Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

Đảnh lễ Phật hay đảnh lễ chính mình?

maythongdong

(MTD) Ai theo đạo hoặc từng đọc kinh sách nhà Phật chắc cũng đều nghe qua bài kệ “Quán tưởng” khi đảnh lễ Phật như sau:

Năng lễ sở lễ tánh không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì

Ngã thử đạo tràng như Đế Châu

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ

Dịch nghĩa:

Phật, chúng sanh, tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Lưới đế châu ví đạo tràng

Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời

Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y

Trước nay, vì du nhập vào các địa phương khi truyền giáo mà đạo phật ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng khác (như Đạo giáo, Nho giáo) hay bởi văn hoá tín ngưỡng đa thần trong dân gian (như đạo thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ tại Việt Nam). Đa số Phật tử đến chùa lễ bái đều theo đó mà bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng ở địa phương nơi mình sống, đưa đến hiểu sai thâm ý và làm thay đổi gần như hoàn toàn ngược lại những gì Phật đã làm trước đây.

Có người đến chùa lễ Phật để cầu tiền tài hạnh phúc, cầu thi đỗ trường nọ trường kia, cầu thăng quan tiến chức làm thầy này bà nọ. Có người đến chùa lễ Phật để cầu sức khỏe, cầu không bệnh tật, không phiền não, cầu sau khi chết được hưởng phước báu về Tây phương Cực lạc.

Cũng có người tâm rộng lớn hơn đến chùa lễ Phật để cầu cho thế gian hoà bình, cầu cho không khói lửa chiến tranh, cầu cho đất nước thái hoà an vui, cầu cho người chết được vãng sanh Tịnh độ… Rồi xét cho cùng, những cầu xin ấy có nhận được sự ứng nghiệm từ chư Phật và chư Bồ-tát hay không? Câu trả lời tự trong tâm mỗi người đều có, chỉ là ai cũng cố chấp không chịu thừa nhận.

Bản thân chúng sinh tham sân si đủ cả, nhưng lúc nào cũng thấy mình yếu ớt, luôn muốn tìm chỗ tựa nương và cầu xin sự giúp đỡ. Lẽ tất nhiên, con đường của ai người nấy đi, không một ai khác kể cả Phật có thể thay thế con đường của mỗi chúng sinh được. Chúng ta muốn Giác ngộ, muốn thành Phật, muốn xoá đi ưu phiền khổ não và những đau đớn của xác thân, thì sao lại đi cầu xin từ Phật những điều khổ sở đó, để rồi cầu không được lại mang thêm nỗi khổ mới nhiều hơn vào lòng (cầu bất đắc khổ)?

Ai cũng hiểu tiền tài, vật chất, xác thân, danh lợi… là những thứ mang lại khổ đau, vậy mà ai đến chùa hay đọc kinh cũng đều không ngoài mục đích xin đón rước những cái khổ ấy mang về? Vậy có phải là miệng niệm Phật mà chân thì bước đi tìm quỷ dữ, để rồi ngày càng rời xa Chánh pháp nhưng bản thân cũng không ý thức được việc đó là mê lầm lạc lối?

Chư Tăng cung kính chắp tay đảnh lễ Tam bảo. Ảnh: Chùa Ba Vàng

Vậy lễ Phật là lễ ai và tại sao phải lễ Phật?

Câu đầu tiên của bài kệ “Quán tưởng” đã được Phật chỉ bảo rất rõ, nhưng mấy ai cảm và hiểu rõ ràng rành mạch, hay chỉ là đọc cho có đọc, tụng cho có tụng, rồi tâm thức vẫn u mê, bản ngã vẫn như thân trâu chưa tìm được người chăn, kinh văn vẫn bay theo làn khói hương xa xăm mờ ảo…

“Năng lễ sở lễ tánh không tịch”

(Buddhas and living beings are in nature empty and still)

Năng lễ là người đảnh lễ, hay người quỳ lạy, hay chính là chúng sanh. Sở lễ là người nhận lễ, hay người được lạy, hay chính là Phật. Cả hai nhân vật này đều có một điểm rất giống nhau là “tánh không tịch” hay “tánh rỗng lặng”. 

