(MTD) Lương thiện là một loại mỹ đức, nhưng rất cần có những nguyên tắc riêng. Nếu không, sẽ có người lợi dụng sự lương thiện của bạn để ức hiếp và không ngừng yêu sách. Những điều bạn làm, người ta sẽ phớt lờ; sự nhượng bộ của bạn, họ sẽ xem là lẽ hiển nhiên. Bởi trên đời, người thật sự biết ơn không nhiều, mà những kẻ được đà lấn lướt lại không ít.
Nếu bạn dễ sai bảo, người khác sẽ không ngại nhờ; Biết bạn luôn tha thứ, họ sẽ ỷ lại rồi làm càng; Khi bạn cho đi không cân nhắc, khối kẻ sẽ viện cớ để tới lui xin xỏ…
Lương thiện thì rất tốt, nhưng nhất định phải đi kèm với trí tuệ. Làm việc gì cũng cần minh bạch, có chính kiến và lập trường rõ ràng, người khác mới không thể lôi kéo, đặt điều.
Dù lương thiện, nhưng phải biết khước từ khi cần. Nếu không, bạn sẽ xoay vòng không hết việc, cả ngày ngược xuôi vì kẻ khác, mà vẫn bị trách hờn khi chưa kịp thỏa mãn yêu cầu cho ai đó.
Cuộc sống này, vốn chỉ nên giúp ngặt mà không thể giúp nghèo, chỉ nên hỗ trợ phương tiện chứ không thể làm thay cho mọi thứ. Nếu lương thiện đặt không đúng chỗ, sự giúp đỡ trao không đúng người, hiệu quả việc làm không lớn, lại gánh thêm tính ỷ lại của người ta, hại bản thân phải chịu những trách nhiệm vô lý.
Vậy nên đừng quên: Yếu lòng và lương thiện là hai trạng thái khác nhau. Yếu lòng có thể một lúc, lương thiện thì cần cả đời. Yếu lòng là phản ứng có điều kiện, còn lương thiện là sự cho đi không cần bất kỳ hồi đáp nào.
Giữ gìn sự lương thiện song song với việc bảo vệ tốt bản thân, đừng nhân danh lương thiện mà yêu sách người khác đủ điều, cũng đừng để lương thiện trở thành vũ khí tấn công lại chính mình.
Suối Thông lược dịch
Suối Thông là bút danh của Sư cô Thích nữ Hạnh Đức, Tiến sĩ Triết học (tốt nghiệp tại Trung Quốc). Hiện cô có hai tác phẩm được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt là Thả trôi phiền muộn và Sống đời bình an (do SaigonBooks và NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành).