Welcome to Letterz
Get the Book
for FREE!

[Góc nhìn] Suy ngẫm chuyện Ngô Thừa Ân

(MTD) Ngô Thừa Ân quả là một nhà văn, nhà tôn giáo lớn của châu Á. Ông rất am hiểu về 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Lão giáo, am hiểu một cách thật sự sâu sắc và diễn tả lại qua ngòi bút tinh tế, đầy hàm ngôn ẩn dụ.

Sự ẩn dụ trong tác phẩm Tây Du Ký rộng lớn đến nỗi mỗi lứa tuổi, mỗi mức độ hiểu biết, mỗi lần giở lại từng trang sách, mỗi lần chiêm nghiệm lại nơi cõi tạm vô thường này, chúng ta đều hiểu theo những cách rất khác nhau.

Hồi còn cắp sách đến trường, chúng ta mê Tây Du Ký vì đó là tác phẩm rất hoạt náo, rất thiếu nhi, rất cổ tích, rất có giá trị để hướng con người đến bài học trừ gian diệt ác, vượt qua thử thách để đạt sự thành công.

Đến lúc lớn hơn, có cơ duyên chiêm nghiệm chuyện đạo chuyện đời, chúng ta lại càng thấy khâm phục Ngô Thừa Ân hơn, bởi tác phẩm không thừa không thiếu ở bất kỳ chỗ nào. Nếu mang ra để so sánh thì có lẽ chỉ có những ẩn từ hàm chứa phía sau các sáng tác của Trịnh Công Sơn tại Việt Nam mới có thể đạt được cái ngưỡng truyền tải triết lý bằng nghệ thuật như Ngô Thừa Ân…

Chuyện đầu tiên là đoàn người đi thỉnh kinh, nhân vật trung tâm của tác phẩm, bao gồm Tam Tạng, Bạch Long và 3 đệ tử Ngộ Không, Ngộ Tịnh, Ngộ Năng. Tại sao lại là Ngộ, mà lại là Ngộ Không, Ngộ Tịnh và Ngộ Năng, mà không phải là những cái tên nào khác?

Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, Tam Tạng đóng vai trò như cái tâm của mỗi con người thuở ban đầu, hoàn toàn trong sạch, không ô uế, không vẩn đục. Cái tâm ấy khao khát hiểu biết về thế giới, khao khát được hướng về chánh niệm và sự giải thoát. Chính vì vậy, hành trình lớn nhất của cái tâm là trở về với Đại Lôi Âm Tự, trở về với đất Phật, trở về với quê hương nguồn cội thông qua hành trình đi thỉnh bộ Tam Tạng kinh. Trên đường tôi rèn, cái tâm ấy đã gặp những thử thách chính là Tham, Sân, Si. Nếu tâm vượt qua được những cám dỗ này thì ngựa Bạch Long cứ thế đưa thẳng tâm về lại cố hương, nhưng ngược lại nếu tâm bị nhiễm ô bởi nghiệp lực thì ngựa Bạch Long lại cứ thể đưa tâm đi lẩn quẩn trong vòng luân hồi lục đạo không có lối ra.

Trong 3 đệ tử, có lẽ Ngộ Không chính là đại diện cho nghiệp Tham, Ngộ Năng đại diện cho nghiệp Sân, và Ngộ Tịnh đại diện cho nghiệp Si. Ngộ Không tham muốn đến tột độ, muốn thống trị cả Tam giới, trở thành Tề Thiên Đại Thánh, đứng đầu chúng tiên. Cái tham đó luôn ấp ủ trong lòng Ngộ Không, càng ngộ được chữ không thì mới càng từ bỏ được lòng tham. Cho nên Ngộ Không thừa sức để làm chấn động càn khôn, nhưng càng về sau càng không thể thắng nổi một tên yêu quái nào. Các yêu quái chỉ là sự thử thách bản ngã, nếu ta chấp niệm thì chúng sẽ mãi mãi tồn tại, nếu ta buông bỏ thì tự nhiên chúng sẽ tự mất đi.

Yêu quái cũng là tiên thánh, và tiên thánh cũng là yêu quái, đó những gì lặp đi lặp lại trong hành trình mà Ngô Thừa Ân vẽ nên. Nếu ai hiểu đạo sẽ thấy yêu quái ấy cũng giống như chư vị Bồ-tát hiện thân để thử thách xem cái tâm của Tam Tạng đã thật sự thấu hiểu đến tận cùng chữ “không” hay chưa. Nếu đã hiểu đã hành được giới không ấy thì Tam Tạng đã thành Phật, đã khống chế được lòng tham thường tình nơi cõi tạm, về đến Lôi Âm Tự cũng chỉ để thỉnh được chân kinh Vô Tự. Vậy há chẳng phải là do chấp niệm nên chưa thể niệm Phật mà thành Phật, chưa thể buông bỏ tất cả để trở về với cội tánh rỗng lặng thường hằng?

Bốn nhân vật trong Tây Du Ký

Ngộ Năng mê ăn, mê ngủ, mê gái, hay ganh tị oán ghét với sư huynh. Chính vì lòng tham mới khởi lên cái sân trong bản tánh. Nếu như ở Ngộ Không, chúng ta thấy được lòng tham tài vật, tham danh vọng… thì ở Ngộ Năng, chúng ta thấy lòng tham đó đã chuyển thành những hành động sân của cái ta, quyết tâm chiếm hữu cho bằng được những gì tâm muốn, nếu trái ý sẽ sanh ra oán hận mà trả thù. Có thể hiểu một cách giản đơn, sân chính là sự nối tiếp giai đoạn của tham, có khởi lòng tham thì mới nổi cơn sân để giành giật, để đố kỵ, để chiếm đoạt. Vì vậy, có khi ngộ được chữ không ở lưng chừng nhưng chưa kiểm soát được thì phải siêng năng tu rèn tự tánh, ví như xỏ được mũi con trâu tâm thức hoang dại thì phải ráng mà dạy dỗ nó ngoan ngoãn không ăn phá lúa của người khác. Cho nên sau Ngộ Không thì phải là Ngộ Năng, nếu Ngộ Không chỉ là khoảnh khắc, thì Ngộ Năng sẽ giúp cho tâm duy trì khoảnh khắc đó bằng cách áp chế liên tục những dục vọng sinh ra.

Ngộ Tịnh có thói hay hùa, ai nói gì làm gì cũng gật gù cho là đúng, nên rất dễ lung lay ý chí, chánh tà đều có thể xâm nhập, dễ rơi vào si mê vô minh. Chính vì chữ si có thể làm mờ đi những gì đã ngộ được trước đây, nên khi Ngộ Không bỏ đi, Tam Tạng hoá cọp, Ngộ Năng bảo từ bỏ hành lý chia tay thì Ngộ Tịnh cũng không hề phản đối. Phải tịnh tâm thì mới suy xét được đúng sai, soi ra được cội nguồn nhân quả của thế giới, mới hành động theo chánh đạo, nếu không sẽ dễ dàng từ bỏ mà đi lạc về lại bên kia bờ tả ngạn.

*

Trong 3 chữ ngộ, Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh thì có lẽ Ngộ Không là cái ngộ khó nhất, nếu ai cũng ngộ ra vạn vật vô thường đến từ hư không thì chỉ cần tiến thêm chút nữa là đạt được Ngộ Năng, Ngộ Tịnh. Lửa tham đã tắt thì tự dưng lửa sân lửa si cũng sẽ được dập tắt theo… Nếu không thể ngộ được không thì cái tâm vẫn sẽ vô minh, vẫn đắm chìm trong luân hồi nhân quả cho đến khi học được trọn vẹn bài học “Ngộ Không”… ví như câu đầu tiên trong bài kệ Quán Tưởng:

“Phật, chúng sanh, tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”

Ta lễ Phật cũng chính là lễ bái Phật tánh trong ta, cả hai đều rỗng lặng nhưng vẫn tồn tại đó thôi. Xin cảm ơn Ngô Thừa Ân rất nhiều vì những gì ông đã viết và để lại cho đời, cho đạo, cho những kiếp trầm luân trong tham sân si có cơ duyên được soi rọi lại chính mình qua từng trang sách của ông.

Vô Tự kinh ở ngay trước mặt, chẳng đâu xa…

ThS.BS Lê Quốc Tuấn
(giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Thương hiệu trà Việt nổi tiếng (https://songhytra.com/)
Bảo Trầm (baotram.vn) – thương hiệu nhang sạch cho mọi nhà
Facebook
Pinterest
Twitter
Email

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Subscribe To Our Newsletter

Subscribe to our email newsletter today to receive updates on the latest news, tutorials and special offers!