Rỗng lặng chính là thuộc tính chung của vạn vật, của vũ trụ, cũng chính là chân tánh của mỗi con người, mỗi chúng sinh. Con người có đủ các giác quan (lục căn) gồm nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý để cảm nhận lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nhưng cũng vì sở hữu lục căn nên con người bị nó trói buột không rời ra được. Chúng ta thường chỉ nghe những gì mà tai nghe được, thấy những gì mà mắt thấy được, ngửi những gì mà mũi ngửi được, nếm những gì mà lưỡi nếm được, sờ những gì mà da sờ được, hiểu biết những gì mà ý thức nhận ra được. Những gì còn lại nằm ngoài lục căn và lục trần, con người không biết và cũng có xu hướng phủ nhận sự tồn tại của những thứ ấy.

Lấy ví dụ, chúng ta nghe được tiếng nói, được âm sắc, trong khi bản thể thường hằng bất sanh bất diệt của vũ trụ là sự lặng yên. Tiếng nói, âm sắc cất lên trong một phút chốc nào đó rồi biến mất đi nhanh chóng, trả lại sự lặng yên như vốn có trước đó. Nhưng tai người không thể nghe được sự lặng yên nên ta phủ nhận nó, mặc dù nó vẫn tồn tại thường hằng vĩnh cửu. Có những lúc, đối diện hay bên cạnh một người, chỉ nhìn nhau thôi không nói lời nào cả, ta vẫn cảm nhận đây là một người lương thiện, thật thà, dễ gần. Lúc đó, ta đang lắng nghe sự lặng im từ chính người đó.

Tương tự như vậy, vạn vật, cỏ cây, muôn thú, không gian, thời gian… đều có thể được lắng nghe qua sự im lặng (Quán Thế Âm), một sự lắng nghe vượt khỏi cảm nhận của đôi tai trần tục. Bản thể thật sự của vũ trụ (hay nhiều tôn giáo gọi là Thượng đế hoặc Chúa trời) chính là “tánh không tịch”, hoàn toàn rỗng lặng, không mùi không vị không âm không sắc không sờ không ý thức được.

Cái “rỗng lặng” vô biên vô cùng tận đó phủ trùm lên toàn bộ những cái “động” giả tạo, huyễn hoá (như âm thanh, màu sắc, mùi vị, cảm xúc, ý thức). Giác ngộ hay giải thoát sẽ đạt được khi tâm mình nhận ra được bản thể thật sự của thế giới và của chính mình là bất sanh bất diệt bất tăng bất giảm, là giống hệt nhau giữa muôn loài, giữa hết thảy chúng sinh. Do đó, nghe được những cái không thể nghe, thấy được những cái không thể thấy, nếm được những cái không thể nếm, ngửi được những cái không thể ngửi, sờ được những cái không thể sờ, hiểu được những cái không thể hiểu… cũng chính là lúc ta nhận ra được bản tánh thật sự của chính mình, giống như Lão Tử có viết:

Đạo khả đạo phi thường đạo

Danh khả danh phi thường danh

Đạo mà nói ra được là đạo gì thì đó không phải là cái đạo thường hằng. Tên mà nói ra được là tên gì thì đó không phải là cái tên thường hằng. Mọi thứ huyễn hóa (tức là giả) đều có thể thay đổi theo không gian và thời gian, thậm chí phủ định nhau, cái sau sanh ra sẽ diệt đi cái trước, chỉ có cái bản chất thường hằng giống nhau của vạn vật mới là bất sanh bất diệt. Chúng ta thường chỉ nhận ra mặt giả (mặt sanh diệt) của vạn vật là vì nó động, cái động thì dễ thấy dễ nhìn bằng lục căn, cái im lặng thường hằng mới là cái khó thấy khó nhìn khó biết.

Khi chúng ta đã nhận ra được cái thường hằng, cái im lặng không đổi bên trong mình cũng chính là lúc chúng ta nhận ra được bản chất thật của mình, nhận ra được mình và phật giống nhau như một thể thống nhất (Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành). Thời khắc ấy chính là thời khắc giác ngộ (giải thoát) hay có nghĩa là “Phật đã thành”.

Nói như vậy, để giác ngộ, để thành Phật có lẽ quá dễ dàng và nằm trong tầm tay của tất cả chúng sinh? Đúng là như vậy. Tuy nhiên, Phật là đấng toàn giác, Phật nhìn thấy hết thảy chúng sinh đều là Phật (Phật và tâm trở thành một). Còn chúng sinh không nhìn ra Phật, mà nhìn thấy chúng sinh xung quanh mình vẫn là chúng sinh tầm thường với đủ đầy tham sân ái ố hỷ nộ, thành ra vẫn nổi sinh lòng ganh ghét khinh khi. Cái Phật tánh của con người do đó leo lét như ánh sáng đêm trăng bị mây mờ che phủ, có lúc chợt thức tỉnh (giác ngộ tạm thời), chợt đem lòng yêu thương san sẻ với người xung quanh. Giây phút ấy trôi qua, Phật tánh lại bị vùi ẩn trong một góc quên lãng, tham sân si lại nổi lên, đưa con người trở lại cuộc sống đời thường, không còn yêu thương, không còn nhẫn nhịn, không còn tĩnh lặng như cái tâm thường hằng vốn có. Nên mới nói, giác ngộ thật dễ mà cũng thật khó, vì tâm luôn xáo động, không nhận ra được chân tâm và Phật tánh trong bản ngã của mình, hoặc nhận ra rồi lại mau chóng quên đi mà tự tìm đến những khổ đau.

Lễ Phật

Lắng nghe im lặng

Như vậy, tới đây, vẫn chưa rõ đảnh lễ Phật là đảnh lễ ai và vì sao phải đảnh lễ Phật? Nếu ta hiểu Phật và ta chính là một, đều là “tánh rỗng lặng” thì rất dễ hiểu rằng ta đảnh lễ Phật chính là ta đang đảnh lễ với bản thân ta trong chánh niệm, chánh pháp.

Phật chính là cái “ta” đã giác ngộ, đã giải thoát. Ta đảnh lễ người chính là đảnh lễ “Phật tánh” trong ta. Người quỳ lạy là Phật (sẽ thành), người nhận lạy cũng là Phật (đã thành). Hai cái tâm đó không khác gì nhau, giao hòa vào nhau, đảnh lễ cùng nhau (cảm ứng đạo giao). Sự giao hòa ấy không thể diễn tả hết được bằng ngôn ngữ và lời nói (nan tư nghì).

Lắng nghe im lặng sẽ giúp chúng sinh nhận ra được cái tâm chân như bất sanh bất diệt của mình, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết “đôi khi ta lắng nghe ta”. Làm sao để hướng cái “đôi khi” tạm thời thoáng qua ấy trở thành cái thường hằng vĩnh cửu là do tự nơi chúng ta.

Như vậy, ta lễ Phật cầu xin mọi thứ tiền tài danh vọng ham muốn, có khác nào là ta đang tự cầu xin chính bản thân mình, làm vẩn đục đi cái tâm chánh pháp của chính mình, gợi lên tham sân si, đưa ta đến đau khổ vô minh?

Ngày ngày ta lễ Phật là để lễ bái chính cái “Phật tánh” trong ta, đánh thức nó dậy, để nhắc nhở ta không được phép quên đi thực tánh rỗng lặng thường hằng của mình, tự mình nương mình mà tìm ra và đi theo con đường giác ngộ bằng chính đôi chân Phật của mình. Nếu làm được như vậy, thì ta chính là Phật, xung quanh ta vạn vật cũng đều là Phật. Dù cho một người có tâm ác đến đâu thì đó cũng là cái “động”, cái không “tĩnh lặng” do lục căn và lục trần chi phối, còn bản tánh rỗng lặng bên trong vẫn tồn tại mà chưa được nhận ra. Nếu có phải lễ bái những chúng sinh như vậy thì âu cũng là đang lễ bái Phật tánh trong họ, lễ bái chính Phật tánh trong ta, giúp cả ta và họ nhận ra được Phật tánh rỗng lặng thường hằng của đất trời, vũ trụ.

*

Bài viết này có vào đề, có triển khai, nhưng sẽ không có kết luận bởi lời kinh Phật chỉ một câu mà đã là “nan tư nghì” (không thể nói đến tận cùng), chỉ xin được quán chiếu lại bằng một lời hát vừa gần với đạo vừa gần với đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe

Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe

Im lặng của đời tôi đã lắng nghe

Tôi đã lắng nghe trái tim lạc loài

Bao đêm đã qua im lặng của người

Tôi đã lắng nghe im lặng của tôi

Im lặng giòng sông tôi đã lắng nghe

Im lặng ngọn đồi tôi đã lắng nghe

Im lặng thở dài tôi đã lắng nghe

Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài

Sau cơn bão qua im lặng mặt người

Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay

Tôi đang lắng nghe im lặng cuộc tình

Sau một cuộc tình tôi đang lắng nghe

Khi hoa héo khô im lặng nụ tàn

Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe

Tôi đang lắng nghe im lặng đời mình

(Tôi đang lắng nghe – Trịnh Công Sơn)

ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!