân trọng những giây phút của hiện tại này, tin tưởng vào những việc tốt nhỏ bé thành tâm và nguyện cho những ai đọc được những dòng này cũng được hạnh phúc.

Nguyễn Đinh Khoa

________

* Tác giả là cây bút trẻ, một kiến trúc sư đang giữ vị trí giám đốc dự án Công ty cổ phần đầu tư & phát triển Viva Land. Với truyện dài Độc hành, Nguyễn Đinh Khoa đã đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 6, năm 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!