Ngay ngày đầu tiên của tháng Bảy âm lịch, trên dòng thời gian của một người bạn tôi đăng trạng thái: “Cứ bị vậy sao không đổ thừa tháng cô hồn cho được”. Kèm theo đó là bức ảnh bạn bị té xe, chiếc quần thủng một miếng nhỏ. Nhiều người vào bình luận, kể ra những sự kiện xui rủi liên quan đến “tháng cô hồn” của họ, rồi tư vấn bạn tôi nên lên chùa cầu an hoặc nên sắm mâm lễ để cúng các vị “khuất mày khuất mặt”…
Tôi không bình luận nhưng nhắn riêng, hỏi về vụ việc. Bạn bảo, nguyên nhân chính do lái xe không tập trung, bất cẩn, do tối hôm trước thức khuya để làm cho xong một dự án đến hạn chót. Tuy nhiên, đâu đó, bạn vẫn tin rằng, có những xui rủi đến từ tháng Bảy. Hay nói cách khác, bạn tin vào sự quấy phá của cô hồn trong dịp tháng Bảy âm lịch.
Sau cuộc trò chuyện, tôi nhận ra nét văn hóa tháng Bảy – tháng cô hồn – ăn đậm vào trong nếp nghĩ và niềm tin của nhiều người. Ngay cả một người trẻ, làm việc trong lĩnh vực liên quan tới khoa học công nghệ như bạn tôi mà cũng tin rằng, đây là tháng mang tới sự không may mắn, xui rủi. Theo bạn, từ hồi nhỏ ở quê nhà Hải Dương của mình, bạn đã chứng kiến bố mẹ vào tháng Bảy vẫn thường sắm lễ cúng cô hồn rất thịnh soạn và tất nhiên không thể thiếu vàng mã, hình nhân thế mạng để cầu bình an cho cả gia đình. Lớn lên vào Nam sinh sống, làm việc bạn vẫn giữ nét văn hóa này.
Vài năm trước, tôi phỏng vấn Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) về lý do dân gian gọi tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn và là tháng có nhiều điều kiêng kỵ. Vị Tiến sĩ giải thích trong văn hóa tín ngưỡng của nhiều nước châu Á bao gồm Việt Nam, các cách gọi như mùa xá tội vong nhân, lễ vu lan, tết Trung Nguyên… tuy có nguồn gốc khác nhau song đều diễn ra vào tháng Bảy âm lịch và đều liên quan đến những người đã khuất, khi đi vào dân gian thì được gọi nôm na là tháng cô hồn.
Theo văn hóa dân gian, rằm tháng Bảy là dịp những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Vì vậy, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian.
Còn trong Phật giáo thì lễ vu lan gắn với câu chuyện Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi địa ngục vào ngày rằm tháng Bảy, và ngày này dần trở thành truyền thống báo hiếu cha mẹ.
“Dịp này các chùa thường thiết lập trai đàn chẩn tế các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng, đồng thời cũng là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã qua đời”, TS Lộc nói. Ở phương diện này, ông Lộc cho rằng, đây là nét nhân văn trong đời sống tinh thần của người dân. Mọi người xem đây là dịp để hướng về cha mẹ, ông bà, tổ tiên trong tinh thần tri ân, báo ân. Đồng thời, qua đó, hướng tới những đối tượng không nơi nương tựa, đói khát – được gọi chung là cô hồn – để sẻ chia vật thực, thuyết pháp giúp họ quy hướng đường lành.
Đương nhiên, theo ông Lộc, việc lễ cúng dịp này không câu nệ lễ vật nhiều ít và không phải vì lo sợ mà cúng, mà bắt nguồn từ lòng từ bi với tha nhân, lòng hiếu nghĩa với các bậc sinh thành, tổ tiên.
Từ nét đẹp văn hóa truyền thống thành sự mê tín, lo sợ hay đổ lỗi cho mọi bất như ý mình gặp trong cuộc sống đều do tháng Bảy, bởi cô hồn, ngạ quỷ trong địa ngục được phóng thích lên nhân gian là một nhận thức sai lạc. Trong Phật giáo gọi đó là tà kiến.
Một nhận thức sai lầm thường gặp trong tháng Bảy nhất đó là, nhiều người vì quá lo lắng mà không dám làm gì trong tháng này, kiêng kỵ đủ thứ khiến nhiều hoạt động bị đình trệ. Bên cạnh đó, có những người đổ xô mua lễ, sắm vàng mã với nhà to, xe lớn để đốt cho “cõi âm” mà không hiểu được việc làm đó là vô nghĩa.
Nhiều vị hòa thượng, giảng sư của Phật giáo đã khuyên mọi người không nên đốt vàng mã tốn kém, gây ô nhiễm môi trường, nếu có lòng thành thì hãy dùng tiền đó đi biếu tặng hoặc mua gạo, nhu yếu phẩm cho người nghèo.
Pháp Phật nói rằng mọi biểu hiện trong đời đều có nhân duyên. Vì vậy, sống thiện, sống lành từ lời nói, suy nghĩ, hành động chính là cách thức kiến tạo bình an, hạnh phúc vững chắc, đúng đắn nhất; không có chuyện bày mâm lễ thật to, đốt vàng mã thật nhiều thì mới được bình an. Nếu có, đấy chỉ là liệu pháp tâm lý mà thôi.
Sống bình an là sống thuận pháp, không bị mê tín, lệ thuộc. Đó chính là sống với nhân quả, biết tránh ác, làm thiện thì sẽ gặp được những hoa trái tương ứng
Với tôi, tháng Bảy âm lịch là tháng tri ân, báo ân, tháng để nghĩ về ông bà tổ tiên đã quá vãng và thân nhân còn sống để lắng lòng và nguyện buông bỏ phiền não, tập nhẹ nhàng giữa xô bồ chứ không phải tháng để kiêng kỵ. Thực ra, không cứ phải đợi tới tháng Bảy mới sống tốt, làm thiện bởi đó cũng là một sự trình diễn hoặc biểu thị tâm lý phân biệt, sợ hãi. Nếu hiểu tháng Bảy là tháng nhắc nhở con người nhiều hơn về sự tự kiểm chính mình, lánh ác, làm lành có lẽ sẽ đúng hơn.
Cố nhiên, báo hiếu cũng vậy. Đó phải là việc làm mỗi ngày đối với cha mẹ còn sống, tổ tiên đã khuất bằng chính nếp sống tích cực, thiện lành, vun vén, yêu thương, chia sẻ… Nếu thấu lẽ vô thường, con người sẽ không chờ đợi tới một mốc thời gian nào đó mới làm nghĩa vụ sống tốt và qua thời điểm đó lại buông lơi.
Đừng để quan niệm “tháng cô hồn” trói buộc con người trong nỗi sợ!
Lưu Đình Long
(theo Dân trí)
- Đọc bài gốc trên báo Dân trí tại đây.
Mây Thong Dong trân trọng được hợp tác trong lĩnh vực truyền thông với quý công ty, đơn vị, cá nhân; làm sách, in ấn, quảng cáo… Liên hệ: truyenthong@maythongdong.vn