Sáng qua, 8-10, Tổ Văn và CLB Đọc sách Trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) tổ chức chương trình “Chạm sách” tháng 10, chủ đề “Sống tích cực, thương chân thành” tại thư viện Miệt Vườn ở nhà cổ Út Bình.
Cô Trần Huỳnh Nhị, giáo viên Văn của trường, người thực hiện chương trình kết nối các tác giả sách, diễn giả trong nhiều lĩnh vực về chia sẻ tình yêu viết lách, đọc sách đã chọn cuốn sách “Sống tích cực, thương chân thành” làm chủ đề kỳ này.
Tại buổi chia sẻ của chúng tôi (Lưu Đình Long và Lê Minh Huân – tác giả “Sống tích cực, thương chân thành”) không chỉ nói về sách mà còn lắng nghe những trải lòng chân thật của các bạn học sinh tham dự.
Có bạn hỏi, làm sao để vượt qua cảm giác bị thua thiệt với học sinh thành phố, cách vượt qua áp lực điểm số; có bạn thì rưng rưng kể những nỗi lòng sâu kín nhất của mình: một câu nói của ông nội đã khiến bạn nặng lòng nhiều năm tháng; một sự thiếu kết nối – không truyền thông được giữa các thành viên trong gia đình khiến bạn không biết hạnh phúc là gì dù còn đủ ba mẹ, kinh tế khá giả…
Tôi nhớ mãi ánh mắt của cậu học trò khi trải lòng mình với câu hỏi: con không biết hạnh phúc là gì? Vấn đề thiếu kết nối giữa các thành viên gia đình vì lý do nào đó đã và đang diễn ra rất nhiều trong cuộc sống quanh mình.
“Vì không hiểu được kẻ khác
Cho nên hờn giận, oán cừu
Lý luận xong rồi trách móc
Mỗi ngày mỗi chuốc khổ đau
Ngăn cách hố kia càng rộng
Có ngày không nói với nhau
Cũng không muốn nhìn thấy mặt
Gây nên nội kết dài lâu”
(Sám nguyện – Thiền sư Nhất Hạnh)
Cơn giận, sự hiểu lầm, thiếu quan tâm-thiếu kết nối đã làm cho chúng ta – người thân người thương trở nên xa cách, “chiến tranh lạnh” và nội kết dài lâu. Muốn chuyển hóa, thay đổi, làm nội kết được tháo gỡ thì cần thực tập hiểu sâu, thương lớn. Thực tập thật lâu, thật dài và đúng phương pháp.
Tôi và Huân đã rưng rưng khi chia sẻ, khi nói về vô thường, rằng chốc lát nữa đây có thể ta hoặc người thân không còn nữa, thì tại sao lại để những hiểu lầm, giận hờn kéo dài thêm nữa. Chúng tôi nhất trí gửi gắm thông điệp “hiểu và thương” để các bạn cùng thực tập, để về làm mới lại lòng mình, mối quan hệ của mình, để tình cảm gia đình không “ngăn cách hố kia càng rộng”.
Sau buổi chia sẻ với các bạn trong chương trình “Chạm sách”, chúng tôi dường như được nối dài những nội dung chia sẻ trong “Sống tích cực, thương chân thành” – là những câu chuyện về tình yêu-thương, kết nối, ứng xử với nhau trong tâm thế tích cực, chân thành.
Cũng sau buổi chia sẻ, tất cả thật tâm nhìn nhận, khi các bạn trẻ có-vấn-đề trong suy nghĩ, ứng xử, có những giọt nước mắt buồn thương, trách hờn không phải chỉ vì các bạn hời hợt mà sâu xa còn ở chỗ người lớn chưa thật tinh tế, còn thiếu các kỹ năng làm bố mẹ. Do vậy, đôi khi đã không làm chủ được lời nói, cảm xúc dẫn tới nói, làm những điều khiến con cháu mình tổn thương mà mình không hay, không biết hoặc hay biết mà không thay đổi.
Xét cho cùng, trong mọi mối quan hệ, dù là ai, người lớn hơn hay người nhỏ hơn đều cần phải học, phải giảm thiểu cái tôi cá nhân, cùng vun vén thì mới bền lâu, hạnh phúc được.
Mong rằng, câu chuyện sáng qua của chúng tôi cũng “chạm” được đến các bạn, những người trẻ đang lớn và sẽ trưởng thành, hạnh phúc trong tương lai…
Chùm ảnh buổi chia sẻ hôm qua, 8-10, tại Long Hồ, Vĩnh Long, ảnh của Bảo và Khánh:
Lưu Đình Long
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn